Cảnh giác Trung Quốc, Nhật đẩy mạnh phát triển quân sự

05/03/2011 22:40 GMT+7

Nhật Bản đang thay đổi chính sách quốc phòng của mình do quan ngại sự gia tăng hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Ngày 2.3, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) phát hiện 2 phi cơ quân sự Trung Quốc bay cách quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) chỉ 55 km, theo AFP. Đây là lần áp sát nhất của máy bay Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư nhưng chưa xâm phạm vùng trời Nhật. Máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực trên khi chiến đấu cơ F-15 của Nhật xuất hiện nên không xảy ra va chạm gì.

Vào tháng 4.2010, một đội tàu ngầm và tàu khu trục Trung Quốc di chuyển trong vùng biển quốc tế gần các đảo phía nam của Nhật. Khi tàu tuần tra của Tokyo theo dõi đội tàu trên thì trực thăng Bắc Kinh xuất hiện, lượn lờ sát các tàu tuần tra. Nhật đã lên tiếng phản đối kịch liệt vụ việc. Theo tờ Yomiuri Shimbun, từ tháng 4-12.2010, JSDF điều F-15 đáp trả máy bay quân sự Trung Quốc, gồm cả máy bay hiện đại như Su-27 do Nga sản xuất, lượn gần vùng biển Nhật tổng cộng 48 lần, nhiều nhất kể từ năm 2005.

Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tàu tuần tra đến gần Senkaku/Điếu Ngư từ sau vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông hôm 7.9.2010, theo Kyodo News. Trong vụ đó, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) bắt thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng vì tình nghi ông này cố tình lái tàu đâm 2 tàu của JCG trên biển Hoa Đông. Lúc đầu, giới công tố Tokyo tuyên bố sẽ xét xử ông Hùng theo luật pháp, trong khi Bắc Kinh liên tục gây sức ép buộc thả người. Đến ngày 21.9, Nhật bất ngờ tuyên bố thả ông Hùng. Hành động này được xem là một thất bại lớn của Tokyo.


Trực thăng cùng tàu khu trục Shirane của Nhật trong cuộc tập trận chung ới Mỹ tháng 12.2010 - Ảnh: AFP

Sau khi ông Hùng được thả hơn một tháng, JCG phát hiện 2 tàu tuần tra Trung Quốc đến gần Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 24.10. Đến ngày 20.11, thêm 2 tàu ngư chính 310 và 201 của Trung Quốc đến gần quần đảo này. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Asahi Shimbun hôm 18.12, một quan chức giấu tên của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay nước này sẽ thường xuyên đưa tàu ngư chính đến khu vực trên và đang lập các phương án thách thức sự kiểm soát của Nhật đối với các đảo ngoài tỉnh Okinawa.

Hôm qua, 5.3, JCG lại phát hiện một tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư, theo AFP. 

Tập trung phòng vệ phía nam

Sau các sự kiện kể trên, Nhật nhiều lần bày tỏ quan ngại về sức mạnh đang lên của quân đội Trung Quốc cũng như thái độ ngày càng cứng rắn của nước này trong các vấn đề tranh chấp. "Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội, đẩy mạnh hoạt động nhưng lại thiếu minh bạch gây quan ngại cho chúng tôi", Reuters dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano nói.

Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội, đẩy mạnh hoạt động nhưng lại thiếu minh bạch gây quan ngại cho chúng tôi, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano
Trong Sách trắng quốc phòng 2010 được công bố hôm 10.9.2010, chỉ 3 ngày sau vụ va chạm tàu nói trên, Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố nước này vẫn cảnh giác sức mạnh quân sự của Trung Quốc. AFP dẫn Sách trắng cho hay tàu Trung Quốc đang gia tăng hoạt động trong khu vực, bao gồm cả trong vùng biển gần Nhật Bản. Sách trắng cũng đánh giá Bắc Kinh thiếu minh bạch trong các chính sách quốc phòng.

Ngày 17.12.2010, Nhật tiếp tục công bố chương trình quốc phòng mới, với chiến lược giảm lo ngại về nguy cơ từ Nga ở phía bắc và tăng cường phòng vệ phía nam để đối phó sự gia tăng quân sự của Trung Quốc, theo AFP. Chương trình mới đánh giá: "Trung Quốc hiện đại hóa quân sự và mở rộng hoạt động ở những vùng lãnh hải lân cận. Cùng với sự thiếu minh bạch về các vấn đề quân sự và an ninh, xu hướng này gây quan ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế".

Chương trình quốc phòng mới sẽ định hình cho chính sách quân sự của Nhật trong 10 năm tới. Theo đó, Nhật sẽ giảm 1/3 số xe tăng và khẩu pháo ở phía bắc, còn 400 chiếc mỗi loại. Tokyo sẽ dùng tiền tiết kiệm từ sự cắt giảm này cho việc đẩy mạnh khả năng phòng vệ của quân đội ở các đảo phía nam, gần với Trung Quốc. Nhật sẽ tăng từ 16 tàu ngầm lên 22 tàu, hiện đại hóa máy bay chiến đấu, nâng số tên lửa đánh chặn Patriot từ 3 lên 6 và tên lửa SM-3 cho tàu khu trục Ageis từ 4 lên 6.

