Theo Trưởng phòng Kinh tế TP Kon Tum Nguyễn Ngọc Thuấn, phần lớn các công trình thủy lợi, các hồ, đập, sông suối trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện không còn khả năng đáp ứng nước tưới, nhiều hồ đập trơ đáy. UBND thành phố đang chỉ đạo UBND các xã, phường, các hợp tác xã tập trung nguồn lực để chống hạn, cứu lúa cho dân.
Còn tại Gia Lai, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn khi cơn đại hạn được dự báo là sẽ hoành hành nặng. Hiện nhiều sông suối ở tỉnh này đã trơ đáy kéo theo hàng ngàn ha cây trồng đang có nguy cơ chết héo. Dù chưa là đỉnh hạn trong mùa khô này nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 300 ha cây trồng ngắn ngày bị hạn và hơn 3.000 ha cà phê thiếu nước tưới trầm trọng do cạn kiệt nguồn nước tưới.
Ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên - cho biết: “Hiện mực nước ở các sông suối khu vực bắc Tây Nguyên thấp hơn mức trung bình các năm trước đến 0,4 -0,6m. Ngoài hệ thống sông Đồng Nai, Sêrêpok lượng nước còn tương đối thì hầu hết mực nước trên các hệ thống sông lớn còn lại ở khu vực Tây Nguyên đều ở mực nước chết. Và đặc biệt là trong mùa mưa vừa qua, các hồ thủy điện này đều thiếu nước để tích nên không hề xả lũ lần nào”.
Cũng theo ông Thành thì sắp đến, lượng mưa ở Tây Nguyên sẽ không đáng kể, nắng nóng sẽ diễn ra trên diện rộng, mức độ hạn hán sẽ khốc liệt.
Trần Hiếu - Anh Đào
Bình luận (0)