Bảo vệ con mùa lễ hội

18/02/2011 14:40 GMT+7

Các gia đình tấp nập rủ nhau bước vào mùa lễ hội sau tết. Thế nhưng hiếm ai chú ý tới việc bảo vệ an toàn cho con trẻ khi đi cùng gia đình trong mùa lễ hội đông đúc và phức tạp.

Mải cúng bái lạc con

Tại một số địa điểm lễ hội lớn sau Tết âm lịch như phủ Tây Hồ (Hà Nội), chùa Hà (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), núi Yên Tử (Quảng Ninh), đền Trần (Nam Định), chùa Bái Đính (Ninh Bình)... người dân các miền về tập trung cúng bái đông như trẩy hội. Trong đó có không ít gia đình mang theo cả con cái nhỏ cùng đi.

Do những nơi công cộng này luôn chứa một số lượng lớn người tới cúng bái, ngoạn cảnh nên không tránh khỏi tình trạng chen lấn xô đẩy. Nhà nào cũng gắng len được vào bên trong để đặt lễ, thắp hương, nên phần nào  lơ là việc giữ chặt con cái bên người.

Chưa kể trong một số trường hợp trẻ nhút nhát thấy trong các khu vực thờ cúng đều quá đông người và ồn ào, lại bày nhiều tượng lớn, khói hương nghi ngút, khiến trẻ nhỏ nhìn thấy đã sợ hãi, khóc quấy, nằng nặc đòi về. Nhiều trẻ khi gặp cảnh tượng này càng dễ giật mình và khóc đêm. Đó là chưa kể tới cảnh người lớn xô đẩy nhau, chen lấn vào trong ban thờ khiến trẻ nhỏ bị ngã dúi hoặc bị đau do va đập, bị giẫm phải chân, hoặc bị phỏng do nhang. Đồ trang sức quý giá trên người một số trẻ có gia đình khá giả cũng rất dễ không cánh mà bay.

Bảo vệ con

Đối với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phương án tốt nhất là không đưa con đi cùng mình trong mùa lễ hội đông đúc bởi khả năng bảo vệ và chăm chút cho con là rất khó khăn. Đối với những nhà rất thiết tha muốn mang con đi cầu bình an, phước lộc thì phải có người chuyên trách và ở liền kề bên trẻ, còn việc đặt lễ, xin quẻ, thắp hương, xin lộc… do thành viên khác trong gia đình đảm nhiệm.

Các bậc phụ huynh cần   bế bé trong suốt quá trình đi lễ hội, tránh để trẻ bị va đập vào những người khác hoặc những góc sắc cạnh của các đồ vật ban thờ. Không để trẻ cầm nhang thắp hoặc nghịch nhang, tránh bị phỏng. Người trông trẻ nên đứng tránh xa chỗ hóa vàng. Đặc biệt không nên cho trẻ mang đồ trang sức quý, tránh bị kẻ xấu nhòm ngó cướp giật. Luôn giữ trẻ bên cạnh mình, tránh bị lạc nhau.

Đối với những trẻ trên 5 tuổi đã có nhận thức hơn và biết phân định được tốt - xấu rõ ràng, người nhà vẫn nên luôn dắt trẻ, kèm sát mình. Ở lứa tuổi này, các trẻ rất hiếu động, tò mò, ham tìm hiểu nên để tránh cho trẻ không chán và không chạy lung tung, các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn, giải thích, kể cho con nghe những sự tích, tên tuổi các vị trên từng ban thờ, từng khu vực lễ hội mà mình đang đi.  Hướng dẫn trẻ bỏ tiền lẻ vào hòm công đức và giải thích ý nghĩa cho con, khuyến khích được con trẻ biết góp phần giúp đỡ những người khó khăn hơn. An toàn cho cả gia đình bạn và giúp con cái hiểu được ý nghĩa thực sự của lễ hội mới đem lại niềm vui trọn vẹn nhất trong đầu năm mới. 

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.