“Săn” đồ cũ

04/03/2011 12:08 GMT+7

(TNTS) Săn hàng hiệu giá rẻ là thú vui của không ít bạn trẻ sành điệu. “Tuần tới, tớ phải tham gia một event (sự kiện) về hội nghị khách hàng tại resort Long Hải, cần tân trang lại ngoại hình cho pro (chuyên nghiệp). Cậu có muốn tham gia cuộc hành trình săn hàng hiệu giá rẻ không?”. Nghe lời mời hấp dẫn từ Hải - một nhân viên thiết kế cho công ty nước ngoài, có trụ sở tại tòa nhà Opera View (Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) tôi không thể không nhận lời.

Thế là suốt hai ngày cuối tuần, chúng tôi rong ruổi trên mọi nẻo đường, góc phố của Sài Gòn để thỏa mãn thú đam mê mua sắm đồ cũ.


Chọn mua kính cũ - Ảnh: Trúc Quân

Đầu tiên là áo sơ mi, “tớ mê nhất là hiệu..., có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng kiểu dáng rất phù hợp với người VN, chất liệu khỏi chê, không bị ra màu, không biến dạng và không mất form (không bị co giãn sau khi giặt nhiều lần bằng máy giặt)” - Hải hồ hởi. Dạo một vòng các tiệm bán quần áo cũ trên đường Đinh Công Tráng (Q.1), chúng tôi tấp vào một tiệm quen của Hải, thấy khách quen, chủ cửa hàng lôi ra một đống các bao tải lớn chứa quần áo vừa nhập về, chưa kịp khui ra. Sau gần một giờ đồng hồ lục lọi, ngắm nghía, ướm thử, Hải tìm được chiếc áo ưng ý màu đen, mới 99% với giá 180 nghìn đồng.

Tiếp đến là giày, chúng tôi đến đường Tạ Thu Thâu (gần chợ Bến Thành) nơi bày bán la liệt các loại giày cũ, nhưng hôm nay Hải không tìm được đôi nào ưng ý. Người bán hẹn chờ một tháng để đặt hàng. Chúng tôi tạm nghỉ, tấp vào một quán cà phê cóc ven đường, Hải lấy máy gọi cho đồng nghiệp. 30 phút sau, anh bạn này xuất hiện, mang theo một bọc nylon đựng 3 đôi giày. Sau khi ướm thử, Hải nhanh chóng chọn đôi Bally màu nâu đất và thanh toán 2,1 triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của tôi. Hải giải thích: “Loại giày này nếu bán trong các showroom và trung tâm thương mại có giá từ 4 - 10 triệu đồng/đôi, tớ mua chưa tới nửa giá nhưng còn mới đến 99%. Tớ mang nhiều nên biết, giày rất bền và sang, khi cần thì thay đổi kiểu chứ không hư hỏng gì. Cậu bạn này có mối chuyên cung ứng giày cũ ngoại nhập giá mềm, mình sử dụng hàng của cậu ấy đã 5 năm nhưng vẫn không biết nguồn bán ở đâu, mặc kệ, đó là nghề tay trái của người ta, miễn sao mua được đôi giày ưng ý là thỏa mãn rồi”.

Hết trang phục lại đến phụ kiện như: ví, kính râm và dây thắt lưng. Những mặt hàng này được bán rất nhiều dọc hai con đường Lê Thị Hồng Gấm và Phó Đức Chính (Q.1) “Có ví nam Armani không em?”; “Hàng vừa về, anh cho 1 chai (1 triệu đồng) nhé!”. Nhưng sau một hồi mặc cả, Hải đã mua được chiếc ví bằng da thật chỉ với 200 nghìn đồng. Kính thì không bày bán trong tiệm, nên người bán trải chúng trên một tấm nylon nhỏ trên vỉa hè, vừa thử kính, Hải vừa ghé tai tôi thì thầm: “Hàng ở đây có nhiều xuất xứ lắm, chôm chỉa có, thanh lý có, đồ nhái có… vì vậy phải có kinh nghiệm. Mua hàng cũ là cả một nghệ thuật. Tớ phải quan sát kỹ hàng hiệu bán tại các trung tâm thương mại để dễ dàng nhận diện các đặc điểm của chúng. Đối với khách quen thì không bị nói thách nhưng nếu lần đầu tiên đến đây cậu phải cẩn thận, chỉ trả giá bằng 1/3 thôi”.

