Vào cung cấm mua “Ấn thánh”
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, nửa đêm mồng 8 tháng Giêng, chúng tôi đã tìm đến đền Bảo Lộc, nơi được nhiều người cho rằng ở đó có Ấn của Đức Thánh Trần. Đền Bảo Lộc thuộc huyện Mỹ Lộc cách đền Trần ở phường Lộc Vượng - TP Nam Định khoảng 3 km. Người đưa đường cho chúng tôi nói rằng đi xin Ấn hay nhất là lúc đêm khuya thanh vắng, đến đó có thể trực tiếp vào Cung cấm được nhìn thấy Ấn, thậm chí có thể được tự tay khai Ấn, đóng Ấn cho mình.
Gần 1 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại sân đền Bảo Lộc. Những tưởng sẽ chẳng còn ai xin Ấn vào giờ ấy, vậy mà vẫn còn hơn hai chục người đặt lễ thắp hương xin Ấn trong đền. Sau khi viết sớ, chuẩn bị đồ lễ, chúng tôi được mời vào cung cấm để xin Ấn.
Cung cấm là một gian mật thất ở sâu trong đền có tượng thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và hai người thầy dạy văn, võ của Đức Thánh.
Để vào cung cấm, mọi người đều phải cúi mình chui qua một cửa vào duy nhất cao chưa đầy 1 mét, rộng khoảng 0,5 m. Phía sau tượng Đức Thánh Trần có biển đề chữ: “Nơi để Quốc Ấn” màu đỏ; phía dưới là một két sắt, xung quanh có nhiều tấm vải đã xén vuông vức xếp thành từng chồng.
|
Hai thanh niên mở khóa két sắt, lấy ra một hộp vuông nói rằng đây là Quốc Ấn. Những tấm vải được đặt lên chiếc ghế gỗ màu nâu để đóng Ấn. Họ hỏi chúng tôi cần lấy bao nhiêu lá để đóng. Con số khiêm tốn ban đầu là 5 lá, sau tăng lên thành 30 lá và... nếu muốn chắc sẽ có được cả trăm lá Ấn.
Ở đây cũng có bùa hộ mệnh, trấn trạch, lệnh công tác... Có điều, tất cả đều được nhân lên để... tính tiền.
Mỗi bộ lá Ấn, bùa hộ mệnh, trấn trạch có giá 100 nghìn đồng. Đổi lại, chúng tôi đều được trực tiếp cầm Ấn và tự khai Ấn cho mình. Chiếc Ấn khá nặng, phải dùng hai tay mới có thể đóng được. Hỏi về sự khác nhau giữa Ấn ở đền Trần và đền Bảo Lộc, hai thanh niên giữ Ấn nói rằng Ấn ở đền Trần là của vua Trần, Ấn ở đây là của Đức Thánh Trần.
Trở về với tập lá Ấn dày cộp trên tay nhưng chúng tôi vẫn chưa thỏa lòng vì chưa có được Ấn đền Trần. Anh T. một người dân ở TP Nam Định mách, cứ quay lại đền Bảo Lộc, ở đó, ngoài ấn đền Bảo Lộc còn bán cả ấn đền Trần.
“Ấn vua” mua bao nhiêu cũng có
Trưa hôm sau chúng tôi trở lại đền Bảo Lộc và ngay lập tức choáng vì không chỉ đêm qua, những người giữ đền đặc cách cho chúng tôi vào cung cấm mà ban ngày cung cấm vẫn nườm nượp người chui ra chui vào, cũng tự tay đóng ấn và cũng 100 nghìn/ lá.
Quản việc này, có 3 thanh niên hướng dẫn, giúp du khách việc tự đóng ấn, kiêm thu tiền. Nội cung chỉ mấy mét vuông mà có đến hơn hai chục người chen chúc nhau, trông đến khổ sở!
