Đám nào cũng hăm hở bỏ phong bao, loanh quanh cho gia chủ thấy mặt mình, rồi chuồn. Chẳng biết người khác thế nào chứ mình sợ nhất phải ăn cỗ cưới và cỗ đám ma. Cứ sáu người một mâm, chẳng ai quen ai, nói cười nhàn nhạt, chán mớ đời. Đám ma bây giờ ít ai bày biện ăn uống, chỉ cần đến viếng xong là về. Nhưng đám cưới vẫn phải ăn. Chẳng hiểu từ khi nào lễ cưới được gọi là ăn cưới, hễ cưới là ăn, không ăn không xong. Ngay bây giờ tại Hà Nội, làng gì đó quên mất tên rất gần Ngã Tư Sở, ăn cưới phải đủ 3 ngày 3 đêm, lệ làng xưa nay vẫn vậy, đám cưới nào cũng phải đủ trăm gà ba heo. Kinh.
Nói vậy thôi, cưới xin bây giờ không là vấn đề lớn, chỉ mệt người thôi chứ tiền nong chẳng phải lo lắm. Tiền mừng thường vẫn nhiều hơn tiền bỏ ra làm đám cưới. Ngày xưa khác, ít người mừng tiền, giả có mừng tiền chỉ vài đồng chiếu lệ. Đa số là tặng quà, sang thì phích Trung Quốc, chậu nhôm Liên Xô, hèn thì cuốn sổ tay, cuốn lịch, tấm tranh, thế thôi. Thành thử đa phần tiền đám cưới bỏ ra đều không thu về được. Làm cái nhà tốn kém vài chục ngàn, đám cưới cũng tốn cỡ đó, có khi hơn.
Ba mạ mình có 8 đứa con, 6 trai 2 gái, lo cho xong 8 đám cưới cũng đủ sạt nghiệp. Cứ xong một đám cưới cho con, ba mạ mình lại ôm một cục nợ. Ba mình nợ nần suốt đời, trước khi mất chừng một năm ông mới trả xong nợ. Mình nhớ hôm tuyên bố hết nợ ông vui lắm, nói cười suốt ngày. Ông làm một con gà ăn mừng. Làm xong gà thì sực nhớ trong nhà không còn gì cả. Ông chạy sang nhà hàng xóm vay tạm mấy đồng cho mạ mình đi chợ. Ra đến cổng ông đứng sững lại rồi đi vào, nói luộc gà chấm muối, không nợ, kiên quyết không nợ. Lần đầu tiên trong đời ông rót rượu mời mình, chạm cốc với mình, thúc giục mình uống. Trước đó thì đừng hòng, ông luôn hằm hè chuyện rượu, thuốc của mình. Ông chạm cốc cái cạch, ngửa cổ cạn chén rượu, khà một tiếng khoan khoái, nói tám đứa con đã có gia đình, ba mạ trả hết nợ, rứa là ba chết được rồi con ạ. Tưởng ông nói cho vui, ai ngờ mấy tháng sau thì ông mất.
Kể vậy để nói ngày xưa chuyện cưới xin là cả một vấn đề. Ba mình còn vay nợ được chứ nhiều người chẳng cho ai cho vay, vay được cũng chẳng biết lấy gì mà trả. Chuyện trai ế vợ vì nhà nghèo không có tiền cưới xin ngày xưa thì nhiều lắm. Mình có thằng bạn học cấp 2, 35 tuổi rồi vẫn chưa vợ. Nó yêu ba bốn cô, cô nào đến đoạn cưới xin đều tắc tịt. Một hôm nó ngồi với mình, nhắc đến chuyện vợ con nó thở hắt ra, nói è he, ẻ vô vợ con mần chi cho nhọc. Mình hỏi răng rứa, nó nói tao đã chọn mấy con xấu đui, ế câm ế cảy, rứa mà vẫn không lấy được. Mình lại hỏi răng rứa, nó lại thở hắt ra, nói è he, tiền để mần một mâm cau trầu ăn hỏi cũng nỏ có, nói chi chuyện cưới xin.
Năm sau mình về làng, nó rủ đi xem mặt một cô đẹp cực. Mình nói mấy con xấu đui còn không lấy được, răng mi đòi lấy con ni. Nó ngồi đực mặt, nói trời bắt tao lấy, tao chết héo vì yêu nó mi ơi. Nó ngồi im hồi lâu, nhìn xa ra bãi cát sau làng, nói con ni mà tao không lấy được thì tao tự tử. Nhìn mặt nó biết nó nói rất thật mình đâm lo. Lâu lâu lại viết thư về mấy đứa bạn cùng làng, hỏi xem nó đã chết chưa. Chẳng dè cuối năm về, nó tới nhà đưa thiếp tết mời đám cưới. Mình quá ngạc nhiên, nói răng mi có tiền cưới vợ, tài rứa. Nó cười he he he, nói trời bắt tao cưới vợ thì trời phải cho tao tiền chớ. Nó kể đêm đó đem nàng ra bãi cát mần một trận đã đời, đưa nàng về nhà xong, lội bộ bãi cát về nhà lòng buồn như chấu cắn vì biết chắc rồi sẽ không cưới được nàng. Khi bên nàng thì ba hoa xịt bộp, nói anh sẽ anh sẽ anh sẽ, rời khỏi nảng mới sực nhớ nhà nghèo rớt mồng tơi, biết lấy gì để mà sẽ. Nó đứng tựa gốc phi lao đứng đái, bỗng lòi ra cái gì sang sáng, cầm lên hóa ra một cái nhẫn vàng hai chỉ. Rõ là trời cho, may quá là may. Hai chỉ vàng đủ làm một đám cưới to, xôm trò ra phết, cái thằng thế mà tốt phúc.
