Ông Ưng Viên bảo cách làm đẹp của các bà hoàng và cung tần mỹ nữ hoàn toàn bằng những thứ trong tự nhiên, không hề dùng bất cứ một thứ hóa chất nào nhưng hữu hiệu hơn nhiều so với các phương cách u - Mỹ hiện nay. Đơn giản và có hiệu quả nhất là bằng các chế phẩm từ cây tre.
|
Để chống dư thừa mỡ, nhất là vùng bụng, dùng kết hợp ba thứ: “trúc tạo”, “trúc nha” và “trúc nhự”. Ba thứ được trích lấy dịch, trộn ba thứ dịch ấy lại bôi lên xác trúc nhự đã lấy hết dịch. Đem chế phẩm này trải lên vạt giường tre, người nằm ép bụng xuống. Bên dưới, lấy than đốt lên xông, tốt nhất là dùng than ổi, thứ nhì là than đước.
Tác dụng: Làm săn cơ, khi cơ săn mỡ sẽ được đào thải qua hô hấp da; ba vị thuốc quý này còn làm ổn định mạch máu dưới hệ tiêu hóa, tác động đến hệ thần kinh thực vật, làm thông suốt kinh mạch, khiến cho cơ thể thon chắc, khỏe khoắn.
“Trúc nhự” là dịch tre non, cách lấy khá đơn giản, dễ nhất là cắt sâu vào thân cây tre non ở vị trí hai phần ba cây tre tính từ dưới lên, sau đó bẻ cụp cây tre xuống, cột vào vị trí bẻ cụp một dụng cụ (ống tre hoặc chai lọ) để hứng dịch. Sau một đêm đã có dịch chảy ra dùng được. Trúc nhự có mùi thơm rất dễ chịu, vì vậy mà cơm lam ngon hơn cơm thường. Lấy dịch “trúc tạo” và “trúc nha” phức tạp hơn, chủ yếu bằng phương pháp đốt nóng lên.
Làm đẹp cho phụ nữ còn có một loạt các chế phẩm khác từ tre dùng để xoa, bóp hoặc làm các món ăn từ “trúc nữ”, “trúc liêu giao”, “trúc phấn”, “trúc bì”... Nhiều chế phẩm từ tre đặc trị bệnh phụ khoa cũng góp phần cho việc làm khỏe làm đẹp nữ giới.
Dân quê miền Trung mỗi khi bị sốt nóng lạnh thường lấy một đoạn tre tươi đốt lên hứng lấy nước uống. Ông Ưng Viên nói, thứ nước đó là “trúc lịch”, có tác dụng trị bệnh hư hỏa (cơ thể sốt cao nhưng trong người lạnh run) và chứng viêm sinh thực nữ... Dân gian băm cả đoạn tre bỏ vào ấm sắc uống cũng hạ được sốt. Cũng có thể băm nhỏ đoạn tre, gồm cả mắt, nướng lên ép lấy nước, cũng có tác dụng tương tự, thứ này gọi là “trúc lịch sái”.
Nếu là tre non nướng chín vắt lấy nước, gọi là “trúc liêu giao”, được dùng để bào chế mỹ phẩm, làm gia vị ăn uống, hương liệu xông. “Trúc liêu giao” kết hợp với trầm hương thiên nhiên, chè, nếp dùng để trị chứng đau một bên đầu, xây xẩm kinh niên, huyết áp cao lẫn huyết áp thấp, chứng tỳ vị hư hàn ẩu thổ ẩu tả. Nó cũng có thể dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để trị chứng liệt dương, lãnh cảm, trị bệnh tim và thống phong.
Măng vòi tre đài nướng vắt lấy nước gọi là “trúc thượt”. “Trúc thượt” phối hợp với mật ong, chè và trầm hương tự nhiên dùng bào chế thuốc trị các chứng ung nhọt độc, mạch lươn (rò hậu môn) ở phụ nữ.
Nhánh tre đài chỉ có gai mà không có lá, có măng nứt ra, cả nhánh tre này gọi là “trúc lự”, dùng bào chế thuốc trị ban và thương hàn.
