Công ty TNHH MTV Việt Trung trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình, tiền thân là Nông trường quốc doanh Việt Trung được thành lập năm 1996. Một thời, nông trường Việt Trung là niềm tự hào của tỉnh Quảng Bình, nhưng bây giờ đi đâu cũng chỉ thấy sự lo toan với những câu chuyện, hoàn cảnh xót lòng.
Theo ông Nguyễn Đại Tình, phụ trách Phòng kinh doanh của công ty, thì tổng số tiền bị thiếu khoán của công nhân trong năm 2010 là trên 2 tỉ đồng. Mỗi năm công nhân khai thác cao su của công ty đều được khoán sản lượng, nếu không khai thác đủ sản lượng thì phải bỏ tiền túi ra bù số bị thiếu đó. Thiếu chưa trả được thì gọi là nợ. Những năm trước, hầu hết các công nhân đều hoàn thành chỉ tiêu, nhưng năm 2010 bị thiếu trầm trọng do những nguyên nhân khách quan và họ phải đối mặt với khoản nợ không nhỏ.
Những áp lực, lo âu đã khiến chị Võ Thị Lài (44 tuổi, ở đội xây dựng, làm công nhân từ năm 1987) như già hơn tuổi, người gầy gò khắc khổ. Nói chuyện với chúng tôi, đến đoạn về số nợ thì chị bật khóc: “Tổng số nợ năm 2010 của tôi là 35 triệu đồng, tiền lương tháng 12 họ giữ lại, thành ra còn nợ 33 triệu. Hơn 800 cây mà khoán hơn 4 tấn mủ khô/năm, tôi làm được 2,5 tấn nên bị âm từng đó tiền. Cao su ở lô tôi khai thác trồng từ năm 1992, những năm trước còn sung sức, thiên tai bão lụt ít, với lại những năm trước họ bón phân 2 lần/năm nên thu được nhiều mủ. Giờ vườn cây đã xuống cấp, năm ngoái thời tiết hạn hán hơn 3 tháng hè, giếng đào 8m cũng bị hạn nên đất khô; rồi sau đó bão liên tiếp nên cây cối gãy và mưa liên tục làm sao công nhân đi cạo được. Thêm đó, lượng phân bón bị giảm xuống. Công ty nói cây ngày một lớn lên, một phát triển nên khoán năm sau cao hơn năm trước nhưng thực tế có đúng vậy đâu”.
Ngày 20.2, PV đi tìm hiểu thực tế tại thị trấn Nông trường Việt Trung thì lực lượng bảo vệ công ty bám theo và dùng điện thoại chụp ảnh. Ông Phạm Tiến Cảm nói: “Đã biết hết các anh đi đâu, gặp ai, chúng tôi cũng đã có ảnh của các anh”. Lực lượng bảo vệ công ty cũng đến gặp một số công nhân mà PV tiếp xúc. |
Những trường hợp bị nợ đều phải trả cho hết bằng cách trừ lương dần từng tháng và vay mượn tiền ngoài trả. Đối với những công nhân đến tuổi về hưu như anh Lê Hùng ở đội xây dựng thì bị giữ lại sổ lương hưu. Anh Hùng cho biết: “Tôi bị thiếu 15 triệu, bắt đầu nghỉ hưu từ tháng 2.2011 nhưng chỉ nhận được quyết định, còn sổ lương thì họ giữ lại đến khi trả hết nợ mới được lấy về”.
Điều lạ là hiện đơn giá mủ cao su ngoài thị trường khá cao, từ 80 ngàn - 100 ngàn đồng/kg mủ khô nhưng công ty chỉ tính cho công nhân khai thác mức 5.600 - 8.000 đồng/kg; trong khi nếu thiếu khoán lại bị phạt đến hơn 33.000 đồng/kg. Mùa hè thì phải dậy đi cạo mủ từ 1 giờ sáng, mùa đông thì 3 giờ nhưng hễ bỏ về ăn cơm mà bảo vệ bắt được thì bị phạt 100.000 đồng.
Ông Phạm Tiến Cảm, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, cho rằng: “Tất cả đều thực hiện theo nội quy quản lý. Chúng tôi có thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ. Những trường hợp được nghỉ theo quy định như đau ốm, nghỉ đẻ thì phải trừ khoán chứ, không ai bắt người lao động phải chịu cả. Với số nợ đó chúng tôi sẽ khấu trừ mỗi tháng 30% giá trị tiền lương cho đến khi nào xong thì thôi và chúng tôi cũng đã cho thông báo làm đơn miễn giảm”. Để hiểu rõ hơn quy định của công ty, PV hỏi: “Thời điểm hiện tại, cây cao su rụng lá thì có khai thác không?” thì ông Cảm gắt gỏng: “Cái đó anh đi hỏi ông bộ trưởng nông nghiệp hay mua tài liệu về mà học”.
Ông Đỗ Kim Thành - Trưởng bộ môn Sinh lý Khai thác (Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam) - cho biết: Cây cao su có thời gian kiến thiết cơ bản (cây còn nhỏ: khoảng 6 - 7 năm), sau thời gian đó sẽ được đưa vào khai thác kể từ năm cạo thứ nhất. Bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, cây cao su được lấy mủ cho đến năm thứ 18 thì sẽ cho cạo tận thu để tiến hành thanh lý sau 20 năm cạo. Như vậy, tổng cộng một chu kỳ cây cao su khoảng 26 năm, cây cao su già cỗi phải được thay thế, vì năng suất lúc này đã tụt đến mức thấp nhất. Khi tới năm cạo thứ 20, một số vùng có thổ nhưỡng tốt thì năng suất cây cao su còn khoảng 1,2 tấn mủ khô/ha, còn đa phần dưới 1 tấn mủ khô/ha (bình quân 1 ha trồng từ 500 - 555 cây cao su). Lê Công Sơn |
Trương Quang Nam
Bình luận (0)