Bùi Thị Thanh T. đang vô cùng lo lắng cho đứa bé trai cô vừa mới sinh vài hôm dù nó không có máu mủ gì nhiều với cô. Đứa bé được hình thành từ tinh trùng và trứng của bố mẹ chúng còn T. chỉ là người “cho thuê tử cung”. Đứa bé quá yếu, chỉ hơn 1,6 kg và đang phải nằm ở khu săn sóc đặc biệt trong một bệnh viện ở Bangkok. T. không được gặp nó từ hôm 23.2, ngày cô rời bệnh viện để vào khu lánh nạn ở tỉnh Nonthaburi, nơi 14 phụ nữ Việt Nam khác đang tạm trú. Người ta nói với T. là cha mẹ đứa trẻ sẽ nhận nó và cô cũng tin như thế.
|
T.B, sinh năm 1988, quê ở Sóc Trăng, thì không biết phải làm gì với cái bầu song sinh đã được 4 tháng. B. sang Thái Lan với nỗi hứng khởi của một cô gái trong trắng bao nhiêu thì giờ đây cô tuyệt vọng bấy nhiêu. B. bị ép đẻ thuê và cô không biết sẽ về Việt Nam để sinh 2 đứa trẻ hay tiếp tục ở lại Thái Lan để chờ. Mà chờ cái gì B. cũng không biết, chưa biết phải sống bằng gì khi B. không biết tiếng Anh lẫn tiếng Thái. Về Việt Nam với 2 đứa trẻ vài tháng nữa sẽ chào đời thì cô không biết xoay xở sao khi gia đình vốn rất khó khăn mà lại không có ai gọi là chồng bên cạnh để đỡ đần.
Nguyễn Kim Th., ở Hậu Giang, còn bi thảm hơn. Th. mang thai song sinh nam nữ vào tháng thứ 7. Thực chất là 8 tháng vì phôi thai đã 1 tháng tuổi mới được đưa vào tử cung. “Bây giờ em cũng không biết làm sao, tiền đâu nuôi chúng trong khi về nước thì không biết làm gì”, Th. sụt sùi. Cô nói không biết cha mẹ nó là ai để giao lại và cô chỉ cần họ cho mình vé máy bay về Việt Nam là đủ. Không lo sao được khi ở Việt Nam, Th. còn có một cậu con trai 13 tuổi. Vì gia đình khó khăn lại không biết chữ, Th. bỏ lại con cho bà nuôi và lên TP.HCM kiếm sống mấy năm nay. Rồi nghe lời dụ dỗ, cô bỏ hết công ăn việc làm để sang Thái Lan.
Trong số 15 cô gái đẻ thuê vừa được giải cứu, 2 người đã sinh con, 5 người chưa mang thai. Số còn lại mang thai từ 3 đến 7 tháng. Hai đứa trẻ đã ra đời đang được giữ tại bệnh viện và hy vọng cha mẹ chúng sẽ xuất hiện để nhận con. Còn những đứa trẻ sắp sinh thì không ai biết phải giải quyết thế nào. Một chuyên gia của tổ chức Save the Children nói rằng về mặt sinh học, những người phụ nữ Việt Nam không phải là mẹ của chúng vì không chung huyết thống. “Số phận của những đứa trẻ này khó có thể định đoạt, kể cả quốc tịch của chúng”, chuyên gia này nhận định. Nếu ra đời tại Thái Lan và không ai đến nhận, chúng sẽ được đưa vào các trại mồ côi.
Ông Bùi Đình Chăm, Tham tán phụ trách lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, nói rằng số phận những đứa trẻ nên được giải quyết ở Việt Nam khi những cô gái trở về. Những ông bố, bà mẹ thật có thể sang Việt Nam để nhận con. Luật pháp Thái Lan không cho phép mang thai hộ theo hình thức thương mại hóa, nếu không sẽ bị đưa vào tội buôn người.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)