Airbus vượt Boeing

22/02/2011 15:10 GMT+7

(TNTS) Trong khi thị trường các loại máy bay quân sự sôi động, thì nhu cầu máy bay hành khách loại lớn cũng nhộn nhịp không kém. Đáng chú ý là cuộc cạnh tranh giữa Airbus và Boeing, mà cán cân đang nghiêng về loại của châu u.

Kinh tế thế giới phục hồi dần trong suốt năm 2010. Điều này giống như "cú hích" tác động vào ngành hàng không. Hai đối thủ cạnh tranh chính là Airbus và Boeing năm qua đã bán ra số lượng máy bay hành khách hơn cả nghìn chiếc. Phần thắng trong cuộc chạy đua giành giật thị phần một lần nữa lại thuộc về chiếc Airbus của châu u. Công bằng mà nói, Boeing thua kém là do dự án đóng mới chiếc "máy bay của ước mơ" Boeing - 787 Dreamliner bị chậm trễ.  

"Cuộc đấu" Airbus và Boeing

Theo kết quả kinh doanh của năm 2010, Airbus bán ra thị trường 510 chiếc máy bay hành khách, vượt cả con số của năm 2009, tuy không nhiều: chỉ 12 chiếc. Đạt được điều này phần lớn là nhờ vào loại "máy bay khổng lồ" Airbus - A380, đã chiếm được niềm tin của nhiều khách hàng.

Nếu trong năm 2009, trên thị trường chỉ có 10 chiếc Airbus - A380 được bán ra, thì năm 2010 là 18 chiếc. Hiện nay số lượng máy bay khổng lồ đang vận hành là 41 chiếc trên toàn thế giới. Dù so với các loại máy bay hành khách loại khác, con số này là không đáng kể, nhưng kết quả thực sự rất ấn tượng. Đó là chưa kể hiện ít nhất đã có những đơn đặt hàng mua A380 với số lượng 230 chiếc.

Vào trung tuần tháng 12.2010, Hiệp hội vận tải quốc tế (International Air Transport Association - IATA) đã dự báo trong năm 2010, tổng lợi nhuận của các hãng hàng không thế giới đạt 15,1 tỉ USD. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây là sẽ là kỷ lục và tín hiệu đầy lạc quan. Bởi trước đó, trong năm 2009 các hãng hàng không thua lỗ đến 9,4 tỉ USD.

Ngay cả hãng sản xuất Airbus cũng hài lòng. Bắt đầu từ năm 2011, hãng quyết định sẽ tăng giá tất cả các sản phẩm của mình 4,4%. Riêng "đứa con cưng" A380 ngay lập tức tăng 8,3%. Airbus tăng giá các sản phẩm 4,4% là việc làm thường niên của hãng này (trong công thức tăng giá có liên quan đến đồng euro. Nếu mệnh giá đồng euro lên giá thì giá Airbus cũng tăng theo). Còn giá A380 tăng cao như thế cho thấy nhu cầu đối với loại máy bay này đang tăng cao. Theo nhà sản xuất, chiếc máy bay khổng lồ này khi vận hành đã chứng minh được những kết quả ấn tượng. Vì thế các khách hàng mới sẵn sàng mở hầu bao, dù giá có tăng chút đỉnh để sở hữu A380.

Đáng chú ý là việc tăng giá A380 diễn ra trong bối cảnh vào những tháng cuối năm diễn ra sự cố với loại máy bay này. Khi đó chiếc A380 của hãng Qantas, Úc, bị cháy một bên động cơ, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường ở Singapore. Sau đó tất cả các máy bay loại này đang khai thác buộc phải ngừng bay. Nhưng không lâu sau đó, các chuyên gia kỹ thuật đã phát hiện nguyên nhân của sự cố là động cơ. Đại diện Airbus thông báo động cơ của hãng Rolls-Royce (loại Trent 900 lắp cho A380) có lỗi và việc khắc phục nhanh chóng được tiến hành.

