Cần hoãn việc quyết định xây đập Xayaburi trên sông Mê Kông

23/02/2011 09:24 GMT+7

Đó là kết luận đưa ra tại Hội thảo Tham vấn quốc gia về công trình thủy điện Xayaburi - Lào tổ chức ngày 22.2 ở TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Chỉ còn 2 tháng nữa là tới ngày Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) ra “phán quyết cuối cùng” về dự án này nhưng theo nhiều chuyên gia VN, tài liệu về dự án mà phía Lào cung cấp là hời hợt, thiếu thông tin, thiếu độ tin cậy...

 Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Diệm - nhóm Hỗ trợ quốc tế về tài nguyên - môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nhận xét: “Trong khi những ảnh hưởng và tác động của việc xây dựng dự án này trên dòng chính của sông Mê Kông là rất nghiêm trọng thì các tài liệu mà phía bạn cung cấp lại quá ít số liệu. Điều này dẫn đến độ tin cậy và sức thuyết phục của dự án này không cao”.

Thiếu nhiều thông tin quan trọng

Ngay trong tài liệu “Thông tin tổng quát về tham vấn trước đề xuất Dự án đập Xayaburi” của MRC đã chỉ ra rằng: Còn những thiếu sót quan trọng trong các tài liệu trình về đề xuất dự án đập Xayaburi. Những thiếu sót đó xoay quanh các vấn đề về bãi sinh sản và đường dẫn cá; vận chuyển bùn cát; chất lượng nước, sức khỏe hệ sinh thái dưới nước và các dòng chảy môi trường; giao thông đường thủy và an toàn đập.

Về an toàn đập, các tài liệu do phía Lào cung cấp cũng chưa quan tâm đầy đủ đến các vấn đề an toàn đập theo Hướng dẫn thiết kế sơ bộ của MRC ở giai đoạn chuẩn bị dự án; chưa xây dựng chi tiết Hệ thống quản lý an toàn đập và Kế hoạch phòng ngừa khẩn cấp có sự tham gia của cộng đồng ven sông và các quốc gia MRC...

Về việc có nên tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực hạ lưu sông Mê Kông về dự án Xayaburi, ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông VN cho biết: “Do thời gian nhận được tài liệu về Xayaburi quá gấp nên chúng tôi chưa tổ chức được buổi tham vấn ý kiến của người dân. Bản thân tôi rất hy vọng sẽ có nhiều cuộc tham vấn của đông đảo dư luận trong tương lai, nếu như  hoãn được thời gian đưa ra quyết định”.

 Không chỉ với ĐBSCL, tác động của dự án Xayaburi đến cộng đồng dân cư vùng hạ lưu sông Mê Kông là rất lớn Nguyễn Thái Lai

Thứ trưởng Bộ TN-MT

Nên hoãn để nghiên cứu tiếp

Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban (UB) sông Mê Kông VN khẳng định: “Không chỉ với ĐBSCL, tác động của dự án Xayaburi đến cộng đồng dân cư vùng hạ lưu sông Mê Kông là rất lớn. Cần phải có đủ thông tin, đánh giá về những tác động này”. Ông Lai cho biết: “Sau cuộc tham vấn lần 2 này, UB sông Mê Kông VN sẽ gửi kiến nghị lên Chính phủ về việc rằng các thông tin về dự án Xayaburi chưa đầy đủ, nên hoãn quá trình ra quyết định”.  Đề nghị phía Lào tiếp tục làm rõ thêm những ý kiến, nhận xét mà bản Báo cáo đánh giá sơ bộ của MRC đã nêu ra. Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng cho biết, UB sông Mê Kông VN sẽ kiến nghị với MRC kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, năng lực giúp các nước hạ lưu sông Mê Kông đánh giá chi tiết, đầy đủ, toàn diện quy hoạch sông Mê Kông.

“Không chỉ dự án Xayaburi, mà tất cả các dự án liên quan đến sông Mê Kông cần phải được đặt và nghiên cứu trong tổng thể phát triển của cả lưu vực, chứ không chỉ riêng lẻ một dự án nào. Điều đó đòi hỏi phải có thông tin tổng thể và toàn diện. Chừng nào chưa có đủ thông tin thì chúng ta sẽ vẫn trì hoãn việc đưa ra quyết định”, ông Lai nhấn mạnh.

