Đó là cảnh báo của Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick sau khi tổ chức này công bố chỉ số giá lương thực, thực phẩm mới nhất hôm 15.2. Theo đó, chỉ số này tăng 15% từ tháng 10.2010 -1.2011, chủ yếu ở các mặt hàng lúa mì, bắp, đường, dầu ăn, và chỉ thấp hơn 3% so với đỉnh điểm khủng hoảng lương thực năm 2008. Tình trạng dẫn đến hậu quả là thêm 44 triệu người bị đẩy vào cảnh đói nghèo trầm trọng (sống dưới 1,25 USD/ngày) kể từ tháng 6.2010, theo ước tính của WB.
Cơn sốt giá lương thực đang tạo áp lực lớn đối với nhiều nước châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh và Đông u. Tỷ lệ lạm phát tại Indonesia là 7%, trong khi tại Ấn Độ là 8,2%. Giá các loại lương thực thiết yếu cứ “nhảy múa” không ngừng. Trong vòng 6 tháng qua, giá lúa mì tăng gấp đôi và giá bắp tăng khoảng 73%. Giá đậu tại Burundi và Cameroon tăng hơn 40%. Còn giá đường và dầu ăn thế giới tăng lần lượt là 20% và 22% chỉ sau 3 tháng. Dù giá gạo vẫn chưa tăng mạnh so với lúa mì và bắp nhưng giá giao dịch gạo tương lai ở Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng 53% so với tháng 6.2010. Tình hình này khiến WB cho rằng cần theo dõi sát sao giá nông sản thiết yếu này trước tình hình một số nước tăng cường nhập khẩu và tích trữ gạo. Theo Reuters hôm qua, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng nhập 1 triệu tấn lúa mì và gạo thay cho bắp đang tăng giá.
Bloomberg dẫn lời ông Zoellick cho rằng không nên làm trầm trọng thêm tình hình bằng các biện pháp như cấm xuất khẩu hoặc áp giá thực phẩm vì điều này chỉ đẩy giá tăng cao hơn nữa. Lãnh đạo WB còn khẳng định an ninh lương thực đã trở thành vấn đề toàn cầu và hiện chưa có biện pháp tối ưu để giải quyết.
Nguyên nhân chủ yếu đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng chóng mặt như hiện nay là đầu cơ và thiên tai đã phá hoại vụ mùa ở nhiều nước. Các chuyên gia đang rất lo ngại khi hạn hán tiếp tục diễn ra tại nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Dù tờ China Daily hôm qua dẫn lời giới chức trấn an rằng Bắc Kinh vẫn bảo đảm được nguồn cung trong nước và sẽ ổn định được giá cả, Cơ quan Khí tượng Anh cho hay hạn hán tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn trong 1 tháng nữa và khi mưa xuống thì đã quá trễ để cứu vụ mùa. Bloomberg dẫn lời chuyên gia Abdolreza Abbassian của Tổ chức Lương Nông LHQ nhận định tình trạng mùa màng thất bát tại Trung Quốc có thể đe dọa mục tiêu khôi phục các kho dự trữ lương thực trên thế giới.
Thụy Miên
Bình luận (0)