Quang cảnh đãi vàng thường thấy ở các bãi vàng của huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) từ thập niên 1990 nay được tái hiện khắp các thôn xóm. Một đại công trường khai thác vàng sôi động đang diễn ra tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) những ngày qua.
Nhà nhà mở xưởng
Con đường vào thôn Bồng Miêu ngập ngụa trong khói bụi. Tiếng xe máy, tiếng máy nổ, tiếng búa đập đá chan chát cả xóm làng. Từng tốp thanh niên trong bộ áo quần xộc xệch, lấm lem bùn đỏ, tay cầm búa phóng xe gắn máy như bay trên đường. Cạnh đó, những toán xe thồ chở đất đá, quặng vọt nhanh vào các con hẻm. Từng dãy nhà dưới chân núi Gò Chợ, người dân bắt đầu kéo những tấm nilông trải ra trước sân để phơi quặng vừa xay xong. Quặng, đất đá đóng thành từng bao tải được chất từ ngoài ngõ vào tận các hiên nhà.
Thấy khách lạ vào nhà, ông Lê Phước Trung đang xúc quặng lên xe rùa dừng tay xẻng dọn dẹp các công cụ làm vàng. Quanh nhà ông Trung là hàng loạt đống quặng vừa nghiền xong được che chắn cẩn thận. Sát vách núi sau hè, một công xưởng nhỏ gồm máy nghiền đá, máy bơm nước và cả một hầm tách vàng đang hoạt động ầm ĩ.
Một trong những mỏ vàng lớn nhất nước
Hơn 1.000 năm trước, mỏ vàng Bồng Miêu từng được người Chăm phát hiện và khai thác. Bồng Miêu có nghĩa là “cánh đồng vàng”. Rồi lần lượt đến người Trung Quốc, người VN và người Pháp đến đây khai thác khá thành công. Theo đánh giá của Viện Địa chất khu vực Trung Trung bộ, Quảng Nam là nơi tích tụ của những đứt gãy địa chất tạo khoáng vàng, vì vậy có thể nói nơi đây thuộc những nơi có nhiều vàng nhất nước. Hàm lượng vàng trong quặng tại mỏ vàng Bồng Miêu khoảng 10g/tấn quặng, tại Phước Sơn là 13-15g/tấn quặng. Ngày 6-4-2006, mỏ vàng Bồng Miêu được giao cho Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu (liên doanh giữa Olympus Pacific Minerals Inc. của Canada, 80% vốn, với Công ty Phát triển khoáng sản và Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Nam, 20% vốn) để khai thác. Theo đánh giá của cơ quan này, trữ lượng vàng tại đây có thể khai thác đến 50 năm nhưng đến nay lượng quặng khai thác đã không đủ để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Hiện nhà máy này sử dụng thêm quặng từ mỏ Đắc Sa (thuộc huyện Phước Sơn) để khai thác. Chính vì vậy dẫn đến việc bỏ lại các mỏ vàng cũ xung quanh nhà máy khiến người dân đổ xô đến khai thác trong thời gian gần đây. |
Ông Trung cho biết không riêng gì nhà ông, nhiều gia đình trong thôn cũng làm vàng ngay tại nhà. Ở đây kỹ thuật chiết quặng, bóc tách vàng không thua kém gì các bãi bờ ở Phước Sơn. “Ruộng đồng eo hẹp, không có việc làm, người dân chỉ biết bu bám mót vàng để kiếm sống qua ngày. Nhìn vậy chứ thu nhập bình quân hằng tháng chẳng bao nhiêu” - ông Trung nói.
Không biết đãi vàng, bà Nguyễn Thị Tám, một người dân địa phương, cũng tranh thủ những ngày nông nhàn đi vác đất đá thuê cho các nhà có máy xay đá để kiếm tiền. Bà Tám cho biết một ngày công chuyển vác quặng, đất đá từ hố Gần hoặc đồi Sim về làng được các chủ máy xay trả 150.000 đồng, đủ để trang trải chi phí cho cả gia đình.
Sau nhiều năm lang bạt tại TP.HCM với đủ thứ nghề, anh Lê Thành Vinh, một thanh niên trong làng, quay về đầu tư công xưởng làm vàng ngay tại vườn nhà. Anh Vinh cho biết hiện tại Nhà máy vàng Bồng Miêu vẫn tuyển công nhân làm vàng nhưng công việc đào hầm, xay đá khá nặng nhọc mà mức thu nhập không bằng mình tự túc làm vàng. “Vừa tự do về thời gian, vừa có cơ may trúng mánh”, anh Vinh hào hứng nói.
