“Chạy” cả thánh thần

27/02/2011 02:01 GMT+7

Mùa xuân là mùa của nhiều lễ hội truyền thống ở Việt Nam. Mấy năm gần đây, được sự cho phép và khuyến khích của Nhà nước nhằm kích cầu du lịch và xiển dương văn hóa truyền thống , nhiều lễ hội được tổ chức lớn, nhiều lễ hội được khuyến khích để nhân dân tự tổ chức theo phong tục cổ truyền như lễ hội Gióng hay hội Lim. Ngược lại, cũng xuất hiện một số lễ hội “lạ” với nguồn gốc mù mờ và ý nghĩa hết sức thô thiển được “nhiệt liệt hưởng ứng”.

Một số “lễ hội” kiểu đó do chính những địa phương và những người muốn kinh doanh lễ hội, kinh doanh cả thần thánh nghĩ ra, bày đặt ra. Như lễ “khai ấn đền Trần”, các nhà khoa học đã cất công tìm kiếm trong sách vở và thư tịch cổ nhưng đều không thể tìm ra bất cứ bằng cớ gì về sự tồn tại của lễ hội này.

Vậy mà chỉ sau 3-4 năm được tổ chức “hoành tráng”, lễ hội này đã đạt tầm cỡ của một trong những “lễ hội kỳ quặc nhất trong nước”. Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thì ngày xưa cứ vào dịp trước tết, quan lại được phép nghỉ ăn tết nên có tục “cất ấn”, không dùng ấn trong ba ngày tết. Sau tết, khi quan chức đi làm trở lại thì có tục “khai ấn”, cũng là việc bình thường của các cơ quan hành chính thời trước, vậy thôi! Không hề có bất cứ “yếu tố lễ hội” nào trong một tập tục nhỏ của ngành hành chính như vậy. Không hiểu vì sao, bây giờ người ta lại “sáng tác” ra lễ hội “khai ấn đền Trần”, bởi không chỉ nhà Trần mới “khai ấn” đầu năm, mà các vương triều khác cũng đều có “khai ấn” - nghĩa là mở ấn chỉ, làm việc lại sau tết.

Thực ra, hàng nghìn hàng vạn người, trong đó có quan chức, viên chức chen lấn nhau “xin ấn” đền Trần không phải vì lòng yêu kính các vua Trần có công xây dựng và bảo vệ đất nước, mà đơn giản “nghe nói” xin được “ấn” sẽ “hanh thông” trong đường quan chức, “cầu được ước thấy” những chức vụ béo bở, nên xông vào xô đẩy chen lấn nhau mà xin “lộc vua” vậy thôi! Trong cái “mục đích ý nghĩa” của việc xin ấn này công khai lộ ra những thèm muốn rất thực dụng và đáng xấu hổ, chứ tuyệt nhiên không có một chút “văn hóa truyền thống” hay lòng kính ngưỡng thiêng liêng nào.

Nếu các nhà xã hội học để ý nghiên cứu, họ sẽ phát hiện ra cái tâm thế xã hội phát lộ trong các “lễ hội” kiểu này là rất đáng lo ngại. Một xã hội không thể phát triển từ những “khát vọng” thăng quan tiến chức không dựa vào năng lực và đạo đức, mà hy vọng vào sự “ban phát” của các thế lực thần quyền và thế quyền. “Thần” ban trước, rồi “thế” ban sau. Và phải “cầu”, phải “xin”, phải “chạy” thì mới được “ban”. Điều đó phản ánh một thực tế chạy chức chạy quyền đang xảy ra trong xã hội, và nó quả thật là đáng sợ nếu cứ tiếp diễn trên diện rộng, và được chính thức công nhận, được “tín ngưỡng hóa” thông qua các “lễ hội”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.