Kịch bản giết chồng
Những thông tin ban đầu cho thấy: rạng sáng ngày 19.1, trong lúc đang ngủ trong phòng ở lầu 1 tại nhà riêng ở khu dân cư Đại Dương (phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An), nhà báo Lê Hoàng Hùng, phóng viên Báo Người Lao Động bất ngờ bị kẻ thủ ác đổ xăng vào người rồi phóng hỏa đốt, dẫn đến tử vong.
Có mặt tại hiện trường ngay buổi sáng sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi được nghe người nhà kể lại rằng đêm đó ông Hùng ngủ một mình trong căn phòng ở phía trước của lầu 1. Vợ ông Hùng, bà Trần Thúy Liễu “vì giận chồng rầy la” nên bỏ sang ngủ cùng với 2 cô con gái ở phòng đối diện phía sau, cách phòng ông Hùng ngủ chừng 5m.
Cũng trong buổi sáng hôm đó, bà Trần Thúy Nga (chị ruột bà Liễu) cho biết, ngay khi được tin ông Hùng bị đốt, bà tới nơi thì thấy ông Sữa (anh rể bà Liễu, nhà chung vách) dìu nạn nhân ra ngồi ở trước hiên nhà. Khi bà tới nơi thì vợ con ông Hùng chỉ khóc mà chưa báo công an, chưa gọi cấp cứu... Sau đó, gia đình gọi taxi đưa ông Hùng đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Long An rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào khoảng 3 giờ 30 sáng.
Ngoài sợi dây dù treo trước nhà ông Hùng được xác định là hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra, sau khi vụ án xảy ra, cũng chính bà Liễu đã cung cấp cho một vài phóng viên quen thân rằng, trước khi ông Hùng bị sát hại, điện thoại của ông đã nhận được nhiều tin nhắn từ số máy lạ “hăm dọa”. Vì vậy, một vài tờ báo đã nhận định có thể ông Hùng bị sát hại vì viết bài chống tiêu cực. Rồi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, bà Liễu trước sau lại nói bất nhất rằng trước giờ vợ chồng bà không ngủ chung phòng. Và điều làm cho dư luận bất ngờ nhất là gần đây bà Liễu lại tung ra thông tin rằng chồng mình không bị ai sát hại cả mà là... tự sát (!)
Bất ngờ tự thú
Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi ông Hùng mất, kể từ ngày 1.2 đến nay, gần như ngày nào bà Liễu cũng bị cơ quan điều tra triệu tập để thẩm vấn. Trong suốt thời gian đó, bà Liễu đã “kiên trì” chống chọi và phủ nhận mọi thông tin có liên quan đến cái chết đau đớn của chồng. Nhưng rồi điều bất ngờ đã xảy ra khi gần nửa đêm ngày 20.2 bà Liễu đã đến cơ quan điều tra để tự thú.
Bà Trần Thúy Nga cho biết vào buổi chiều, khi từ cơ quan điều tra trở về, bà Liễu có thái độ bất thường hơn mọi ngày, bà ôm các con khóc và không ăn uống. Khi được gặng hỏi, bà Liễu xin gửi gắm 2 đứa con lại cho 2 người chị và đòi tự sát, đồng thời thú nhận mình chính là kẻ đã sát hại chồng. Bà Nga đã cố hỏi xem trong vụ án này còn có ai tham gia hoặc xúi giục hay không thì bà Liễu nói bà chỉ hành động một mình, cũng chính bà đã mua xăng, mua sợi dây dù để tạo hiện trường giả. Nhưng bà Nga vẫn không tin vì theo bà thì “thường ngày, việc cắt cổ một con gà, con Liễu còn sợ thì làm sao một mình nó dám giết chồng được?”.
Trong một diễn biến khác, theo một nguồn tin thì bước đầu bà Liễu khai động cơ giết chồng vì ông Hùng thiếu nợ nhiều người, nếu ông Hùng chết thì không ai đòi nợ nữa (!?). Giải thích vì sao phải đến đúng một tháng sau khi gây án mới tự thú, bà Liễu cho biết sau khi ông Hùng mất, nhiều người cho vay tiền đã đòi nợ và “dọa xử” nên bà phải ra thú tội, nhưng thông tin này không mấy thuyết phục.
Tình nghĩa sui gia Cũng trong sáng qua, khi chúng tôi đến nhà ông Lê Hoàng Hùng thì chứng kiến một tình huống hết sức bất ngờ và xúc động. Trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Nga (mẹ ông Hùng) đang tiếp chuyện với ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, thì ông Nguyễn Văn Mến (cha bà Liễu) bưng khay trầu rượu ra, trân trọng rót vào ly rồi bất ngờ quỳ xuống... lạy bà Nga, xin thứ tội vì con gái mình đã giết chồng. Ngay lập tức, bà Nga đỡ ông Mến dậy, rồi cũng quỳ xuống bên cạnh, nói: “Xin anh đừng làm vậy. Tôi mất con thì anh cũng mất con. Thôi hai sui gia mình cùng uống ly rượu để giảng hòa, vì việc quan trọng bây giờ là hai gia đình phải hợp tác để lo cho 2 cháu còn nhỏ dại”. Trước đó, ông Mến là người đã phát hiện ai đó đã “đốt thử” tấm bạt trải dưới nền đất gần chuồng gà, bên cạnh nhà của ông Hùng chiều 18.1, ngay trước khi vụ án xảy ra. Hôm đưa tang nhà báo Lê Hoàng Hùng, ông Mến không ở trong nhà tiếp khách mà ra gốc cây phía sau nhà ngồi một mình với vẻ mặt thật buồn. Có vẻ như lúc đó ông đã nhận ra điều gì. Chúng tôi hỏi sao chú không vào nhà? Ông trả lời “ngồi ở đây cho mát”. |
Hoàng Phương
Bình luận (0)