Cổ vật trên những con tàu đắm: Một cuộc đấu giá tại Amsterdam

25/02/2011 08:12 GMT+7

Không chỉ cổ vật ở Cù Lao Chàm, mà Việt Nam đã đưa nhiều cổ vật vớt được trên các con tàu đắm tại một số địa điểm khác ở biển Đông ra nước ngoài bán đấu giá.

Chẳng hạn 17.000 cổ vật trên tàu đắm Bình Thuận được bán đấu giá tại thành phố Melbourne (Úc), 28.000 cổ vật trên tàu đắm Hòn Cau vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đấu giá tại Hà Lan qua sàn đấu của công ty quốc tế nổi tiếng Christie’s của nước Anh.

 
Bà Võ Thị Hạnh Dung bên một cổ vật đời Minh (Trung Quốc) - Ảnh: Đ.S

Chúng tôi ghi lại dưới đây chi tiết về cuộc bán đấu giá cổ vật tại Amsterdam (Hà Lan). Đó là các cổ vật vớt được trên một con tàu đắm ngoài khơi tỉnh Cà Mau. Theo các nhà nghiên cứu, con tàu trên thuộc loại tàu buồm bằng gỗ, dài khoảng 24m, rộng gần 8m, chìm ở độ sâu 36m. Dựa vào hàng hóa và số di vật trục vớt được có thể đoán định đây là tàu của một công ty nước ngoài ở châu u, hoặc tàu của Trung Quốc chở hàng gốm sứ sản xuất từ Cảnh Đức Trấn ở tỉnh Giang Tây, Đức Hóa ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông đang trên đường vòng qua hải phận Việt Nam đến các nước trên thế giới. Niên đại tàu thuộc thời Ung Chính nhà Thanh (1723-1735).

Ban đầu tàu được hai ngư dân ở La Gi, tỉnh Bình Thuận phát hiện và các thợ lặn lành nghề đã tự ý khai thác 30.000 cổ vật dưới tàu đắm nhưng sau này các cơ quan chức năng thu giữ và thẩm định nguồn gốc số cổ vật ấy, báo cáo lên Thủ tướng. Chính phủ cho phép mở một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước lần đầu tiên hoàn toàn do cán bộ khảo cổ học và thợ lặn Việt Nam thực hiện, không có sự tham gia của nước ngoài. Cuộc khai quật tiến hành với sự tham gia chỉ đạo của một số bộ hữu quan như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Văn hóa - thông tin và UBND tỉnh Cà Mau, giao Liên hiệp xí nghiệp trục vớt cứu hộ - Visal trực tiếp khảo sát và thực hiện thành công. Có đến 76.657 cổ vật vớt được đợt này đã đưa sang Hà Lan để bán đấu giá đầu năm 2007. Đoàn cán bộ Việt Nam gồm 6 người do UBND hai tỉnh Cà Mau và Bình Thuận cử đi, một đoàn khác gồm TS Nguyễn Đình Chiến - đại diện Hội đồng Giám định cổ vật Quốc gia, ông Ngô Hải - Giám đốc Công ty Unicom được mời đi dự phiên đấu giá trên với danh nghĩa là “người môi giới bước đầu” đã có mặt tại Amsterdam. Đáng ghi nhận là sự có mặt một đại diện của Công ty Đoàn Ánh Dương, là người Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc đấu giá! Trong dịp tiếp xúc gần đây với người đại diện trên, chúng tôi nghe kể như sau:

Trước buổi đấu giá đầu tiên, theo thông lệ và truyền thống hiếu khách vốn có của hãng đấu giá quốc tế Sotheby’s, một bữa tiệc chiêu đãi đoàn Việt Nam được Sotheby’s tổ chức hết sức thân mật vào chiều 28.1.2007. Trước đó, các chuyên gia Sotheby’s cũng hướng dẫn chúng tôi đến xem phần trưng bày mỹ thuật và sắp xếp bố cục khá ấn tượng của các lô hàng cổ vật trên tàu đắm Cà Mau, giúp người xem nhận ra quy mô cũng như đẳng cấp chuyên nghiệp quốc tế của họ trong việc chuẩn bị đấu giá. Họ cũng phổ biến các tập quảng cáo 1.716 lô cổ vật với giá sàn định sẵn theo từng lô, nhằm tiếp thị rộng rãi với khách quốc tế.

