Những người hoạt động phong trào Đoàn ở Quảng Trị không hề xa lạ với họ bởi cả 2 đang nắm giữ chức vụ chủ chốt của 2 huyện Đoàn. Đó là đôi trai tài gái sắcTrần Vũ Minh (SN 1978) và Hồ Thị Thu Hằng (SN 1979). “Nếu không cùng hoạt động Đoàn, có lẽ chúng tôi đã không gặp nhau và không có ngày hôm nay”- Anh Minh nói trong hạnh phúc.
|
Họ gặp nhau lần đầu tiên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Thời gian 5 tháng quả ngắn ngủi, khi người con trai của vùng đồng đất Cam Lộ đã hoàn thành khóa học, trở về quê mà chưa kịp ngỏ lời với “đóa hoa rừng” mang dòng máu người PaKô. Bẵng đi 2 năm sau, anh Minh về công tác ở Huyện Đoàn Cam Lộ. Trong một dịp gặp mặt cán bộ Đoàn cơ sở tỉnh Quảng Trị, họ lại nhận ra nhau. Chị Hằng nay đã là đồng nghiệp của anh và đang công tác ở Huyện Đoàn vùng cao Hướng Hóa. Chị bắt đầu cảm mến chàng trai đen ngăm và hăng hái đi đầu trong nhiều hoạt động Đoàn. Anh cũng bắt đầu nhớ thương “cô bé” nhỏ con, trắng trẻo nhưng rất “có lửa” trong mọi phong trào thanh niên nơi huyện vùng cao.
Qua bao cách trở về địa lý, họ đã đến với nhau. “Chúng tôi đã có chút đắn đo vì ai cũng biết làm công tác Đoàn khá vất vả, phải hy sinh nhiều thứ mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Nên trong nhà có tới hai người là “thủ lĩnh Đoàn” thì khó khăn có thể nhân đôi...”- đan những ngón tay thon dài vào nhau, chị Hằng thổ lộ. Nói là nói vậy nhưng cuối năm 2004, họ chính thức thuộc về nhau và 2 năm sau một cậu nhóc kháu khỉnh đã ra đời.
Từ đây, cuộc vật lộn để làm sao vừa cống hiến cho phong trào Đoàn vừa chăm lo cho gia đình ấm êm của đôi vợ chồng trẻ cũng chính thức bắt đầu.
Làm việc cách nhau hơn 40 km, anh Minh là Phó bí thư Huyện Đoàn Cam Lộ, chị Hằng cũng vừa có quyết định bổ nhiệm làm Bí thư Huyện Đoàn Hướng Hóa. Làm phong trào đâu phải cứ ngày 8 tiếng như các cán bộ công sở, thành thử cố gắng lắm, 2 tuần gia đình mới đoàn tụ một lần. Khi thì ở nhà ông bà nội ở Cam Lộ, khi thì nhà ông bà ngoại ở Hướng Hóa. Là đàn ông, đôi lúc anh Minh cũng chạnh lòng vì có vợ mà suốt ngày phải ăn cơm bụi hoặc mì tôm, áo quần tự giặt. Còn với chị Hằng, vì đặc thù địa hình vùng cao, thường xuyên phải đi cơ sở nên không biết bao đêm chị chập chờn giấc ngủ nơi bản làng xa xôi với mối lo không biết giờ này chồng con ăn ngủ thế nào. Kể cả thằng nhóc con của anh chị cũng phải chịu thiệt thòi, bởi những lúc bị bệnh, bố mẹ cũng chưa chắc sắp xếp kịp công việc để về ngay mà bế bồng, chăm sóc.
“Hoạt động Đoàn, giao lưu nhiều nên chuyện vợ chồng phải có niềm tin tuyệt đối với nhau. Hãy quên đi chuyện đi sớm về muộn, quên đi những lần chếnh choáng men say và cả chuyện ghen tuông nữa, may ra mới vững bền được”- anh Minh nhìn vợ, cười trìu mến.
Rồi bao nhiêu vất vả cũng dần qua, tiếp chúng tôi trong gian nhà mới cất ở khu phố 3 (thị trấn Cam Lộ), anh chị cho biết từ nay đã có tổ ấm riêng và ít phải phiền lụy nội ngoại nữa. Họ tâm sự, dẫu có khó khăn nhưng vợ chồng cùng làm Đoàn cũng có không ít thuận lợi, nhất là khi cả hai cùng tâm huyết. Anh Minh còn nói vui với chúng tôi rằng, kể cả khi đầu ấp tay gối anh chị vẫn đem chuyện hoạt động Đoàn của huyện mình ra để thảo luận, góp ý cho cùng tiến bộ !
Một điều dễ hiểu ở gia đình “Đoàn -Hội” này là không mấy khi bếp trong nhà đỏ lửa, nhưng thật may ở họ, “lửa” của trái tim yêu thương vẫn cháy. Tình cảm đó không chỉ dành riêng cho nhau mà còn hướng đến nhiều cái chung cho phong trào Đoàn nữa...
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)