Đường đi” của dự án Xayaburi

Nằm ở phía bắc tỉnh Xayaburi (Lào), với chiều dài 820m, cao 32,6m, cao trình đỉnh đập 280m; dung tích hồ chứa khoảng 5 tỉ m3, đập Xayaburi sẽ trải dài trên toàn bộ chiều ngang của sông Mê Kông. Đây là con đập được xúc tiến xây dựng đầu tiên trong số 11 con đập đang được lên kế hoạch tại dòng chính của hạ lưu sông Mê Kông. Đập cách ĐBSCL của Việt Nam khoảng 1.930 km; cách biên giới với Thái Lan khoảng 365 km về phía bắc và 200 km về phía nam. Dự án này sẽ có công suất phát điện là 1.260 MW. Chi phí xây dựng vào khoảng 3,5 tỉ USD với thời gian thi công trong 8 năm.

Tháng 11.2008, một thỏa thuận xây dựng dự án được ký kết giữa chính phủ Lào và các đối tác Thái Lan. Đến tháng 7.2010, một biên bản thỏa thuận mua bán năng lượng được ký giữa Chính phủ Lào và Tập đoàn điện lực Thái Lan (EGAT). Theo đó, EGAT mua 1.220 MW điện của Lào với giá 2.159 bath/kWh.

Tháng 9.2010, chính phủ Lào đệ đơn lên Chính phủ các nước thành viên MRC cho phép xây dựng đập thông qua một quá trình quyết định khu vực gọi là “Thủ tục thông báo, tham vấn, tán thành” (PNPCA).

B.Ngọc

Lợi ích cho thiểu số, thiệt hại cho đa số

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nếu dự án này được triển khai và công trình thủy điện trên đi vào hoạt động, về lợi ích kinh tế, Lào là nước được hưởng lợi nhiều nhất (chiếm khoảng 70%) do hoạt động sản xuất và buôn bán điện. Tiếp đến là Thái Lan và Campuchia. Nước cuối cùng trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông là VN chỉ sử dụng được khoảng 5% công suất điện của Xayaburi (qua quá trình mua điện).

Tuy nhiên, theo phân tích của tổ chức International Rivers, đập Xayaburi sẽ gây ra hủy hoại môi trường nghiêm trọng đối với tài nguyên nước và ngư nghiệp của địa phương cũng như của cả lưu vực sông Mê Kông. Vậy nên International Rivers đã đánh giá dự án trên sẽ mang lại lợi ích cho thiểu số nhưng gây thiệt hại cho đa số.

Vai trò mấu chốt của Thái Lan

Trong khi Lào quyết xây đập Xayaburi bằng mọi giá, sự chú ý đang tập trung vào ý kiến của Thái Lan - nước sẽ mua 95% điện năng từ dự án trên. Trao đổi với Thanh Niên, ông Prasarn Marukpitak, Chủ tịch Tiểu ban về phát triển sông Mê Kông của Thượng viện Thái Lan, nói Bangkok đã “dính dáng” quá nhiều đến dự án gây tranh cãi này khi chủ đầu tư là Công ty Thái SEAN & Ch.Karnchang Public và 4 nhà tài trợ cho dự án cũng là các ngân hàng Thái. Ông

Marukpitak cho biết tiểu ban của ông sẽ sớm tổ chức một hội thảo lớn về đập Xayaburi. Tất cả các công ty Thái tham gia vào dự án sẽ được mời cùng các cơ quan hữu quan trong nước, đại diện Đại sứ quán của VN, Lào, Campuchia, và đại diện người dân sinh sống ở lưu vực sông Mê Kông. “Tôi tin các tổ chức môi trường tại Thái Lan sẽ yêu cầu chính phủ xem xét lại việc mua điện từ đập Xayaburi. Nếu chính phủ không chịu xem xét lại, rất có khả năng Quốc hội sẽ đưa vấn đề này ra để phản đối”, ông nói, “Tôi cũng hy vọng VN sẽ sớm có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Và cả Campuchia nữa”.

An Điền

Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.