Kế hoạch mua sắm lần này có thêm chiếc quần jeans và chiếc thắt lưng tương xứng. Chúng tôi rẽ qua quận 5 đến đường Nhật Tảo. Quần jeans được treo rợp lối đi, khách mua hàng không được thử nhưng được lựa thoải mái, không mua cũng không sao, người bán vẫn vui vẻ cảm ơn tiễn khách. Không tìm được chiếc quần Levis như ý, chúng tôi quay trở lại đường Đinh Công Tráng, thật may, Hải đã tìm được chiếc quần vừa vặn với giá 350 nghìn đồng. Tôi cũng may mắn mua được chai nước hoa Hugo Boss 125 ml, còn 95% chỉ với 300 nghìn (loại mới 100% có giá 1,2 triệu đồng). Chọn quần xong, người bán lôi từ tủ ra chiếc thắt lưng CK kiểu dáng rất bụi, Hải thích mê nhưng tôi ngăn lại vì chiếc khóa đã ngả màu. “Cứ im lặng đi theo tớ, có hẳn những dịch vụ ăn theo loại hàng này, rồi cậu sẽ ngạc nhiên” - Hải trấn an.

Quần jeans may theo dáng người phương Tây nên hơi dài phần ống, người sử dụng phải cắt bớt lai. Hải rẽ sang đường Lý Chính Thắng, nơi chỉ có một tiệm duy nhất chuyên sửa quần jeans nhưng nhìn sự bề thế và lượng khách đông đảo tôi đã hình dung ra quy mô của nó. “Ngày mai tụi mình ghé lấy quần, mình chuyên sửa ở đây, những nơi khác không ăn thua, cậu chờ xem nhé, sau khi hoàn tất, bằng mắt thường không thể nào nhận biết chiếc quần đã sửa” - Hải nói.

Còn công đoạn cuối cùng là tân trang chiếc khóa thắt lưng, chúng tôi rồ máy chạy qua con hẻm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Có hai người đàn ông đang vận hành chiếc máy đánh bóng lư đồng, tay lem luốc dầu nhớt, họ nhanh chóng đón lấy chiếc thắt lưng như một phản xạ, 3 phút sau, chúng tôi nhận lại chiếc khóa sáng bóng với tiền công chỉ 5 nghìn đồng.

Chợ “nổi”, chợ “chìm”

Đồ cũ có nhiều tên gọi: hàng sida, hàng xôn hoặc hàng secon-hand… là những mặt hàng đã qua sử dụng, được thanh lý cho người có nhu cầu. Loại hàng này dành cho những người có thu nhập trung bình nhưng thích sở hữu hàng hiệu, ngoài ra cũng có người thu nhập cao đến đây để săn tìm hàng độc. Bạn bè Hải có chung sở thích xài đồ cũ, thậm chí họ còn lập ra Secon-hand Club (câu lạc bộ những người thích xài đồ cũ) để chia sẻ kinh nghiệm và khoe những món hàng độc vừa tậu được.

Mai Thy, một thành viên câu lạc bộ tâm sự: “Cu Bin nhà mình 6 tuổi, rất hiếu động, mỗi lần cho cu cậu mặc quần jeans hoặc quần short rất cực, bởi sau một hồi chạy nhảy chiếc quần sẽ  tụt xuống bẹn trông thật buồn cười. Mình đã trang bị cho nhóc một chiếc thắt lưng nhưng mỗi lần đi tè phải cởi ra rất khó khăn. Một lần lướt web, mình thấy trẻ em phương Tây mang dây đai quần rất tiện. Tuy nhiên, khi tìm đến các gian hàng bán đồ trẻ em trong trung tâm thương mại mình rất thất vọng bởi giá quá cao, một chiếc dây đai quần loại thường có giá 100 nghìn, loại tốt giá 500 nghìn đồng. Được một đồng nghiệp tư vấn, mình tìm đến khu bán đồ cũ cho trẻ em trên đường Nguyễn Hữu Cầu (gần chợ Tân Định), ở đây có một tiệm bán dây đai quần nhiều mẫu mã rất đẹp và điều quan trọng là tất cả đồng giá 50 nghìn đồng”.