Thời bao cấp đám cưới nào cũng giống nhau. Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ phúc to đùng, bên kia là tên cô dâu chú rể lồng nhau treo dưới cái đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Câu này không thể thiếu ở bất kỳ đám cưới nào, thường được treo ở phông chính như một huấn thị của cấp trên. Chẳng biết nhiệm vụ gì, cứ phải không được quên, hi hi. Câu thứ hai là Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Câu này đám có đám không, thường treo bên nách hoặc ở cuối hôn trường.
Lễ cưới thời bao cấp nửa họp nửa mít-tinh, thường có năm mục. Thứ nhất MC giới thiệu cô dâu chú rể và lý do có đám cưới, đại loại được sự nhất trí của các cấp chính quyền và gia đình hai bên, trong không khí vui tươi phấn khởi đón chào đất nước vào xuân… Bất kỳ cưới mùa nào thì ông MC cũng nói “đất nước vào xuân”. Kế đến là lãnh đạo lên phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ cho cô dâu chú rể. Sau đó là cô dâu chú rể lên hứa xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp theo là đại diện họ nhà trai lên cảm ơn lãnh đạo và bà con hai họ. Cuối cùng là liên hoan văn nghệ.
Đầu tiên ông MC ra miệng nói tay khua, nói năng như tép nhảy, hết đọc ca dao đến đọc thơ, đám nào ông cũng chừng đó câu thơ, chừng đó câu ca dao, rồi ghép tên cô dâu chú rể vào, bất kể thất vần trật âm cũng cố ghép cho bằng được. Mình nhớ đám cưới cái Tâm bạn mình, nó cưới anh Địch bộ đội phục viên ở xóm dưới. Cái vần ịch rất kẹt vì dân Quảng Bình thường nói âm ịch ra âm ịt, vì thế chưa bao giờ mình nói quân địch, khi cần phải nói thì nói quân thù, hi hi. Hôm đó ông MC tay khua miệng nói, ngâm nga câu ca Ôi hạnh phúc có khi nhiều khi ít/ Tâm xinh tươi cùng Địch đẹp trai, mọi người cười ầm ầm.
Thỉnh thoảng mình gặp cái Tâm lại trêu nó, nói “cùng địch đẹp trai”, thích nhỉ. Nó cười he he he đấm mình, nói tao bắt lão đổi tên Đích rồi, tên Địch nhiều khi bị hiểu lầm, tức lắm. Nó kể cưới xong nó ra Phủ Lý học trường Trung cấp truyền thanh. Một hôm vào phòng giáo vụ khai báo chuyện gì đó. Ông giáo vụ hỏi chồng cô tên gì, nó nói dạ Địch. Ông này trợn mắt đập bàn, nói tôi hỏi chồng cô tên gì chứ không hỏi cô cưới chồng để làm gì, rõ chưa!
Lãnh đạo càng to đến dự thì đám cưới càng sang. Thời này chắc cũng thế nhưng người ta chỉ đến dự thôi chứ chẳng phải nói năng gì. Thời bao cấp lãnh đạo đến để phát biểu và giao nhiệm vụ, dứt khoát phải như vậy. Thường thì bí thư chi bộ lên phát biểu là oách rồi, được bí thư Đảng ủy xã đến phát biểu ý kiến là mơ ước của bất kỳ gia đình nào có đám cưới.
Hồi mình ở làng Đông, đám cưới chị Hoa là con gái của một ông đội trưởng. Cả làng xôn xao về việc nhà chị Hoa mời được cán bộ xã đến dự. Nhà chị Hoa đứng bồn chồn trước ngõ ngóng ông, mặt mày ai nấy vô cùng nghiêm trọng, chỉ lo ngộ nhỡ có chuyện gì ông không đến được. Giấy mời đám cưới lúc 8 giờ sáng, chừng 10 giờ trưa ông đến, khi đó đám cưới mới bắt đầu. Hôn trường đang ồn ào náo nhiệt, ông bước vào cái là im phăng phắc, tất cả ngoảnh mặt nghiêm trang nghe ông nói. Ông này có tật nói dai kinh khủng. Mới đầu thì bảo tôi xin phát biểu đôi câu nhưng rồi ông nói cả đôi trăm câu. Vừa nói điểm thứ hai, xong rồi lại điểm thứ hai, rồi lại điểm thứ hai, cứ điểm thứ hai liên tù tì cả giờ chưa dứt.
Đang nói ông bỗng dừng lại ngoảnh mặt xuống hôn trường, nói hạnh phúc là chi bà con. Mọi người im thin thít, không ai dám ho he. Ông cười cười nói câu hỏi đơn giản rứa mà không ai trả lời được là răng hè. Rồi ông mạnh tay chém gió, nói hạnh phúc là vô cùng sung sướng, rứa thôi, đơn giản rứa thôi. Ông ngửa cổ cười khe khe khe, chẳng ai cười cả, chỉ mình ông cười khe khe khe. Đến khổ, hi hi.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)