Hủy hoại rừng thông bằng chất độc

08/03/2011 14:20 GMT+7

(TNO) Người ta không chỉ ken gốc mà còn dùng cả chất độc để nhanh chóng diệt những cánh rừng thông dọc tuyến đường ĐT 723 (cung đường xanh mới mở nối TP Đà Lạt - TP Nha Trang), thuộc địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng)…

Thông chết đứng hàng loạt

Hầu hết diện tích rừng ở dọc khu vực này là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và một số diện tích rừng sản xuất. Thế nhưng hàng ngàn cây thông vài ba chục tuổi ở đây đang chết đứng hoặc bị chặt hạ khiến nhiều người xót xa.

Dọc tuyến đường ĐT 723 xuất hiện nhiều cánh rừng “da beo” (cây chết, cây sống xen kẽ) và những ngọn đồi trơ trọi. Theo chân một cán bộ Ban lâm nghiệp xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), chúng tôi đến tiểu khu 118, trên phần diện tích đã giao cho doanh nghiệp Thành Văn (Đà Lạt), thì nhìn thấy hàng loạt dấu hiệu hủy hoại, xâm hại rừng thông ở đây. Thông bị chặt hạ chất thành nhiều đống, cũ có, mới có cùng hàng chục gốc thông trơ ra, nhiều gốc còn ứa nhựa. Điều đáng nói là sự việc chẳng phải xảy ra trong rừng sâu hay một nơi xa xôi nào, mà nằm ngay bên cạnh đường lớn, nơi người và xe cộ qua lại cả ngày lẫn đêm.


Gốc thông bị cưa hạ còn ứa nhựa - Ảnh: Gia Bình

Ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, ngoài việc ken gốc, đốt, còn xuất hiện dấu hiệu dùng hóa chất, chất độc để diệt thông (vạt gốc, đục rồi đổ thuốc vào). Riêng tại tiểu khu 118, ngoài những cây đã bị chặt hạ còn có hơn 250 cây thông khác bị ken gốc, đổ hóa chất chết đứng.

“Cây thông bị ken gốc sẽ chết dần chết mòn và 2- 3 năm cây mới chết hẳn. Còn dùng hóa chất thì cây sẽ chết nhanh hơn và cả gỗ cũng không sử dụng được. Ken gốc thì cây chết từ dưới lên. Còn ở đây hàng loạt cây chết từ trên xuống nên nhất định là có dùng hóa chất, nhưng chất gì thì cần điều tra mới biết được”, ông Án cho hay.

Mới đây, khi thực tế kiểm tra, chứng kiến thông bị triệt hạ hàng loạt tại khu vực này, ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định: “Việc thông bị chặt hạ, ken gốc, bỏ thuốc ở đây là hiện tượng hủy hoại rừng. Trước mắt, cần xem xét thu hồi dự án. Còn ai liên quan đến việc rừng thông bị chết thì phải điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu hủy hoại rừng sẽ khởi tố…”. Hiện chưa rõ động cơ phá rừng hàng loạt nêu trên.         

Trách nhiệm của chủ đầu tư ra sao?

Dọc tuyến đường ĐT 723, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, có hơn 30 dự án được cấp phép đầu tư vào các lĩnh vực du lịch sinh thái, sản xuất nông lâm kết hợp, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng với tổng diện tích được giao hơn 4.500 ha. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có ý thức chăm sóc, quản lý, bảo vệ và trồng rừng để rừng ngày một phủ xanh hơn.

Ông Ya Tiong - Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho hay, trên địa bàn xã có 10 công ty thuê đất rừng với hơn 1.000 ha.

“3 - 5 năm qua, nhiều đơn vị chưa làm gì ngoài việc xây dựng cơ bản, ủi đường và cũng không thấy triển khai trồng rừng, mà chỉ toàn rào đất, trương bảng thôi. Mỗi năm địa phương tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng một lần. Thế mà 3 năm qua, tôi không thấy mặt mũi giám đốc doanh nghiệp nào; toàn là bảo vệ hoặc người đại diện đến” - ông Ya Tiong bức xúc.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến phá rừng, theo ông Ya Tiong, là những năm qua, nhiều dự án không triển khai và quản lý bảo vệ không tốt, để người ta vào chặt phá, lấn chiếm đất mà không biết. Những dự án này tỉnh cần thu hồi, không nên để lâu. Ông Phạm Văn Án cho biết thêm, tiến độ triển khai dự án ở dọc tuyến đường này rất chậm và đang có dấu hiệu giữ đất. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần rà soát chính sách thu hút đầu tư để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp, phải gắn nhà đầu tư với chính quyền cơ sở để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.

Công an tỉnh vào cuộc

Trước sự việc trên, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã yêu cầu Ban thường vụ huyện ủy Lạc Dương chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, đánh giá toàn bộ việc quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, nhất là dọc tuyến đường ĐT 723, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã, chủ quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm ở những nơi để xảy ra phá rừng; rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn có liên quan đến rừng, đất rừng, đề xuất UBND tỉnh xử lý đối với các chủ dự án vi phạm.

Thường trực Tỉnh ủy cũng giao Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và UBND huyện tiến hành khởi tố, điều tra, xác minh, kết luận rõ trường hợp dùng rìu, búa đục thân cây và dùng hóa chất làm chết hàng loạt cây thông 3 lá trên diện tích rừng, đất rừng giao cho Công ty TNHH Thành Văn và các vụ vi phạm khác có liên quan.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.