Nhân lực địa phương còn thiếu

09/03/2011 18:26 GMT+7

(TNO) Ngày 8.3 và 9.3, chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên đã lần lượt đến với thí sinh tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi, với rất nhiều câu hỏi xoay quanh nhu cầu nhân lực.

Khát nhân lực địa phương

Mở đầu buổi tư vấn tại Bình Định, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Bình Định có 49 trường THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Bình Định cũng là tỉnh có số thí sinh dự thi ĐH-CĐ lớn thứ năm trên cả nước (sau Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Thanh Hóa). Trong năm 2010, với gần 23 ngàn thí sinh tốt nghiệp THPT, có tất cả gần 37 ngàn lượt thí sinh dự thi ĐH-CĐ (nguồn: Bộ GD-ĐT). Vì hiện nay kết quả 3 môn thi tuyển sinh gần như là tiêu chí duy nhất để xét tuyển vào các trường ĐH có tổ chức thi nên chúng ta sẽ xem xét kết quả điểm bình quân 3 môn thi (ĐBQ3MT):

   Số thí sinh dự thi   ĐBQ3MT
 Toàn quốc  1.123.646  11,13
 Tỉnh Nam Định (xếp thứ nhất)  34.716  12,65
 Tỉnh Hà Giang (xếp chót)   3.837  7,98
 TP Hồ Chí Minh (xếp thứ 9)  80.922  11,98
 TP Hà Nội (xếp thứ 2)  91.987  12,43
 Tỉnh Bình Định (xếp thứ 43)   36.556  10,22

Nếu lấy ĐBQ3MT để xếp hạng các trường THPT trên cả nước thì Trường chuyên Lê Quý Đôn của Bình Định xếp thứ 20 (ĐBQ3MT 19,08), trường THPT Quốc Học xếp thứ 166 (13,55); Trường THPT Tuy Phước 1 xếp thứ 493 (11,57), THPT Nguyễn Diêu xếp thứ 868 (10,52)…

Trong khi đó, Bình Định có 2 trường ĐH là trường ĐH Qui Nhơn và trường ĐH Quang Trung, có 2 trường CĐ là trường CĐ Bình Định và trường CĐ Y Tế, 28 cơ sở dạy nghề từ cao đẳng nghề đến trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ở Qui Nhơn khoảng 10.000, CĐ là trên 2.200. Như vậy, các trường ĐH, CĐ, trên địa bàn không đủ chỗ để đáp ứng được hết nhu cầu nguyện vọng học tập của thí sinh trong tỉnh.

* Học ngành Công nghệ môi trường về làm việc ở Bình Định có tiềm năng không? Ra trường làm việc ở đâu? Mức lương thế nào?

Th.S Lê Văn Phùng - Phó Trưởng phòng đào tạo trường CĐ Tài nguyên môi trường: Biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra trên toàn cầu nói chung và VN nói riêng. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường là một trong những ngành “hot” nhất hiện nay. Khi ra trường, các em sẽ lấy bằng cử nhân, làm việc tại các Sở Tài nguyên -Môi trường (TN-MT), Phòng TN-MT.

TS. Lê Anh Duy - Trưởng Ban tuyển sinh trường ĐH Sài Gòn: Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường cung cấp kiến thức và kỹ năng thẩm định mức độ ô nhiễm đất, nước, tiếng ồn… của các cơ quan xí nghiệp ra môi trường và đưa ra biện pháp khắc phục, ngăn ngừa. Ra trường có thể làm tại phòng TN-MT, sở TN-MT, công ty môi trường, đơn vị tư vấn môi trường, bộ phận tư vấn môi trường các doanh nghiệp. Nhu cầu thực tế của ngành này đòi hỏi kiến thức, kỹ năng thực tế nhưng vừa qua các trường đào tạo lí luận nhiều hơn. Các trường đang dần thay đổi chương trình học để phù hợp với thực tế hơn. Các em có thể thấy, nước nào càng phát triển càng chú trọng đến môi trường.

TS Nguyễn Văn Nam - Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng: Ngành này tại trường thi khối A, B, tổng chỉ tiêu 3.500. Điểm chuẩn hằng năm bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Việc làm của ngành này cũng như nhiều ngành kinh tế, tại các khu công nghiệp như khu vực của ĐH Lạc Hồng, không bao giờ lo thiếu việc.