Choáng hơn nữa khi ra cổng đền, hỏi bất cứ quầy hàng, bàn viết sớ nào cũng có thể mua cả “ấn đền Trần” lẫn “ấn đền Bảo Lộc” với số lượng lớn. Giá bán Ấn cũng muôn hình vạn trạng, có người nói hai chục nghìn một chiếc, có người (mặc áo nâu dài kiểu áo thầy chùa) đòi năm chục nghìn nhưng cũng có người chỉ bán với giá năm nghìn đồng, với điều kiện mua số lượng lớn.
|
Một chị còn đồng ý giao hàng (“Ấn đền Trần” - PV) đến tận khách sạn với số lượng cả vài trăm chiếc cho chúng tôi, giá khuyến mại 14 nghìn đồng/chiếc. Chị cho chúng tôi cả số điện thoại (01292809...) để “liên hệ bất cứ khi nào, ở đâu nếu các anh có nhu cầu mua Ấn”.
Hỏi “Ấn đền Trần phải đúng đêm khai Ấn mới phát, sao chị có số lượng nhiều thế? Chị này trả lời không chút đắn đo: “Phải nhờ người nhà ở bên đền Trần lấy ra mới có được”. Chúng tôi muốn tin chị ta nói liều ra như vậy thôi. Nhưng nếu thế, sẽ còn buồn hơn, bởi đích thị số ấn mà chị sẽ bán cho chúng tôi sẽ là ấn giả, ấn ngoài luồng, nếu không cũng là ấn cũ tồn từ những năm trước.
Những lá ấn chúng tôi mua được ở đền Bảo Lộc, hình thức nội dung chẳng khác gì ấn đền Trần năm trước: kích thước, chất liệu, vẫn kiểu chữ in trên nền vải lụa vàng chẳng hề thấy có sự khác biệt nào!
Không ít người về lễ thánh, vì dễ tính hay cả tin, đã không chần chừ rút tiền mua những chiếc “ấn đền Trần” tại đây, có người còn mua thêm vài chiếc để biếu cho người ở nhà.
Hội càng to lo càng lớn
Tiếp nhận lá “ấn đền Trần” chúng tôi mua của người bán hàng ở đền Bảo Lộc (do PV Tiền Phong cung cấp), bà Cao Thị Tính - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần có vẻ không vui. Tại cuộc họp báo (ngày 11-2), có vị cán bộ địa phương còn cho rằng, để phân định thật giả trắng đen cần phải qua kiểm tra giám định mới biết!
“Điều chúng tôi có thể khẳng định, đó là Ấn đền Trần chỉ được phát vào đêm khai Ấn từ đêm 14 tháng Giêng. Đây không phải Ấn đền Trần năm 2011”.
Bà Tính cũng cho biết, năm nay trên vải dùng để in Ấn (phôi ấn) còn có thêm 3 chữ đặc định (Vì lý do bí mật chúng tôi xin chưa nêu ra - PV). Đây chính là điều khác biệt để người dân dễ dàng nhận biết được lá Ấn thật, Ấn giả.
Đã có ý kiến cho rằng, khi lễ hội “phát triển”, từ lễ hội làng xã đến lễ hội quy mô lớn thu hút cả chục vạn người tham gia càng hoành tráng càng đẩy người dân - đối tượng chính của lễ hội truyền thống ngày càng xa lễ hội hơn.
Với lễ hội đền Trần, việc phát hành thẻ đỏ, thẻ xanh cũng đã bị những thường dân không có thẻ nói ra nói vào. Về vấn đề này, bà Tính cho rằng, việc chính quyền tham gia tổ chức lễ hội chủ yếu ở góc độ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho lễ hội. Không dễ gì có thể kiểm soát được tất cả những vấn đề phát sinh trong lễ hội. Chuyện thẻ đỏ, thẻ xanh năm nay Ban tổ chức vẫn tiếp tục duy trì với số lượng như những năm trước.
Câu chuyện về qui trình in ấn đền Trần ra sao, tại sao đến giờ Tý (23 giờ đêm 14 tháng Giêng) mới diễn ra lễ Khai Ấn mà có tới cả vạn lá Ấn phát cho du khách đêm đó!?Phóng viên Tiền Phong sẽ tiếp tục đi tìm lời lý giải, cũng như ý nghĩa thật sự của lá Ấn này.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)