Xịn từ trên xuống dưới
Anh N.V.Q, trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty thời trang ở Q.1 (TP.HCM), nói 30% khách hàng của công ty anh là giới 8x, trong đó có một số nhỏ là 9x.
Công ty anh Q. kinh doanh nhiều mặt hàng thời trang cao cấp, với những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Bally, Lauren, Cartier, Rolex, Burberry…
“Chẳng nói đâu xa, ngay ở công ty tôi, có một số bạn thuộc thế hệ 8x đời cuối, mỗi ngày đến văn phòng đều mặc những thứ đắt tiền, có tổng giá trị lên đến gần trăm triệu đồng. Riêng cái túi xách chí ít cũng hơn 2.000 USD, chịu chơi không thua gì các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng”, anh Q. cho biết.
Anh Q. phân tích thêm, phong cách xài hàng hiệu của những người trẻ chịu chơi và chịu chi hiện nay là "hiệu thì phải hiệu đồng bộ", còn không thì thôi, chứ không chọn kiểu nửa vời. Do vậy, một khi đã thích xài hàng hiệu, họ thường phải chi rất nhiều, và đều là con nhà khá giả. Ngay cả một người có thu nhập 2.000 USD mỗi tháng cũng không dám mơ xài hàng hiệu theo kiểu đồng bộ như vậy.
Trên thực tế, có không ít bạn trẻ thích “khè” nhau bằng nhãn hiệu thời trang trên những món đồ mình mặc hay đeo. Thậm chí, trên các diễn đàn dành cho giới 9x, có những trường hợp mất ăn mất ngủ chỉ vì thằng T. đeo đồng hồ xịn hơn mình, hay nhỏ X. mới tậu con iPhone 4 đẹp “sửng sốt”...
"Gần đây, thằng con trai ở nhà có thói quen mặc áo lật cổ lên chứ không bẻ cổ áo xuống như trước, mà hình như bạn bè nó đều thích như thế. Hỏi ra mới biết, mặc áo cổ đứng như vậy là để khoe cái nhãn hiệu", chị Hà, một phụ huynh trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM) kể.
Bắt chước thần tượng
Những bạn trẻ chịu chơi và chịu chi hiện nay thường có xu hướng "hiệu thì phải hiệu đồng bộ", chứ không chịu nửa vời, và họ thường là con nhà khá giả
|
|
Anh N.V.Q, trưởng phòng xuất nhập khẩu của một công ty thời trang cao cấp ở Q.1, TP.HCM |
Để bắt chước y chang hình tượng, phong cách ăn mặc…từ thần tượng của mình, một số bạn trẻ cũng cố săn lùng cho được những bộ y phục đắt tiền, “chịu khó” xài tiền “đô”, và rất siêng “phô” đồ hiệu.
Thậm chí, có một số người còn để ý cả đồ nội y của thần tượng để bắt chước chọn đúng nhãn hiệu đó, "để có bị “soi” người ta cũng nể mình".
L.T.H, một nhân viên bán hàng cao cấp tại một cửa hàng trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) kể, nhiều khách hàng trẻ đến shop mua hàng thường yêu cầu theo kiểu: cái áo cổ rộng của ca sĩ H.N.H, hay đôi giày hiệu Bally của người mẫu N...
H. cũng lưu ý, xài hàng hiệu rất dễ nghiện. Nếu từng xài qua vài món và khi đã thích thương hiệu đó, thì bạn “kết” luôn cho đến sau này. Chẳng hạn khách xài đôi giày của hãng X, thì cũng thích mua cái quần hoặc cái áo, thậm chí là thắt lưng, nước hoa cùng hãng, và càng ngày họ càng có xu hướng mua các mặt hàng đắt tiền hơn.
|
“Do vậy, chơi hàng hiệu đồng bộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài là vô cùng tốn kém”, H. kết luận.
H. kể mỗi lần diễn ra các chương trình giảm giá mạnh, từ 50% đến 70% tại các cửa hàng của những công ty thời trang cao cấp, rất dễ bắt gặp cảnh chen chúc, thậm chí là giành giật các món đồ và cãi nhau dữ dội giữa các khách hàng.
“Trên thực tế, nhiều bạn trẻ 8x, 9x xài hàng hiệu chỉ với mục đích khẳng định bản thân, và một số là vì thích mặc đồ đắt tiền để tha hồ chém gió, khoe của. Đa phần trong số đó có thu nhập chỉ đủ uống cà phê ở các quán sang, còn tiền mua sắm hàng hiệu là tiền của bố mẹ cho, hoặc bồ bịch chu cấp”, H. nói thêm.
H. cho biết, nhiều teen chạy theo hiện tượng hotboy, hotgirl nên cứ hễ có dịp nào xuất hiện trước đám đông, là ồ ạt rủ nhau đi shopping để sắm quần áo độc, không đụng hàng.
“Có lần tham dự một cuộc thi thú cưng dành cho teen ở TP.HCM, mình thấy nhiều gương mặt chỉ mới 15, 16 tuổi mà ăn mặc như ca sĩ, người mẫu. Tự nhiên mình có cảm giác lạc lõng hệt như đang ngồi giữa bữa tiệc của những người nổi tiếng vậy”, H. kể.
Trí Quang
Bình luận (0)