Hội thảo hôm qua do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore tổ chức, thu hút hơn 100 học giả, chuyên gia, cán bộ ngoại giao nhiều nước, cùng phóng viên quốc tế.
Giám đốc ISEAS K.Kesavapany khẳng định biển Đông gắn liền với lợi ích kinh tế, an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. Các diễn giả được mời trình bày đánh giá chung về tranh chấp biển Đông và lập trường của ASEAN đều khẳng định ASEAN có vai trò tạo diễn đàn và thúc đẩy các bên liên quan đối thoại, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC).
Trình bày quan điểm cá nhân về lập trường của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói Việt Nam coi trọng thiện ý trong vấn đề hiểu và tuân thủ công pháp quốc tế, trong việc thực thi cam kết hiện có là Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC), thống nhất giữa lời nói và hành động. Trong lúc cơ sở pháp lý mà các bên đưa ra trong hồ sơ chủ quyền lãnh hải còn nhiều hạn chế, bà Nguyễn Thị Lan Anh đề cao sự minh bạch trong mọi hoạt động của các bên ở khu vực tranh chấp và khẳng định nhất thiết phải giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương theo công pháp quốc tế.
Trong khi đó, tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh từ Trung tâm Nghiên cứu Luật Biển và các vấn đề đại dương thuộc Viện Luật quốc tế ở Bắc Kinh nói lãnh thổ Trung Quốc, gồm đảo và các dải đá, bị nước ngoài chiếm đóng và tài nguyên bị khai thác một cách liên tục và có chiều hướng gia tăng. Ông Vương tuyên bố một số bên liên quan đã phủ nhận sự công nhận trước đó về chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo, quần đảo và “các vùng nước tiếp giáp” (adjacent waters) hồi trước thập niên 1970. Ông cũng nói những “người ngoài” đã can thiệp một cách vô lý vào vấn đề biển Đông.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được coi là không chính đáng vì đường ranh giới hình chữ U không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore |
Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Vương kết luận “những nguyên tắc cơ bản” của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ “sẽ không thay đổi” và sự can thiệp của “người ngoài” khó lòng làm thay đổi lập trường của nước này. Không khí của hội thảo sôi nổi hẳn lên sau tuyên bố trên. Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore hỏi liệu Trung Quốc có thay đổi lập trường về đường ranh giới 9 đoạn mà ông cho là gây tranh cãi và không ai chấp nhận. Tiến sĩ Vương trả lời rằng khi Trung Quốc công bố bản đồ ranh giới 9 đoạn, không có quốc gia nào phản đối và việc đó diễn ra trước khi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ra đời và vì thế UNCLOS không được Trung Quốc chấp nhận. Câu trả lời này một lần nữa nhận được nhiều cái lắc đầu từ cử tọa.
Giáo sư Beckman trong phần đánh giá tổng quan về tranh chấp biển Đông khẳng định luật pháp quốc tế hoàn toàn phù hợp để giải quyết vấn đề này bởi nó góp phần định hình hành vi ứng xử của các bên và tạo khung pháp lý cho các cuộc tranh luận. Luật quốc tế cũng ảnh hưởng sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về tính chính đáng trong tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia. Trong đó UNCLOS ra đời năm 1982 là văn bản pháp lý có tính phù hợp cao đối với vấn đề biển Đông. Nó định nghĩa xác đáng, rõ ràng về các ranh giới trong vùng biển. DOC được xác lập năm 2002 cũng là một văn bản cần được các bên tôn trọng.
Giáo sư Beckman nhắc lại rằng bản đồ ranh giới 9 đoạn lần đầu tiên xuất hiện với tính cách một văn bản chính thức của Chính phủ Trung Quốc là trong hồ sơ đăng ký chủ quyền lãnh hải nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ năm 2009. Bản đồ đó “gây ra một sự ngờ vực đối với nhiều nước về bản chất của các tuyên bố từ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông”, giáo sư Beckman nói.
“Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được coi là không chính đáng vì đường ranh giới hình chữ U không phù hợp với UNCLOS”, giáo sư Beckman kết luận. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đang chịu áp lực phải giải thích về hồ sơ chủ quyền và đường ranh giới chữ U và cần phải điều chỉnh hồ sơ chủ quyền của mình phù hợp với UNCLOS. Diễn giả đến từ Đài Loan và các học giả khác cũng cho rằng Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về đường ranh giới 9 đoạn này.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)