Nhà sản xuất đau đầu vì tác quyền của CD, DVD ca nhạc tăng gấp đôi so với năm 2010 - Ảnh: D.L |
Tăng do thời giá
Trong xu thế giá cả các mặt hàng tiêu dùng đang tăng vọt thì việc tăng tiền tác quyền âm nhạc (trong một số lĩnh vực) theo lập luận của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là cần thiết. Bởi VCPMC chỉ đứng ra thu hộ tiền tác quyền cho người sáng tác.
Thật vô lý khi một ca khúc mới ra đời, ca sĩ chỉ là người thể hiện lại được hưởng lợi rất nhiều từ cát-sê biểu diễn, sản xuất băng đĩa…, trong khi người sáng tác thì chịu thiệt thòi hơn - Ông Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc VCPMC |
Sau tết, nhiều trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc đóng tác quyền cho các sản phẩm âm nhạc sắp phát hành, đặc biệt là các loại băng đĩa nhạc, đã bất ngờ khi thấy VCPMC đưa ra biểu giá mới. Cụ thể, mục sách nhạc, băng đĩa, đặc biệt là CD, VCD, DVD, mức giá tối thiểu như sau: 1 triệu đồng/bài/lần xuất bản (cho CD); 1,5 triệu đồng/bài/lần xuất bản (cho VCD, DVD). So với giá cũ năm 2010 thì tiền tác quyền này tăng gấp đôi. VCPMC đã nâng mức giá đúng ngay loại sản phẩm mà ca sĩ, nhà sản xuất thường sử dụng hiện nay là CD, VCD, đặc biệt DVD. Tiền tác quyền sản xuất băng video vẫn như cũ (250 ngàn đồng/bài/lần xuất bản). Tuy nhiên, sản xuất băng video ca nhạc hiện nay với ca sĩ, nhà phát hành là điều không thể vì chẳng có khách hàng nào dùng đến sản phẩm này.
Tương tự, các loại hình biểu diễn có tài trợ nhưng không bán vé, mức thu tác quyền được nâng lên từ 250 ngàn đồng thành 300 ngàn đồng/ca khúc/lượt biểu diễn. Điều đáng nói là hạng mục thu tác quyền dành cho khách sạn, khu nghỉ mát, trung tâm thương mại, vũ trường, quán bar… có sử dụng âm nhạc để kinh doanh lẽ ra có thể thu tăng hơn so với năm 2010 thì vẫn giữ mức giá cũ.
“Hiện băng đĩa nhạc đang bị in sang lậu tràn lan trên thị trường, chi phí đầu vào đều tăng nên nhà sản xuất sẽ khó khăn vô cùng. Tôi đề nghị VCPMC cần ngồi lại với RIAV, đài phát thanh, đài truyền hình, các công ty tổ chức biểu diễn để lấy ý kiến, sau đó mới xác lập biểu giá thu mới” - Ông Huỳnh Tiết, Ủy viên BCH Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Giám đốc Bến Thành Audio–Video |
Thu theo nhu cầu
Ông Đinh Trung Cẩn - Phó giám đốc VCPMC, cho biết việc tăng giá thu tác quyền một số hạng mục xuất phát từ nhu cầu thực tế. Ông Cẩn nói: “Biểu giá mới do VCPMC áp dụng từ ngày 1.1.2011. Đây là giá chúng tôi căn cứ theo thị trường. Hiện các công ty sản xuất băng đĩa nhạc cũng trả trực tiếp cho tác giả không thông qua VCPMC theo mức này. Riêng nhạc sử dụng làm quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh, mức thu tăng từ 20 triệu đồng/bài lên 30 triệu đồng/bài. Nhạc chuông, nhạc chờ trên internet vẫn giữ nguyên giá cũ. VCPMC đã nghiên cứu giá tác quyền thực tế mà các công ty sản xuất băng đĩa nhạc đã trả trực tiếp cho nhạc sĩ không thông qua VCPMC để xây dựng biểu giá mới này. Với việc tăng giá ở một số sản phẩm âm nhạc, chúng tôi hy vọng người sáng tác sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ tác quyền âm nhạc. Thật vô lý khi một ca khúc mới ra đời, ca sĩ chỉ là người thể hiện lại được hưởng lợi rất nhiều từ cát-sê biểu diễn, sản xuất băng đĩa…, trong khi người sáng tác thì chịu thiệt thòi hơn”.
Tăng tiền tác quyền âm nhạc là cần thiết nhưng tăng bao nhiêu thì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất với nhiều “nhà”, trong đó không thể thiếu nhà sản xuất băng đĩa nhạc, nhà đài, nhà sản xuất chương trình ca nhạc… để khi ra quyết định cuối cùng những đơn vị liên quan đều nhất trí ủng hộ như cách mà VCPMC đã từng làm trước đây.
Đỗ Tuấn - Dạ Ly
Bình luận (0)