Sau năm 1954, nhiều cán bộ làm công tác văn hóa của Sở Văn hóa Hà Nội chưa có gia đình và không có nhà riêng được bố trí ở dưới tầng hầm của văn phòng sở (47 phố Hàng Dầu). Do số người sống tại tập thể hầm tăng lên nên lãnh đạo sở lúc đó quyết định thành lập "khu tập thể đền Ngọc Sơn". Nó là một căn phòng rộng chừng hơn chục thước, trước đó người ta dùng làm nơi ngồi chờ cho những người đến đây rút quẻ xem bói. Không chịu nổi tình cảnh bức bối vì lúc nào cũng chỉ nhìn thấy 4 bức tường, nhà văn Lê Bầu đã xin chuyển sang "khu tập thể đền Ngọc Sơn" và được chấp thuận.
Nhà văn Lê Bầu tốt nghiệp Đại học Trung văn tại Trung Quốc, ông làm phiên dịch rồi trở thành giáo viên dạy tiếng Trung ở trường sư phạm. Có năng khiếu viết văn lại đam mê nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa dân gian nên năm 1961 ông đã xin chuyển về làm việc ở Sở Văn hóa Hà Nội nghiên cứu về văn hóa dân gian ở ngoại thành. Ông sống ở "khu tập thể đền Ngọc Sơn" từ năm 1963 cho đến năm 1972. Buổi sáng, ông đi bộ từ "khu tập thể" sang sở làm việc, trưa về nghỉ, đầu giờ chiều lại sang và hết giờ lại về. Nếu hôm nào báo cơm tập thể thì ông phải đi qua cầu Thê Húc 6 lần. Gần 10 năm sống ở đền Ngọc Sơn nên ông chứng kiến nhiều chuyện về rùa.
Nhà văn Nguyễn Dậu về sống ở "khu tập thể đền Ngọc Sơn" sau Lê Bầu. Năm 1964, Nguyễn Dậu chuyển công tác về Sở Văn hóa Hà Nội. Ông nhập hộ khẩu vào "khu tập thể đền Ngọc Sơn" và sống ở đây đến năm 1967 thì chuyển về khu tập thể khác của sở ở phố Hàng Gai.
Khẩn trương đưa cụ rùa lên chữa trị Chiều 1.3, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo hỏa tốc số 33/TB-UBND chỉ đạo việc chăm sóc, bảo vệ rùa hồ Gươm. Theo đó, TP yêu cầu Công ty thoát nước tiếp tục nạo vét bùn ven hồ (từ bờ ra 10m) hoàn thành ngày 20.3 và đặt 4 bè thủy sinh (mỗi bè 1x4m) khu vực hồ phía Hàng Khay, Thủy Tạ từ ngày 10.3; Công ty nước sạch tiếp tục bổ cấp nước vào hồ và đảm bảo nước an toàn cho rùa hồ Gươm; Sở Xây dựng lắp hàng rào cao 0,6m quanh khu vực tháp Rùa (hoàn thành trước ngày 5.3) để bảo đảm an toàn cho việc chữa trị rùa; ngày 3.3 hoàn thành thi công lắp đặt bể lưu giữ rùa. Trong trường hợp rùa không tự bò lên chân tháp Rùa sẽ dẫn bắt rùa về chân tháp Rùa bằng lưới mắt nhỏ, mềm không làm ảnh hưởng đến các vết thương trên thân rùa (việc gia công lưới bắt dẫn rùa hoàn thành trước ngày 3.3). Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức bẫy bắt rùa tai đỏ từ ngày 1.3. V.C |
"Bầy rùa đưa tang"
Là nhà văn làm công tác văn hóa lại sống ở hồ Gươm thẫm đẫm huyền tích, trong đó có truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm nên chuyện rùa đi vào ý thức Lê Bầu và Nguyễn Dậu rất tự nhiên. Khi còn sống, nhà văn Lê Bầu kể, thời ông sống ở "khu tập thể" thường xuyên tận mắt chứng kiến rùa bò lên đình Trấn Ba về đêm. Không chỉ rùa nhỏ mà có lần cả "cụ” rùa. Mùa hè, rùa bò lên thân cây si, lên bờ hóng gió nhưng hễ thấy tiếng động là ào xuống nước. Có lần Lê Bầu đã thấy bầy rùa đưa tang một con rùa đã chết mà ông khẳng định "còn tình cảm hơn cả con người".
Nhiều năm quan sát, nhiều năm sống cạnh rùa khiến ông có bài ký thú vị Rùa hồ Gươm. Trong bài ký, ông kể có lần ông nhìn thấy "cụ" rùa bị thương ở phía đường Lê Thái Tổ (gần tượng vua Lê). Khi đó Mỹ đang ném bom Hà Nội, thành phố vắng người nên ông không biết báo ai, mãi sau mới báo được cho ban quản lý hồ. Tuy nhiên, họ cho nhân viên khiêng "cụ" lên bờ rồi định bán cho khách sạn Phú Gia làm thực phẩm. May mà Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Trần Duy Hưng biết tin đã chỉ thị cho ngành y tế phải cứu chữa bằng mọi giá. Nhưng cuối cùng "cụ" rùa đã ra đi.
