Phải xử lý nghiêm kẻ xem thường đạo đức xã hội

14/02/2011 17:44 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc lên án hành vi đập phá bia mộ và phần trang trí của 86/350 ngôi mộ tại nghĩa địa xã Đức Yên, H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vào đêm 30 Tết Tân Mão và việc ông Nguyễn Chí Đông - Giám đốc Công ty TNHH Đông Tâm đào phá 21 ngôi mộ ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, H.Phù Mỹ, Bình Định vào đêm 18 rạng sáng 19.1 để lấy đất làm cây xăng mà Thanh Niên đã phản ánh trong tuần qua...

Phải xử lý nghiêm

Hành vi đào phá mộ chẳng những vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn nó còn vi phạm đạo đức xã hội, bị dư luận lên án gay gắt hơn. Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng phải sớm truy tìm thủ phạm đập phá gần trăm ngôi mộ tại Hà Tĩnh và xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội. (nguyenviet_lxag@gmail.com)

Báo động về đạo đức xã hội

Vì đồng tiền, con người ta có thể làm tất cả mọi thứ kể cả xâm phạm đến người đã khuất mà trường hợp báo nêu là ví dụ điển hình. Xã hội ngày một phát triển, đất đai ngày một lên giá thì chuyện bất chấp tất cả, kể cả san lấp mộ không thèm di dời để phân lô bán nền đã từng xảy ra. Thật đáng báo động về đạo đức xã hội. Trần Thị Chinh (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cần giải quyết thấu tình đạt lý

Qua sự việc này cho thấy, tranh chấp, di dời, xâm phạm mồ mả để phát triển đô thị, phát triển các KCN... đang là một vấn đề xã hội. Ở một số nơi, nghĩa địa của địa phương  - chốn yên nghỉ của dòng họ, tổ tiên từ hàng trăm năm đang có nguy cơ bị san bằng, phải di dời toàn bộ để lấy đất phát triển đô thị... Truyền thống của dân ta rất coi trọng mồ mả ông bà, tổ tiên. Việc di dời mộ là điều rất ít ai muốn làm; trong khi đó, nhu cầu phát triển đô thị, KCN đòi hỏi phải di dời mộ. Làm thế nào để đảm bảo được cả 2 mặt, vấn đề này cần có sự tham gia của các nhà xã hội học, văn hóa học, kiến trúc sư... để đưa ra một phương án tốt nhất. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì những vụ xâm phạm mộ sẽ vẫn còn tiếp diễn. Bảo Khánh (TP Đà Nẵng)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.