Cái vỏ tre cũng hữu dụng không kém. Phần ngoài cùng là “trúc phấn”, dùng làm mỹ phẩm, thuốc sát trùng và điều kinh nữ. Bóc đi lớp trúc phấn, còn lại là “trúc bì”, cũng dùng làm mỹ phẩm, làm thuốc trị vết thương và làm dịch bôi cho sinh thực nữ.
Ruột tre tươi gọi là “trúc ẩn”, chuyên trị bệnh phụ nữ (huyết trắng, nấm ký sinh...), có thể hấp cơm hoặc chưng với đậu đen. Ruột tre sau khi chưng với đậu đen, bào chế thành thuốc bôi hoặc dùng nấu canh với cá, phụ nữ ăn rất tốt. Ruột tre ngâm muối gọi là “trúc diêm”, ngoài việc chữa bệnh phụ khoa còn dùng bào chế thuốc trị viêm họng, trị liệt dương.
Hoa tre, gọi là “trúc ba” hoặc “trúc cái”, là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Trong hai loại tre làm dược liệu, chỉ có tre mỡ ra hoa, còn tre gai thì không (trong các loài tre khác có loài ra hoa quanh năm nhưng không có tác dụng chữa bệnh). Tre mỡ thường sống đến 60-70 năm, cây nào tồn tại đến cuối đời đều ra hoa, sau khi ra hoa thì tre sẽ chết.
“Trúc ba” là vị thuốc cấp trị hen suyễn, làm cắt cơn cho những người bị hen suyễn nặng. Nó còn đặc trị bệnh hôi miệng, chế phẩm thuốc từ hoa tre dùng ngậm trị được bệnh amidale đã viêm mủ mà kháng sinh không còn tác dụng. Đặc biệt, hoa tre xông cùng với trầm hương thiên nhiên có thể tái tạo khứu giác của người bệnh.
Như đã đề cập, cả cây tre có hoa (trừ hoa) đều được gọi là “trúc thạch”, nhưng nếu dùng toàn thân cây tre này, kể cả hoa, băm ra sắc thành thuốc, gọi là “trúc ngọc lộ”. “Trúc ngọc lộ” phối hợp với một số dược liệu khác bào chế thành thang thuốc chữa được căn bệnh “Lục mạch tuy đều hình nhục thoát tử vô sầu tuyệt” nan y nói ở phần trước.
Về căn bệnh nan y thứ hai “tam quan tuy tuyệt uất đàm bạo nộ”, có thể dùng “trúc nữ”, “trúc liêu giao”, “trúc liên hổ” bào chế với một số thảo dược khác, tất cả không quá 12 vị, nhưng các vị từ tre vẫn là vị quân (vị thuốc chủ đạo) để chữa trị.
“Trúc liên hổ” là chất thải trên mặt đất của một giống trùn ở dưới đất giữa bụi tre, chuối và mít. Ngoài công dụng nói trên, nó cũng được dùng hầm với thịt bê (lao nhục tử) có thể phối hợp trị bệnh lao sác.
Trong một bụi tre thường có những cây tre đực săn chắc, thường được chọn làm cán cuốc, làm đòn gánh, đòn xóc hoặc đan lát những dụng cụ lâu bền. Sở dĩ gọi là tre đực vì nó chỉ đứng một mình, dưới gốc không mọc măng, trên cây không có măng vòi. Cái mắt nào của tre đực bị côn trùng đục làm hỏng biến thành một cái rốn lõm sâu vào, cái mắt đó gọi là “trúc thị”. “Trúc thị” dùng làm thuốc trị ban, làm tan huyết khối và làm mỹ phẩm.
Đối với các dược liệu trị bệnh từ cây tre, dân tộc ta có hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, cho nên dân gian sử dụng rộng rãi tre trong ăn uống và chữa các bệnh thông thường, chỉ có lợi chứ hoàn toàn không có hại gì cho sức khỏe, vì toàn bộ cây tre không có bộ phận nào độc hại. Tuy nhiên, các vị thuốc từ tre bào chế cùng với các dược liệu khác để đặc trị, nhất là đặc trị các bệnh nan y, nhất thiết phải do thầy thuốc giỏi thực hiện, vì mặc dù tre không độc hại, nhưng do sự tương tác giữa các dược liệu với nhau, nếu không bào chế đúng cách đúng liều đúng lượng có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn. (Còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)