Nhà văn Nguyễn Dậu tuy chỉ ở "khu tập thể đền Ngọc Sơn" có 3 năm nhưng sau khi nghỉ hưu, ông làm thợ cắt tóc ở đền Bà Kiệu. Gần 10 năm dao kéo bên hồ Gươm đã cho ông nhiều hiểu biết về rùa. Trong tập truyện ký Rùa Hồ Gươm xuất bản năm 1991, Nguyễn Dậu kể rằng, ông phân biệt và đếm được trong hồ Gươm tới 17 "cụ" rùa.
Về chuyện cụ rùa bị thương, Nguyễn Dậu viết: Ngày 2.6.1967, một trận bão lớn tràn qua Hà Nội, mưa to làm nước hồ dâng lên mấp mé đường, một "cụ" rùa bị thương nổi lên gần số nhà 16 phố Lê Thái Tổ. Người ta đã dùng lưới đưa "cụ" lên bờ. Không biết ai báo tin nhưng lúc đó có mặt nhiều cán bộ của Sở Văn hóa, Sở Thủy sản, Công ty công viên. Tranh cãi nổ ra với 2 luồng ý kiến trái ngược, Công ty công viên muốn đưa về Bách Thảo để cứu chữa nhưng Xí nghiệp thủy sản lại muốn bán cho Công ty thực phẩm. Trong khi người ta bàn cãi và tranh luận đã để mặc "cụ" phơi nắng trên vỉa hè. Lúc thống nhất được ý kiến đưa cụ đi cấp cứu thì "cụ" đã tắt thở. Tiêu bản hiện nằm trong đền Ngọc Sơn chính là "cụ" này. Hai con khác bị bọn “rùa tặc” ngang nhiên bắt chở đi làm thịt. Nguyễn Dậu còn mô tả rất tỉ mỉ chuyện một đôi vợ chồng rùa làm cái chuyện bảo tồn nòi giống và đào ổ đẻ hàng trăm trứng.
Thêm ý kiến hồ Gươm không chỉ có một cụ rùa Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 15.2, đăng bài Hồ Gươm có 2 cụ rùa?, phản ánh ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Khôi (chuyên gia có 20 năm nuôi rùa và nghiên cứu về động vật rùa) đưa ra tại cuộc Hội thảo khoa học quốc tế bảo vệ rùa hồ Gươm về việc ít nhất ở hồ Gươm có 2 cụ rùa, chúng tôi đã nhận được thông tin phản ánh của một số độc giả Báo Thanh Niên về vấn đề này. Người thứ nhất là ông Lưu Đình Tân, 60 tuổi, nhà ở 83 ngõ 12 phố Đào Tấn, Hà Nội. Ông Tân đã đến tòa soạn Thanh Niên ở Hà Nội mang theo bức ảnh ông chụp về cụ rùa hồ Gươm thứ 2 và cho rằng ý kiến của ông Khôi về 2 cụ rùa hồ Gươm căn cứ vào 2 vệt tăm rùa chạy dài hàng trăm mét trên mặt hồ (ảnh đã đăng trên Báo Thanh Niên) là khá chính xác. Ông Tân cho biết, khoảng 6 giờ 30 sáng 29.9.2010, khi phát hiện được cụ rùa hồ Gươm thứ 2, ông cũng thấy một vệt tăm chạy thẳng dài như vậy.
Điều đặc biệt, ông Tân khẳng định cụ rùa thứ hai “trẻ” hơn nhiều so với cụ rùa thứ nhất, trên cổ và mai không hề có vết thương nào (tháng 8.2010 đã phát hiện một cụ bị thương - PV). “Khi tôi chụp bức ảnh này, cụ rùa ấy bò vào sát bờ, mũi và miệng rùa không nhọn như cụ rùa đang bị thương. Điều khác biệt rõ nhất là cổ, mũi và miệng cụ rùa thứ 2 có màu da cam rất tươi tắn, không bợt bạc như cụ rùa đang bị thương. Vì còn trẻ khỏe nên cụ rùa này bơi lội cực kỳ nhanh nhẹn, thoắt nổi lên, thoắt lặn xuống, ngỏng đầu nhìn lên bờ trông rất “hóm hỉnh”. Khi cụ bơi lặn, tăm rùa cứ sủi lên sùng sục thành vệt dài, khác hẳn với kiểu bơi lờ đờ của cụ rùa bị thương. Lúc cụ rùa nổi mai lên, tôi không kịp chụp hình, nhưng nhìn mai cụ còn xanh leo như màu núi đá, không hề có vết thương gặm nhấm. Tôi chỉ chụp được bức hình lúc cụ ngỏng đầu lên khỏi mặt nước khoảng 30 cm và biết chắc rằng đây là cụ rùa thứ hai vì có nhiều đặc điểm khác hẳn với cụ rùa thứ nhất”, ông Tân nói. Cung cấp thêm thông tin về cụ rùa thứ 2, anh Võ Nguyên Khôi, một độc giả ở TP.HCM đã điện thoại cho tòa soạn cho biết, cách đây hơn chục năm, khi ra học ở Hà Nội, lúc dạo chơi ven hồ Gươm, anh đã từng chứng kiến cảnh 2 cụ rùa nổi một lúc trên mặt hồ. Nhưng lúc ấy anh Khôi nghĩ rằng có người nói hồ Gươm phải có năm, sáu cụ rùa chứ không ít và vì không mang theo máy ảnh nên anh cũng không quan tâm tới việc này. Việt Chiến |
Nguyễn Ngọc Tiến
Bình luận (0)