Báo động đạo đức học sinh

03/03/2011 21:54 GMT+7

Tiếp sau bài viết phản ánh vụ một nữ sinh tại H.Đức Trọng, Lâm Đồng bị bạn đánh hội đồng, lột áo, quay video clip tung lên mạng, Thanh Niên ngày 3.3 tiếp tục có bài phản ánh Hai cô giáo bị học trò đe dọa khiến nhiều bạn đọc lên tiếng bức xúc trước đạo đức ngày càng xuống cấp của học trò.

Nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, thể lực của các em học sinh phát triển khá tốt, bước vào tuổi 15, 16, các em đã ra dáng thanh niên, thiếu nữ. Các em không những phát triển về thể chất mà cả tâm hồn cũng lớn theo. Bây giờ, các em 14, 15 tuổi đã yêu đương, nhận thức khá tốt cuộc sống. Nhận thức ở đây có hai mặt, tốt và xấu. Chính vì vậy, sự phạm pháp ở lứa tuổi học sinh cũng tăng lên mỗi ngày. Do đó, thiết nghĩ, các nhà làm luật nên suy tính lại độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Nên hạ độ tuổi xuống dưới 18 tuổi là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Học sinh cấp 3 đánh cô giáo, đánh bạn, gây thương tích là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội cố ý gây thương tích. Không thể cứ dưới 18 là trẻ vị thành niên rồi xử lý nhẹ… Luật có sức răn đe, có trừng phạt mạnh thì hành vi phạm tội mới giảm được. Ngô Thúy Vy (Đại học Luật, TP.HCM)

Trách nhiệm gia đình

Học sinh hỗn láo, coi thường thầy cô giáo, đánh đập bạn bè… ngoài trách nhiệm giáo dục của nhà trường, xã hội thì nguyên nhân sâu xa theo tôi xuất phát từ gia đình. Tôi thấy các bậc cha mẹ hiện nay thường quá nuông chiều con cái, dẫn đến việc con cái khi lớn lên sẽ không xem ai ra gì, kể cả thầy cô. Một đứa trẻ nếu được gia đình giáo dục cẩn thận, nền nếp, biết kính sợ cha mẹ thì khi đến trường cũng sẽ biết tôn trọng thầy cô. Học sinh cá biệt thì thời nào cũng có, nhưng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều và thường rơi vào những gia đình mà bố mẹ là người có chức có quyền, hoặc quá bận bịu công việc mà không quan tâm đến con cái. Theo tôi, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc giáo dục con em, đừng quá buông lỏng con cái đến khi xảy ra chuyện thì đổ lỗi cho xã hội. Nguyễn Vũ (Q.12, TP.HCM)

Có những em không còn đường “quay về”

Xưa nay, việc xử lý kỷ luật các em học sinh vi phạm đa phần dừng lại ở chỗ chiếu lệ nhằm giúp các em có đường để “quay về”, tiếp tục học tập, nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục, sửa chữa trong tương lai. Tuy nhiên, chính điều này vô tình khiến các em nhầm tưởng nhà trường “sợ” các em nên xử nhẹ dẫn đến chuyện “lờn mặt”, tiếp tục vi phạm. Do đó, thiết nghĩ, với những học sinh không còn đường “quay về” như Toàn, nhà trường và gia đình cần dứt khoát và thẳng tay giao cho cơ quan công an xử lý, hoặc là đưa đi trường giáo dưỡng, hoặc xử lý theo luật nhằm răn đe. Có như vậy mới mong “cứu” được nhân cách và tương lai cho các em. (vietnamdl99@yahoo.com)

 Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.