Tờ The New York Times dẫn nguồn từ JSDF cho hay hiện nay lực lượng này thường xuyên điều máy bay F-15 tuần tra các vùng tranh chấp với Trung Quốc từ căn cứ ở Okinawa. Ngoài ra, nhằm tăng cường sức mạnh tại Okinawa và các đảo gần đó, JSDF đang xây dựng các trạm radar mới, khẩu đội chống tên lửa và tăng cường máy bay F-15 cho khu vực này. Tokyo cũng sẽ thêm nhiều tàu ngầm và tàu mang trực thăng, đồng thời đặt mua thêm chiến đấu cơ thế hệ mới của Mỹ.

Bên cạnh đó, Nhật đang thành lập cơ quan tình báo đối ngoại, theo kiểu MI6 của Anh, nhằm theo dõi Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo thư tín mật của Mỹ do WikiLeaks vừa tung ra.  

Vừa dựa Mỹ, vừa tự cường

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh hôm 4.3 thông báo ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2011 sẽ tăng 12,7%, lên tới 91,7 tỉ USD. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý cho rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tương đối thấp so với một số nước khác và lặp lại tuyên bố rằng nước này đẩy mạnh xây dựng quân đội không nhằm đe dọa ai. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chi tiêu quốc phòng thực tế của Bắc Kinh cao hơn nhiều so với con số chính thức. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara nhận xét: "Đó là một tỷ lệ cực kỳ cao đối với chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi rất lo lắng về việc số tiền này được dùng để làm gì".

Trước vụ va chạm tàu trên biển Hoa Đông, Chính phủ Nhật dưới thời cựu Thủ tướng Yukino Hatoyama có lúc lánh xa và thậm chí bất đồng với Mỹ về việc di dời căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Nhưng sau đó người kế nhiệm ông Hatoyama là đương kim Thủ tướng Naoto Kan xúc tiến lấy lại lòng tin của Washington. The New York Times dẫn lời giới phân tích cho rằng chính Trung Quốc góp phần đẩy Nhật gần với Mỹ hơn sau khi căng thẳng ngoại giao leo thang vì vụ thuyền trưởng Hùng. "Trung Quốc đã đi sai nước cờ trong năm ngoái và việc đó buộc đảng Dân chủ thực tế hơn trong các vấn đề an ninh khu vực. Chúng tôi không muốn quá phụ thuộc vào Mỹ nhưng vẫn cần nước này", The New York Times dẫn lời nghị sĩ Akihisa Nagashima nhận định.

Trong Sách trắng quốc phòng năm 2010, Bộ Quốc phòng Nhật nhấn mạnh lực lượng Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công vào nước này và thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại Nhật cần được bố trí ở những nơi chiến lược. Tokyo chỉ ra rằng tỉnh Okinawa là nơi có vị trí địa lý tốt hơn so với Hawaii và Guam để Mỹ có thể đối phó các tình huống khẩn cấp ở Đông Á.

Theo giới quan sát, Nhật đang muốn tăng cường quan hệ quân sự thân thiết và cân bằng hơn với Mỹ nhằm ràng buộc nước này với Đông Á, không để Washington bị xao lãng vì tình hình kinh tế khó khăn, 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq cũng như tình hình biến động trong thế giới Ả Rập. The New York Times đưa tin các nhà hoạch định 2 nước đang bàn về sự phân nhiệm vụ giữa lực lượng Nhật và Mỹ. Theo đó, lực lượng Nhật sẽ tập trung chống tàu ngầm, còn phía Mỹ tham gia những mặt trận khác.

Một lý do khiến Nhật vẫn cần sự cam kết của Mỹ trong khu vực là do nước này vẫn phải giới hạn hoạt động của lực lượng phòng vệ theo quy định của hiến pháp và khó khăn kinh tế. Tuy sở hữu một trong những lực lượng hiện đại nhất châu Á, Nhật vẫn thận trọng giữ JSDF hoạt động trong giới hạn để tránh gây phản ứng từ những quốc gia láng giềng từng bị nước này xâm lược vào đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, hiến pháp Nhật sau Thế chiến 2 quy định JSDF chỉ hoàn toàn vì mục tiêu phòng thủ. Cách đây 4 năm, Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe đã thất bại trong việc thay đổi hiến pháp và cho phép Tokyo xây dựng quân đội chính quy hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc và những tuyên bố có phần quá khích của nước này, dường như đã có quốc gia ủng hộ Nhật mở rộng sự hiện diện quân sự. The New York Times đưa ra bằng chứng là Hàn Quốc chỉ phản đối chiếu lệ chiến lược quốc phòng mới của Nhật. Giới quan sát nhận định giờ đây, Hàn Quốc xem Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa lớn hơn Nhật. "Chúng tôi cần một nước Nhật mạnh hơn để cân bằng an ninh khu vực", ông Park Young-june, chuyên gia về an ninh Nhật thuộc Đại học Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, nói với The New York Times. 

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.