Nên tôn trọng di tích

08/03/2011 00:19 GMT+7

Nhiều ý kiến của bạn đọc bức xúc trước việc đối xử với di tích lịch sử cấp quốc gia sau khi đọc bài viết Thành cổ Sơn Tây tiếp tục được xây mới đăng trên Thanh Niên ngày 7.3.

Không phân biệt được

Tôi nghe câu nói này đã lâu, nay ngẫm lại và áp dụng trong trường hợp này thật là hay: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại”. Đã không phân biệt được trùng tu và sửa chữa, xây mới thì đừng có làm. Tại sao lại có kiểu làm việc trong lĩnh vực văn hóa mà lại kém văn hóa đến vậy? Họ làm bừa bãi, phá hoại như thế nhưng tại sao không thấy các cơ quan nào xử lý, hoặc ít nhất cũng yêu cầu dừng lại, xử lý...? Phải chăng trong vụ việc này còn có gì khuất tất bên trong? Minh Thư (TP Phan Thiết, Bình Thuận)

Trùng tu phải trên nền tảng lịch sử

Biết nói thế nào đây về những con người đang thực hiện công việc mà họ cho là trùng tu di tích. Du khách đến tham quan di tích không phải vì nó mới, nó đẹp, có đèn xanh đỏ giăng trước cổng mà là muốn nhìn thấy những viên đá, những lát gạch trường tồn với thời gian, với lịch sử hay nhìn những vết đạn bom, rêu phong bám vào tường thành cổ... Hãy làm ơn hiểu giúp cho điều này. Bành Đại Vinh (Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM)

Sơn Tây hay... sơn nước?

Nói vui, không chừng sau này, các nhà làm văn hóa ở Sơn Tây còn dám mang sơn nước quét lên thành Sơn Tây theo kiểu trùng tu quái gở này của họ cũng nên. Với cách hiểu, tư duy văn hóa cấp... huyện như vậy, biết đâu đó, chuyện này sẽ thành hiện thực. Lúc đó, di tích ngàn năm lịch sử sẽ biến thành di tích... 1 ngày, 1 tháng, 1 năm. Thật lố bịch và đáng buồn. Vài chục năm nữa, khi đưa con cháu đến thăm di tích lịch sử này, biết trả lời với con cháu thế nào về những bức tường xây mới? Về chiếc cổng mới? Về những hàng cây cổ thụ đã bị chặt bỏ nơi đây? Ai trả lời được câu hỏi này? Huỳnh Duy Thịnh (Tam Kỳ, Quảng Nam)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.