“Tàu cổ Cà Mau bị đắm ở thế kỷ 18 trên vùng biển Việt Nam có thể do chở hàng quá nặng và bị cháy không chữa kịp. Điều đó được minh chứng qua hàng đống chảo gang kết lại thành khối lớn và rất nhiều chồng bát, đĩa, chén kết dính với nhau chẳng khác gì những vụ quá lửa trong các lò nung. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng con tàu Cà Mau phải bị cháy với thời gian khá lâu thì nhiệt độ trong tàu mới lên cao, tới độ nung chảy kết khối như vậy. Đến nay từ Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam đến vùng biển Kiên Giang đã phát hiện và khai quật các con tàu đắm từ nhiều thế kỷ trước chứng tỏ vị trí quan trọng của tuyến đường hàng hải quốc tế qua vùng biển Việt Nam từ xưa…” - TS Trịnh Thị Hòa

Người điều khiển phiên gõ búa đấu giá đầu tiên vào 29.1 là ông Henry, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Sotheby’s, cho các lô từ số 1 - 233. Các khách hàng có mặt hôm ấy gồm đủ quốc tịch đến từ Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Ireland, Ý, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật, Monaco, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, với nhiều nhà sưu tập nổi danh trong các phòng bán đấu giá quốc tế hiện nay. Phiên thứ hai mở ngày 30.1 cho lô số 234 - 702. Phiên thứ ba mở ngày 31.1 cho lô số 703 - 1176. Hai phiên sau kéo dài hơn, liên tục từ 10 giờ 30 sáng đến 19 giờ 30 tối mỗi ngày, chỉ nghỉ chưa đầy 30 phút vào bữa trưa. Kết quả toàn bộ số cổ vật trên tàu đắm Cà Mau đưa sang Hà Lan đợt ấy đều bán hết với tổng số tiền thu được là 3.046.716 euro, nếu quy đổi thời điểm ấy sẽ là 3.889.888 USD. Ngay sau đó, Sotheby’s thông báo cuộc đấu giá cổ vật tàu đắm ở vùng biển Đông Việt Nam đã thực sự gây ngạc nhiên trên thế giới vì giá đấu cao và trở thành cơ hội giới thiệu hình ảnh Việt Nam - Cà Mau với khách quốc tế.

Cổ vật được mua vượt qua mức giá ước tính ban đầu của chúng rất nhiều. Chẳng hạn, 69 đĩa chén uống trà có hình “cậu bé cưỡi trâu” bán với giá 49.200 euro, cao gấp 12 lần so với dự kiến. Kế đến lô số 1071 với bộ chén có hình “chiếc lều của người Trung Quốc” bán với giá 31.200 euro, cao gấp 10 lần dự kiến. Lô số 329 gồm 500 chiếc chén và đĩa màu trắng xanh có hình con hươu bán cho nhà sưu tập người Nam Phi với giá 26.500 euro, một nhà đầu tư người Hà Lan đã trả 26.500 euro cho lô 369 - bộ đĩa và chén uống trà, cao hơn dự kiến nhiều. Qua đấu giá tại Hà Lan, một số nhà sưu tập ở hàng chục nước trên thế giới có thêm nhiều cổ vật hiếm quý trong bộ sưu tập phương Đông của họ.

Đặc biệt, lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đấu giá cổ vật quốc tế để mua và sở hữu hơn 1.000 cổ vật đem về lại Việt Nam, đó là Công ty Đoàn Ánh Dương đã nói trên. Từ hơn 10 năm nay, công ty này đã ký hợp đồng khảo sát và khai thác các tàu cổ đắm trên vùng biển Đông Việt Nam. Số cổ vật trục vớt dưới nước, hoặc sưu tầm trên cạn, cộng với số mua được từ các phiên đấu giá, đến nay đã có ngót hơn 62.000 món do Giám đốc Đoàn Ánh Dương là bà Võ Thị Hạnh Dung sở hữu và bà trở thành người nắm giữ cổ vật trên những con tàu đắm nhiều nhất Việt Nam hiện nay.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.