Thay đổi về xét tuyển trong kỳ thi ĐH-CĐ 2011: Vì quyền lợi của thí sinh

03/03/2011 23:08 GMT+7

Về mặt chủ trương, các trường đồng tình với những quy định mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, nhưng vẫn lo ngại những rắc rối sẽ phát sinh.

Cơ hội sửa sai cho thí sinh

Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Những thay đổi này là hoàn toàn chính đáng và hợp lý. Việc trường công khai thông tin và thí sinh (TS) có quyền thay đổi nguyện vọng (NV) khi đã nộp hồ sơ sẽ giúp TS có nhiều cơ hội hơn. Điều này càng hợp lý khi kỳ thi tuyển sinh theo hướng 3 chung, các em sẽ sử dụng được tối đa quyền của mình trong lựa chọn ngành nghề và trường học. Đây cũng là cơ hội cho các TS ban đầu lỡ chọn sai ngành và trường có thể chọn lại”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), nói: “Các thay đổi về việc xét tuyển NV2, NV3 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố về ý tưởng rất hay, có lợi hơn cho người học. Riêng về việc rút hồ sơ thì không nên, bởi sẽ rất lộn xộn và khó khăn cho các trường”.

 
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 năm 2010 - Ảnh Đ.N.T

Ngay cả các trường ngoài công lập cũng ủng hộ chủ trương này. Bà Ngô Thị Mỹ Lan - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Tất cả vì quyền lợi của TS. Trước đây, có nhiều trường hợp TS dù điểm cao nhưng do nộp vào ngành có điểm cao hơn nên không đậu. Tuy nhiên TS cũng nên bình tâm xem xét, từ từ nộp đơn, để tránh cảnh chạy đôn chạy đáo nộp hết trường này đến trường khác và để đỡ rắc rối cho các trường”.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo trường  ĐH Văn Lang, quả quyết: “Đây là chủ trương tốt, giúp TS có cơ hội hơn và cũng là cơ hội cho các trường để có thêm TS”.

Lúng túng khi thực hiện

Chủ trương thì rất tốt nhưng quá trình thực hiện chắc chắn sẽ rất nhiều phức tạp. Những cán bộ làm công tác tuyển sinh lâu năm của các trường dẫn chứng một số khó khăn có thể thấy trước mắt.

Về việc công khai số liệu tuyển sinh, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam lo ngại: “Công khai thông tin thường xuyên về số lượng hồ sơ xét tuyển trên website của trường sẽ tốt nếu TS nộp hồ sơ sớm và đều đặn. Trong trường hợp nhiều TS có tâm lý đợi tới giờ chót mới nộp hồ sơ thì việc thay đổi này sẽ không có giá trị gì. Bởi lẽ, đặt trường hợp có trường nào đó thời gian đầu lượng hồ sơ về quá nhiều khiến tâm lý của thí sinh lo ngại và rút hết hồ sơ hoặc ngược lại ban đầu số hồ sơ quá ít và thời gian cuối sẽ đổ xô về trường đó thì cũng như không”.                                          

Trong khi đó, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lại cho rằng: “Với các trường khó tuyển sinh thì dù kéo dài thời gian xét tuyển tình hình cũng không khá hơn. Còn việc công khai số liệu hồ sơ hằng ngày là rất khó, bởi hồ sơ có khi nhận trực tiếp tại trường, có khi qua bưu điện. Việc rút hồ sơ lại cực kỳ rối, nên rút thời gian nào cho hợp lý và các TS ở xa gửi qua bưu điện thì cách thức rút thế nào”. Ông Vũ nhấn mạnh: “Nếu quá cởi mở về thông tin sẽ làm cho việc xét tuyển NV2 dễ hơn thi tuyển NV1. Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất với các trường là tỷ lệ ảo sẽ cao”.

Theo ông Đinh Việt Hải - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), thì việc cho TS  rút hồ sơ là rất khó thực hiện. Ông Hải cho biết, việc hằng ngày các trường cập nhật và công khai thông tin thì hoàn toàn có thể làm được nhưng việc để cho TS rút hồ sơ sẽ xảy ra tình huống: Đêm đêm, TS phải chờ xem tin hoặc gọi điện cho người thân xem giúp thông tin. Sáng ra lại ào ào đến rút rồi lại ào ào đến nộp trường khác. Đằng đẵng 20 ngày, TS sẽ theo dõi rồi sẽ nộp vào rút ra liên tục thì trường không khác gì “sàn chứng khoán”.  Đặc biệt, đến ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển, khi các trường công bố thông tin  mà số hồ sơ vượt quá chỉ tiêu một chút là có thể xảy ra tình trạng TS đồng loạt đến rút hồ sơ. Khi ấy nhà trường sẽ lại thiếu chỉ tiêu. Đồng thời, việc cho rút sẽ làm thiệt thòi cho các TS ở xa. Ví dụ những TS nộp hồ sơ qua bưu điện khi  muốn rút nhưng ở xa thì bạn đến rút hộ được không? Thủ tục thế nào?

Vì vậy, ông Hải đề nghị nên quy định cụ thể có một hay 2 thời điểm để rút nhằm giúp TS chủ động được thời gian và nhà trường bố trí công việc cho phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, lo âu: “Việc TS được rút hồ sơ xét tuyển khiến công tác lưu trữ hồ sơ, dữ liệu dễ xảy ra sai sót hơn. Sẽ xảy ra trường hợp TS nộp đơn vào một trường rồi rút ra nộp vào trường khác. Sau đó, khi trường thứ hai công bố số lượng TS điểm cao, thấy mình không đủ khả năng đậu, TS này lại rút hồ sơ nộp lại vào trường thứ nhất. Điều này khiến dữ liệu tuyển sinh sẽ bị lộn xộn.

Đáng lưu ý, năm nay Bộ GD-ĐT quy định, TS đã trúng tuyển ĐH, nếu có NV học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có NV học để trường xét tuyển. Nếu thực hiện quy định này thì trường ĐH sẽ bị mất sinh viên. TS mang giấy báo trúng tuyển đi nơi khác và sử dụng còn  trường ĐH lại chờ họ nhập học. Như vậy, các trường buộc phải gọi thừa chỉ tiêu và không biết gọi thế nào cho đúng với chỉ tiêu được giao.

Vũ Thơ - Đăng Nguyên - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.