Sự cố nêu trên cũng không làm dịu "nỗi đau" của hãng Boeing. Người Mỹ dự kiến bán ra thị trường 48 chiếc Boeing-787 và hy vọng vào năm 2011 sẽ chuyển giao loại máy bay Dreamliner cho những khách hàng đầu tiên. Đáng nói là điều này lý ra phải diễn ra sớm hơn, bởi Boeing dự kiến vào năm 2008, những chiếc Boeing-787 đầu tiên sẽ được bán ra thị trường. Giờ đây, vào tháng 1.2011, đại diện của Boeing thông báo: Dreamliner sẽ được chuyển giao không phải vào quý 1 như dự kiến mà là vào quý 3/2011.


Boeing 787

Cũng cần nói thêm rằng, trong quá khứ Boeing-787 từng là loại máy bay được đặt hàng nhiều nhất. Vào năm 2007, tổng cộng có hơn 670 đơn đặt hàng loại máy bay mơ ước này. Nhưng từ đó trở lại đây, do tiến độ của dự án mà số đơn đặt hàng ngày càng giảm, chứ không nói đến triển vọng tìm bạn hàng mới. Chẳng hạn, trong năm 2010, có 4 đơn đặt hàng xin rút lại.

Chính vì sự chậm trễ của mình mà giờ đây Boeing lại thua Airbus với tỷ lệ đơn đặt hàng là 530/570. Việc những chiếc Boeing-787 đầu tiên sẽ được giao vào quý 3/2011 cho thấy, nhiều khả năng trong năm nay cuộc đua tranh giữa "hai gã khổng lồ" này sẽ kết thúc với chiến thắng thuộc về châu u. Bởi, các đơn đặt hàng mới đối với các loại máy bay này trong năm 2011 sẽ được bàn thảo tại Triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget (dự kiến diễn ra vào tháng 6.2011) gần Paris, Pháp. Vào thời điểm này, các nhà sản xuất máy bay dân dụng chắc chắn sẽ cạnh tranh để có chữ ký của các khách hàng đầu tiên, mà trước hết là giành giật khách hàng của Boeing. Có lẽ dự đoán trước tình thế, nên Airbus đã chuẩn bị trình làng thiết kế mới nhất của mình A350 tại Le Bourget. Ngoài ra, trong năm 2010, phía Airbus còn thông báo sẽ nâng cấp chiếc A320, dòng máy bay phổ biến nhất của mình, với tên gọi mới: A320 NEO. Tuy vậy, chỉ đến năm 2016, loại máy bay này mới được bán cho các khách hàng có nhu cầu. 

Và các hãng bám đuổi 

Kết quả kinh doanh của năm 2010 còn ghi nhận những nỗ lực của hãng Embraer (Brazil) và hãng Bombardier (Canada) khi bán được 246 máy bay. Đây chính là hai hãng chuyên sản xuất các máy bay hạng trung (chở từ 100 - 120 hành khách) luôn bám sát Airbus và Boeing.

 
Superjet 100 - Ảnh: Shutterstock

Thành công nhất là loại máy bay Embraer 190, chở được 114 hành khách, có tầm bay  4.260 km. Brazil đã bán được 58 chiếc Embraer 190, còn tổng số đơn đặt hàng loại máy bay này là 478 chiếc. Trong số này hiện có 321 chiếc đang được khai thác. Ngoài ra, còn 100 chiếc Phenom 100, chở được 4 người cũng đang chờ ngày giao cho khách hàng mua chúng.

Bombardier hiện vẫn chưa đưa ra con số tổng kết của năm 2010. Điều này cũng tương tự với hãng Shukhoi, Nga. Chiếc Superjet của Shukhoi dù có kế hoạch sẽ đưa ra thị trường trong 3 năm từ 2008 đến 2010, nhưng lại bị chậm tiến độ. Giờ đây người Nga hy vọng vào tháng 2.2011 sẽ giao chiếc Superjet đầu tiên cho hãng hàng không Armavia của Armenia. Hơn thế, vào đầu năm 2011, hãng Shukhoi đã ký hợp đồng với hãng Interjet, Mexico để cung cấp 15 chiếc Superjet và 5 chiếc khác theo hợp đồng mở. Tính chung hiện có 170 chiếc Superjet đang được đặt hàng.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.