Cần lắm sân chơi cho trẻ em!

27/02/2011 00:26 GMT+7

Các nhà khoa học trên thế giới đều nhất trí rằng, trẻ em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách... một cách toàn diện một phần là nhờ tham gia các hoạt động vui chơi - giải trí phù hợp.

Vậy mà sân chơi của trẻ em hiện nay ở nước ta không những thiếu trầm trọng mà phần lớn còn không đủ tiêu chuẩn. Còn nhớ, vào giữa tháng 10.2010, TP.HCM đã tổ chức  một hội thảo với tên gọi: "Thực trạng và giải pháp đầu tư, xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em". Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã bức xúc trước thực tế một thành phố lớn như  TP.HCM lại thiếu khu vui chơi cho trẻ, và nhiều khu vui chơi chưa đạt chuẩn cần phải được đầu tư nâng cấp.


Học sinh tiểu học tại TP.HCM rất cần những sân chơi lành mạnh, bổ ích để phát triển toàn diện - Ảnh: Đ.N.T

 

 

Khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi tiểu học (từ 6 - 12 tuổi) của TP.HCM rất cần sân chơi. Tuy nhiên, ngay tại nhiều trường tiểu học, cái gọi là sân chơi lại rất nghèo nàn phương tiện để chơi. Thậm chí, có người nghĩ đơn giản sân chơi là một khoảng đất trống dành cho các em muốn chơi gì thì chơi. Sân chơi đúng nghĩa ở các trường tiểu học vừa thiếu, vừa hạn chế các trang thiết bị. Nhưng những điểm vui chơi - giải trí khác bên ngoài trường học dành cho trẻ em cũng quá ít. Theo số liệu mà Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Nguyễn Thành Rum  cho biết thì  hiện thành phố mới có 17 điểm vui chơi - giải trí và công viên có quy mô lớn nên vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi rất lớn của trẻ em.

Không những thiếu mà tư duy xây dựng sân chơi cho trẻ em cũng có nhiều hạn chế. Điều này từng được bà Nguyễn Thị Hậu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thẳng thắn chỉ ra rất xác đáng là cần xem lại quan niệm về sân chơi và thiết kế nội dung sinh hoạt. Bởi vì  sân chơi không đơn thuần để chơi mà còn là nơi rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức đối phó với những đổi thay, cám dỗ của cuộc sống. Cũng theo bà Hậu, hiện nay việc đầu tư xây dựng những sân chơi đa dạng, phong phú, mang ý nghĩa "học mà chơi, chơi mà học" là vô cùng cấp thiết bởi nhu cầu vui chơi, giải trí, giảm căng thẳng trong học tập của trẻ ngày càng lớn.

Chuyện bức xúc về sân chơi cho trẻ em không chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, nó đang trở thành vấn đề ở tầm quốc gia. Thanh Niên số ra ngày 19.10.2010 từng trích đăng phát biểu của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng trong một  kỳ họp Quốc hội, chỉ ra rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ gia tăng tội phạm trong thanh thiếu niên với việc thiếu những nơi vui chơi, giải trí cho lứa tuổi này, cũng như thiếu những công cụ để giáo dục thanh thiếu niên một cách toàn diện. Tại các khu đô thị, các huyện, các tỉnh, nhà thiếu nhi không phải nơi nào cũng có; có nơi có địa điểm nhưng lại không dung nạp được nhu cầu của giới trẻ.

Hệ lụy từ việc thiếu sân chơi lành mạnh, thiếu người đứng ra tổ chức hoạt động vui chơi - giải trí một cách bài bản, khoa học cũng là nguyên nhân đẩy các em đến các sân chơi tự phát thiếu kiểm soát của người lớn. Có những sân chơi tác động xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Thực tế, không ít trẻ em đã chọn phòng internet  làm sân chơi với các game bạo lực hay những hình ảnh đồi trụy. Một số trẻ em khác chọn lòng đường, sông suối, ao hồ… làm nơi tổ chức những những trò chơi có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên  ký công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em không thể thiếu là quyền được vui chơi, giải trí. Việc chuẩn hóa sân chơi cho trẻ em được đề cập trong các quy phạm pháp luật. Quyết định 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Trong những dự án quy hoạch xây dựng của các tỉnh thành, chính quyền cũng đều yêu cầu phải dành quỹ đất xây sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng tuân thủ quy định như vậy. Và nếu có thì sân chơi cho trẻ em phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn hoặc nhắm đến yếu tố kinh doanh.

Trẻ em Việt Nam đang "khát" lắm những sân chơi lành mạnh, bổ ích để có cơ hội phát triển toàn diện. Đã đến lúc, trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ không chỉ dựa hết vào Nhà nước mà cần phải được xã hội hóa. Và Nhà nước cũng nên thực sự tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị có năng lực, tâm huyết đầu tư xây dựng những sân chơi tốt nhất cho trẻ em.

Quang Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.