Theo nội dung dự thảo Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày tại phiên họp, UBND cấp xã nơi nạn nhân bị mua bán đến khai báo có trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân, còn việc hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ trở về nơi cư trú thì giao cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện.
Chậm nhất trong 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp, xác định thông tin ban đầu về nạn nhân để xem xét thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú.
Đối với nạn nhân là trẻ em thì Phòng có trách nhiệm thông báo cho thân nhân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình chỉnh lý đề xuất quy định các nạn nhân mua bán người được trợ giúp pháp lý giai đoạn đầu, được hỗ trợ học văn hóa, học nghề.
“Đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ ban đầu (một lần) để họ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống. Trên thực tế, trong thời gian qua cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc đã trở về gia đình.
Qua khảo sát ở một số địa phương cho thấy, công tác này đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng nạn nhân bị mua bán trở lại do thiếu việc làm, không có thu nhập hoặc do hạn chế về trình độ văn hóa, nhận thức”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ nói trên được quy định chặt chẽ theo hướng, không phải bất cứ nạn nhân nào cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định như là người thuộc hộ nghèo và phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là nạn nhân bị mua bán.
Qua thảo luận, khá nhiều thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách khi thực hiện quá nhiều chế độ hỗ trợ các nạn nhân mua bán người như đề xuất nói trên.
“Có nên hỗ trợ học nghề không, rồi hỗ trợ văn hóa đến mức độ nào, để biết chữ hay hỗ trợ để đạt đến một trình độ nhất định, rất khó thực hiện. Kinh phí đâu để hỗ trợ chuyện này? Học nghề cũng thế, dù quy định rất quý nhưng thực tiễn lại không hợp lý, sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Phát biểu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cũng đặt ra lo ngại tương tự.
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Tư pháp) trao đổi, làm rõ các vấn đề còn băn khoăn nói trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: Ủy ban TVQH tán thành đề xuất của Ủy ban Tư pháp trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Luật phòng, chống mua bán người.
Theo nghị trình, dự Luật này sẽ trình QH quyết định và thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới.
Bảo Cầm
Bình luận (0)