Cũng theo lời anh, không phải ai cũng có khả năng nhìn đá thấy vàng như người dân Bồng Miêu. Bởi hơn 100 năm trước, người Pháp đến đây khai thác thuộc địa lấy vàng cũng là lúc người dân địa phương học được cách tìm ra các vỉa đá phêric hoặc đá tổ ong óng ánh mà họ biết chắc trong đó có vàng.
Xô xát cũng vì vàng
Ông Phạm Thanh Thủy, trưởng thôn Bồng Miêu, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu làng nhỏ. Từ các con hẻm đến ngã ba đường đâu đâu cũng chất ngất những bao tải, túi đất quặng dùng để đãi vàng. Nhà của ông trưởng ban mặt trận thôn cũng chất đầy bao tải đất đá quặng trước sân. Ông Thủy tâm sự: “Thôn tui có 200 hộ, nhưng có đến 50 hộ gia đình làm vàng. Không làm vàng hỏi anh làm chi?”. Từ ngày phong trào đào đãi vàng tại nhà bùng phát, người dân có thu nhập khấm khá, vật giá ở xóm nhỏ này bắt đầu leo thang. “Hôm trước kêu công nhật một người đi phát rừng giá 80.000 đồng, nay chẳng ai đi làm vì làm vàng sướng hơn. Một ngày có người kiếm từ 200.000-300.000 đồng” - ông Thủy bảo vậy.
Tình trạng người dân đổ xô khai thác vàng và tự xử lý hóa chất thủ công dẫn đến môi trường tại khu vực này bị tác động nghiêm trọng. Nhiều thửa ruộng sát nhà dân bị cát và quặng lấp đầy, cạnh đó những con suối chuyển sang màu vàng đặc quánh vì hóa chất. “Chính quyền địa phương công bố sẽ phạt 20 triệu đồng/hộ nếu nhà nào sử dụng máy nổ để nghiền đá đãi vàng, nhưng mới chỉ là nói miệng và chưa ai bị phạt” - ông Thủy cho biết.
Khi các vỉa quặng ở Bồng Miêu cạn kiệt không còn khả năng khai thác công nghiệp, Nhà máy vàng Bồng Miêu chuyển quặng từ xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) về Bồng Miêu để xử lý, chiết tách lấy vàng, người dân địa phương bắt đầu đổ xô vào các bãi cũ như hố Gần, thác Trắng, suối Lò, đồi Sim... để khai thác. Người dân thôn Bồng Miêu hiện chưa hết bàng hoàng về cái chết của một phụ nữ trong thôn khi mót vàng bị đá đè giập nát thân thể. Nhưng sức hút từ vàng vẫn thôi thúc khiến người dân nơi đây không thể chùn chân.
Vào tháng 8-2010, gần 1.000 người dân địa phương đã tấn công đập phá Nhà máy vàng Bồng Miêu vì một thanh niên đi mót vàng bị công an huyện ngăn cản. Nhiều người bị thương trước trận “mưa đá” do người dân ném vào nhà máy. Gần 100 cảnh sát cơ động của tỉnh và hơn 50 bảo vệ nhà máy vàng phải túc trực nhiều ngày liền và sau khi chính quyền đối thoại với người dân thì mọi chuyện mới được giải quyết. Kết quả chỉ sau một đêm, gần 5 tấn quặng vàng của nhà máy bị đánh cắp và một thanh niên bị khởi tố hình sự sau vụ việc này.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, ông Đặng Bá Dự, cho biết mặc dù chính quyền huyện đã nhiều lần xin ý kiến lãnh đạo tỉnh để truy đuổi, dẹp điểm nóng khai thác vàng tại Bồng Miêu nhưng mọi việc lắng xuống rồi lại bùng phát. “Chính quyền huyện vẫn biết chuyện đãi vàng cũng như nhiều hệ lụy mang lại từ vàng nhưng để xử lý triệt để là cả một quá trình” - ông Dự nói.
Nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng Ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Nam, cảnh báo: năm 2010, sở đã đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường đến lấy mẫu nước mặt, đất đá tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) để phân tích. Kết quả cho thấy nước mặt tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số giếng nước của người dân địa phương đã được khuyến cáo không nên sử dụng. Mới đây, cảnh sát môi trường tỉnh kết hợp cùng Sở Tài nguyên - môi trường kiểm tra đột xuất tại khu vực này, phát hiện một hộ gia đình chứa hơn 4m3 đất đá đang ngâm dung dịch cyanua để tách lấy vàng. Sở đã đề nghị Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu thu gom toàn bộ số đất đá ngâm cyanua này về xử lý. Theo ông Công, việc cạnh tranh khai thác xử lý vàng giữa người dân địa phương và Công ty vàng Bồng Miêu là có. Việc này đã làm tình hình an ninh trật tự tại địa phương diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
|
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)