Các trang web cũng là cái chợ thu nhỏ với những cuộc trao đổi, mua bán tấp nập. Tại chuyên mục “Thanh lý đồ cũ” trên các diễn đàn webtretho, lamchame dành cho các nữ nhân viên công sở rất đông người mua bán, thậm chí có ngày có tới hơn 10 nghìn lượt truy cập. Đồ cũ ở đây rất phong phú, gồm tất cả các vật dụng trong gia đình đã qua sử dụng như quần áo, giày dép, bàn ghế, giường tủ, bếp ga, xe máy, xe hơi, nhà cửa… với giá rất hữu nghị, trên phương châm: “Bán như cho, giao lưu là chính”. Mua hàng trên các diễn đàn này cũng cần có kinh nghiệm. Đa số các thành viên dựa vào kinh nghiệm chọn hàng và uy tín người bán (như thâm niên gia nhập diễn đàn, đã trao đổi hàng hóa nhiều lần, nơi mua bán tại nhà, giá không quá cao).


Công nghệ giặt và may lại giày cũ - Ảnh: Trúc Quân

Công nghệ làm mới

Vừa cặm cụi kỳ cọ đôi giày cũ trong chiếc thau xà phòng đã ngả màu, anh Tám, chủ cửa hàng bán đồ da cũ trên đường Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ, giày cũ khi nhập về phải trải qua quá trình làm mới rất công phu. Ban đầu, chúng được giặt sạch rồi đem phơi khô trong vài ngày, khi nắng gắt phải đưa vào nơi râm mát và nhét báo vào bụng giày hút ẩm, không được dùng máy sấy vì da dễ biến dạng. Phải đợi khi giày khô hoàn toàn mới được đánh xi, nếu vội vàng giày sẽ ẩm mốc, không bán được. Nếu bị bung tag (nhãn hiệu) phải may lại theo đường may và màu chỉ cũ.

Tranh thủ mua một ít áo kiểu nữ tại tiệm quần áo cũ trên đường Thạch Thị Thanh (Q.1), tôi lân la hỏi về nguồn gốc của chúng. Chị Tâm chủ cửa hàng không ngần ngại: “Hàng sida là đồ viện trợ của các nước phương Tây cho các nước có nhu cầu như Campuchia, Somalia… Từ đây, chúng được đưa về VN bằng đường bộ qua biên giới và tập kết tại Châu Đốc (An Giang). Gia đình tôi là dân buôn bán hàng sida đã nhiều năm nên luôn kiếm được hàng nước một”. Hải kéo tôi ra ngoài giải thích: “Hàng được đóng trong các kiện to được gọi là thồi. Ai mở thồi đầu tiên thì lấy được hàng mới, gọi là hàng  nước một. Chị Tâm là đầu nậu khét tiếng chuyên cung cấp hàng sida ở Sài Gòn. Một số đồ mới sau khi được “mông má” lại thì chuyển cho các shop thời trang của em gái trên đường Lê Văn Sỹ bán theo giá hàng hiệu, số còn lại chuyển cho em trai ở đường Hồ Xuân Hương hoặc đường Nhật Tảo bán với giá rẻ hơn (khoảng từ 50 nghìn đồng/cái). Cho nên chọn đồ phải có kinh nghiệm, nhiều chiếc áo đưa về nhà mới phát hiện bị rách, thủng hoặc mặc vài lần thì mục do ngâm thuốc tẩy nhiều quá”.

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.