Cơn sốt "giả" khan hiếm xăng dầu nhằm găm hàng chờ tăng giá những ngày qua đã khiến nhiều nơi khốn khổ, sản xuất gặp khó khăn. Trong các ngày từ 17 - 19.2, tình trạng mua bán nhỏ giọt xăng, dầu vẫn diễn ra tại nhiều nơi, thậm chí lượng xăng bán ra càng teo tóp lại, ít hơn những ngày trước đó.
Mỗi xe máy bán 10.000 đồng
Ngày 17.2, trên địa bàn tỉnh An Giang có rất nhiều cây xăng ngừng bán. Đơn cử như đại lý xăng dầu Minh Thúy (xã Bình Hòa, H.Châu Thành, An Giang) đóng kín cửa từ sáng đến chiều. Trên tỉnh lộ 941 đoạn từ ngã ba lộ tẻ Tri Tôn (H.Châu Thành) đến thị trấn Tri Tôn (H.Tri Tôn) có gần chục cây xăng đóng cửa.
Tình trạng trên tiếp tục tái diễn vào ngày 18.2. Nhiều người đi đường, phương tiện giao thông khi hết xăng đã phải dẫn bộ một quãng rất xa mới tìm được xăng lẻ đong vào chai nhựa loại 1 lít bày bán cặp lề đường nhưng giá bán cao ngất ngưởng.
Điểm "nóng" ở khắp nơi Ngoài điểm "nóng" TP.HCM thì Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương… cho đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Long An, Kiên Giang, An Giang đều phát hiện các cây xăng có biểu hiện găm hàng, bán quá giá quy định. Thông tin từ Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang cho biết tình hình xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang căng thẳng do nguồn cung không đáp ứng đủ. Một số cây xăng trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng QLTT xử phạt vì vi phạm trong kinh doanh. |
Đến ngày 19.2, các cây xăng trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) vẫn tiếp tục bán hàng nhỏ giọt. Nhiều người dân ở khu vực biên giới thị trấn Tịnh Biên phản ánh cửa hàng xăng dầu ngay phía trước Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chỉ bán cho mỗi xe máy 10.000 đồng xăng, còn xe ô tô chỉ được bán 100.000 đồng.
Bà Mai, người dân ở xã Bình Hòa (H.Châu Thành) cho biết bà vô cùng khổ sở khi đi mua xăng về bơm nước lúa. "Tôi ôm chiếc can nhựa loại 30 lít chạy đến 10 cửa hàng trong suốt buổi sáng, nhưng cũng chỉ mua được 20 lít xăng. Một ông chủ cây xăng còn nói ráng vài ngày nữa giá xăng dầu tăng lên, có giá mới mặc sức mà mua", bà Mai nói.
Không riêng bà Mai, rất nhiều nông dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đang hết sức khốn khổ vì quá khó khăn để mua được xăng phục vụ bơm tưới, sản xuất nông nghiệp.
Đủ kiểu găm hàng
Tại TP.HCM, báo cáo tổng hợp ngày 19.2 của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP cho biết, từ ngày 9.2 đến 18.2, các đội đã lập biên bản 20 cửa hàng, trạm xăng dầu không bán xăng dầu, hoặc bán với số lượng cắt giảm, trong đó nhắc nhở 17 cửa hàng, đại lý. Đến hôm qua chỉ còn Trạm xăng Trường Anh 1 ở Q.12 chưa bán lại. 3 cửa hàng còn lại, QLTT đề xuất xử phạt vi phạm hành chính về hành vi găm hàng, cắt giảm lượng bán, cắt giảm thời gian bán hàng. Đó DNTN Nam Phú Đạt (141A Hà Huy Giáp, P.Thạnh Lộc (cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường); Trạm Hóc Môn thuộc Công ty cổ phần vật tư tổng hợp TP. (10/4 QL22, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) do cắt giảm thời gian bán hàng; Trạm xăng dầu Xuyên Á (2/20 QL22, thị trấn Hóc Môn (cắt giảm thời gian bán hàng).
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP cho biết, đã chỉ đạo các đội liên tục kiểm tra các cửa hàng, trạm xăng để kịp thời phát hiện, xử lý. Đặc biệt, ông Đức cho biết Đội QLTT Q.12 đã phát hiện xe bồn chứa xăng tại trạm xăng Thanh Xuân (Q.12) có hiện tượng rút xăng từ trạm xăng khác trữ vào bồn trạm xăng này (đã bị tước giấy phép vĩnh viễn từ năm 2009). Lực lượng QLTT đang tạm giữ chiếc xe bồn này để điều tra làm rõ. Theo ông Đức, trường hợp này theo quy định sẽ bị tịch thu, quy vào hành vi găm hàng. DN có hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó sẽ bị phạt tiền với mức từ 20 - 30 triệu đồng. Trường hợp DN cắt giảm hoặc ngừng bán hàng ra thị trường sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Tước giấy phép, khởi tố hình sự Hoàng Việt |
Hoàng Việt - Thanh Quốc
Bình luận (0)