Không ít cặp vợ chồng sống chung với nhau nhưng có nhiều quan điểm rất khác biệt. Cùng một vấn đề, vợ cho là mình đúng, chồng bảo là mình hay hơn. Như trong việc dạy con, đôi khi con trẻ không biết nên nghe theo bố hay mẹ, rồi hoang mang và dần đổi tính.
Tâm sự người cha
Với vẻ mặt buồn bã, bực dọc xen lẫn hối lỗi, anh Hùng, 41 tuổi, ở Hà Đông - Hà Nội, tìm đến nhà tham vấn khi con gái bỏ nhà đi đã 3 ngày. Mấy tháng nay, gia đình anh xáo trộn đủ chuyện, nhất là khi cô con gái 14 tuổi bỏ nhà đi bụi.
Dung, con gái anh Hùng, bỏ nhà đi vì anh chị không có cùng quan điểm sống và cách giáo dục con dẫn đến thường xuyên cãi nhau. Anh muốn con được tự do làm theo ý thích, ngược lại, vợ anh cương quyết uốn nắn con phải đủ đầy “công, dung, ngôn, hạnh”... Hai vợ chồng không ai chịu ai nên xung đột xảy ra liên miên, làm cho hình ảnh mẫu mực, tấm gương sáng của bố mẹ có được từ trước đến nay sụp đổ trong mắt cô con gái vốn rất ngoan hiền và đáng yêu.
Dung bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi, mất niềm tin, đau khổ và thờ ơ trước cuộc sống. Anh Hùng cảm nhận được điều đó nhưng với quan niệm... giáo dục thoáng, anh đã để con gái tự do và... tự lo. Có lần, Dung nói lên suy nghĩ của mình để mong bố mẹ không cãi nhau nữa, song vợ chồng anh đã bỏ rơi cháu bên lề những cuộc cãi vã. Dần dần, Dungcó hành vi phá phách, cãi lại gay gắt những lời khuyên bảo của bố mẹ, tự quyết định mọi việc và giờ là... đã bỏ nhà đi 2 lần.
Cái tôi quá lớn
Qua trao đổi với nhà tham vấn, anh Hùng dần nhận thấy giữa vợ chồng anh không có sự đồng cảm và hợp tác với nhau trong ứng xử. Chính điều đó đã tạo ra hố sâu ngăn cách tình cảm giữa hai người và làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm và cách sống của con gái. Ban đầu, Dung cố gắng chấp nhận thực tế nhưng vì bố mẹ luôn bất đồng, vẫn cãi nhau, cháu rơi vào trạng thái tự đổ lỗi cho bản thân, rằng “vì mình mà bố mẹ cãi nhau”, “mình là đứa bỏ đi” và dần có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng “mình là người thừa” trong cuộc sống của bố mẹ...
Những thay đổi và lòng tự trọng hơi quá của tuổi dậy thì đã khiến Dung không kiểm soát được cảm xúc bản thân, có những hành vi chống đối, đập phá để thu hút sự chú ý và mong bố mẹ có sự thay đổi. Nhưng đáp lại, vợ chồng anh Hùng vẫn “chứng nào tật nấy” khiến con gái có những hành vi đỉnh điểm như: đập vỡ những đồ vật yêu quý bố mẹ mua tặng, ngông cuồng cãi lời và tự quyết mọi việc dù bố mẹ ngăn cản thế nào cũng không được. Với Dung, những điều bố mẹ làm trước đây không còn là chuẩn mực, tất cả chỉ là sự che đậy; từ đó khiến Dung mất niềm tin, thất vọng và bế tắc.
Ngày Dung bỏ nhà lần đầu, vợ chồng anh Hùng cuống cuồng đi tìm con và rất ân hận nhưng... họ vẫn không gạt bỏ được cái tôi của mình để nghĩ đến con. Những cuộc cãi vã vẫn nổ ra, không cùng bàn bạc tìm cách khắc phục bầu không khí tâm lý ngột ngạt của gia đình nên Dung vẫn phải chịu những áp lực xấu từ gia đình...
Hậu quả khôn lường Cuộc trò chuyện đang dở dang thì anh Hùng nhận được cuộc gọi của vợ báo rằng con gái đã tự tử và đang được cấp cứu trong bệnh viện. Anh như gục ngã nhưng vẫn cố sức đứng dậy vội vã ra về... Mọi việc đều có kết thúc của nó. Giá như các thành viên trong gia đình anh Hùng biết lắng nghe, quan tâm tới suy nghĩ của nhau, thống nhất cách giáo dục con, tôn trọng và hợp tác với nhau trong ứng xử, chia sẻ trách nhiệm và biết gạt bỏ cái tôi để tạo lập một gia đình hòa thuận, êm ấm thì hậu quả đã không xảy ra. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)