Theo tường trình của Đại phó Trần Trung Kiên thì trên suốt chuyến hành trình từ ngày 30.7.2010 đến nay, đoàn đã nhiều lần bị bỏ rơi, lâm vào tình cảnh không thực phẩm, không nước ngọt, không được cung cấp dầu DO, không được trả lương.
Từ ngày 5-20.10.2010, trước ngày trả hàng tại cảng Colombo (Sri Lanka), thuyền viên đã bị bỏ rơi, lâm vào tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước uống, phải hứng nước mưa, nước từ máy điều hòa nhiệt độ, câu cá… để sống cầm chừng. Sau đó, từ ngày 6 - 27.11.2010 tàu tới cảng Tuticorin (Ấn Độ) để lấy hàng. Tại đây, thuyền viên cũng bị bỏ đói một tuần liền. Thuyền trưởng Sin Yuri - quốc tịch Nga đã kêu cứu đến Tổ chức Bảo vệ quyền lợi thuyền viên quốc tế (ITF) và được giúp đỡ. Khi tổ chức này lên tiếng, phía công ty đã hứa sẽ cung cấp đầy đủ mọi thứ cho thuyền viên khi tàu đến cảng Surabaya (Indonesia). Ngày 18.1.2011 tàu trả hàng xong tại cảng Surabaya nhưng Công ty Phúc Hải vẫn bặt vô âm tín, thuyền viên đang sống trong tình cảnh thiếu đói, xin lương thực từ các tàu khác và kêu cứu khắp nơi.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tìm đến Công ty vận tải biển Phúc Hải Co.Ltd, số 96 (số cũ 60) đường bao Trần Hưng Đạo, Q.Hải An, TP Hải Phòng đó là sự vắng vẻ. Ngôi nhà có mặt tiền khoảng 5m này nằm im lìm giữa hai bên là một quán cà phê và một cơ sở mua bán phế liệu. Phải thật chú ý mới nhận ra được tấm biển đề tên Công ty Phúc Hải cũ kỹ và ngả màu, giấu mình ở phía trên căn nhà mái bằng một tầng, nằm thụt lui vào phía trong. Một nhân viên của công ty cho biết: Giám đốc công ty (ông Nguyễn Xuân Chiến - PV) đã bay đi Indonesia từ chiều 20.2 để giải quyết việc tàu, thủy thủ và các thuyền viên mắc kẹt. Được biết, Công ty Phúc Hải thành lập từ năm 1997, hiện đang vận hành một đội tàu gồm 4 chiếc. B.N |
Tàu Phúc Hải 5 là tài sản của Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam. Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Ngọc Tiến - Tổng giám đốc ALC II khẳng định: Việc các thuyền viên bị bỏ đói, gặp vô vàn khó khăn là có thật.
Cũng theo ông Tiến, ALC II cho Công ty TNHH Phúc Hải thuê tàu từ ngày 31.12.2008. Mọi hoạt động của tàu, từ điều hành, thuê thuyền viên, khai thác tàu... do phía Phúc Hải thực hiện. Từ tháng 5.2010 đến nay, việc khai thác tàu Phúc Hải liên tục bị lỗ, cho đến khi tàu đã bốc dỡ hàng và ra neo tại cảng Surabaya thì phía Phúc Hải đã “bỏ của chạy lấy người”, cầu cứu ALC II với mong mỏi phía ALC II hỗ trợ kinh phí hơn 6 tỉ đồng để trang trải chi phí cho các đại lý, thuyền viên, dầu chạy tàu... để đưa tàu về Việt Nam. Nếu ALC II không hỗ trợ được thì phía Phúc Hải đành bỏ tàu. Trong trường hợp Phúc Hải bỏ tàu thì thuyền viên sẽ kêu cứu đến ITF và ITF có khả năng sẽ bán tàu để bảo vệ quyền lợi của thuyền viên.
Trước tình hình này, phía ALC II cũng rơi vào tình trạng rối rắm bởi ALC II cho thuê tàu, nhưng chuyện xảy ra trên tàu thì phía này hoàn toàn không biết. Do đó, để bảo vệ khối tài sản có giá trị lớn, ALC II cho biết sẽ cử cán bộ sang Indonesia và sẽ linh động phối hợp với các cơ quan chức năng, trước hết là Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để giúp đỡ các thủy thủ, sau đó sẽ nắm bắt tình hình nợ nần liên quan đến tàu để giải quyết và đưa tàu về Việt Nam.
Trong khi chờ đợi tín hiệu tích cực từ phía chủ tàu và Công ty Phúc Hải thì 27 thuyền viên trên tàu Phúc Hải 5 đang đuối đi từng ngày vì phải vật lộn với đói khát và tâm lý tuyệt vọng khi bị bỏ rơi. Rất mong các cơ quan chức năng, nhất là Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sớm có biện pháp giúp đỡ các thuyền viên.
Thanh Đông - Hà Thanh
Bình luận (0)