* Em học TCCN liên thông lên ĐH, CĐ của ĐH Phạm Văn Đồng được không? Lấy bằng chính quy hay tại chức?

Ông Phạm Nghi - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH  Phạm Văn Đồng: Trường có liên thông từ TCCN lên CĐ, ĐH và cũng có cả hệ chính quy và vừa làm vừa học. Em học hệ nào thì sẽ lấy bằng theo hệ đó.

Ngành nào thu nhập cao?

* Sau 5 năm nữa, ngành nào dễ kiếm việc làm và thu nhập cao?

Ông Nguyễn Ngọc Diện - Chánh văn phòng trường ĐH Công nghệ SG: Đây là điều nhiều phụ huynh và học sinh trước khi đăng ký hồ sơ thường băn khoăn. Phải có nhiều thông tin, tư vấn từ nhiều ngành nghề mới đánh giá được. Ngành kỹ thuật (cơ khí, điện tử viễn thông…) là ngành cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Bính - Trưởng phòng Công tác HS-SV trường ĐH Hùng Vương: Trước đây ngành CNTT dễ kiếm tiền, nhưng những năm gần đây ngành Kinh tế lại thu nhập cao hơn. Điều này cho thấy khó nắm bắt được nhu cầu xã hội. Nhưng dù ngành nào, SV biết vận dụng kiến thức và kỹ năng các trường trang bị vào chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp công việc đều sẽ thành công, có thu nhập cao. Khó ai có thể trả lời ngành nào cao nhất, cái chính là năng lực của SV.

* Nếu không đậu tốt nghiệp THPT, có thể thi vào trường nào? Mức học phí?

Ông Võ Thanh Thiên Trụ - Chuyên viên tư vấn trường ĐH Bình Dương: Hiện nay con đường vào ĐH rất rộng. Nếu không đậu tốt nghiệp THPT, các em có thể học TCCN khoảng 2 năm 3 tháng, sau đó liên thông lên CĐ, ĐH.

* Học xong TCCN có thể liên thông được không? Học bao lâu có thể liên thông ĐH?

TS. Phạm Phi Yên - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh CĐ Kinh tế công nghệ: Các em học TCCN, đạt kết qủa khá có thể liên thông thẳng lên CĐ, ĐH. Nhưng không đạt được kết quả khá thì phải đi làm 1 năm rồi mới có thể liên thông. Nếu học liên tục, các em phải mất 4,5 năm.

* Đọc thông tin tuyển sinh, các trường yêu cầu bằng Toefl hoặc IELTS, học ngoại ngữ ở trong trường hay bên ngoài?

Ông Phạm Đức Quỳnh - Chuyên viên tư vấn trường ĐH Quốc tế SG: Một số trường quy định có cấp độ Tiếng Anh. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, SV khi vào học được đào tạo miễn phí từ căn bản đến khi đạt TOEIC 500.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Đó là yêu cầu tiếng Anh đầu ra, còn tiếng Anh đầu vào, trừ các trường liên kết quốc tế yêu cầu tiếng Anh, đa phần các trường khác không yêu cầu.

* Thi tuyển vào các trường công an, quân đội như thế nào?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Các trường Công an, Quân đội đều yêu cầu sơ tuyển về lý lịch, sức khỏe, giới tính. Hồ sơ được phát hành theo Huyện đội, CA huyện… Theo quy định, kết quả sơ tuyển sẽ được công bố trước 31.3 để các em không được sơ tuyển nộp hồ sơ vào các trường khác. Nếu trúng tuyển, các em phải học như một người quân nhân thực thụ.

* Em rất thích làm ca sĩ nhưng ít biết về kiến thức âm nhạc? Thi ở đâu?

TS Lê Anh Duy - Trưởng Ban tuyển sinh trường ĐH Sài Gòn: Hiện nay trường có đào tạo ngành m nhạc, trong đó có Thanh nhạc. Khi thi vào các em phải thi Năng khiếu (Thẩm âm, tiết tấu, thanh nhạc). Nếu có năng khiếu về âm nhạc thì các em nên thi, không thì không nên thi vào. Để tạo điều kiện, trước khi thi trường có hướng dẫn cách thể hiện có hiệu quả năng khiếu. Ra trường, SV có thể làm việc tại dàn nhạc, trường văn hóa âm nhạc, đội âm nhạc, ca sĩ… Các em có thể đi chuyên về âm nhạc (làm ca sĩ…), hoặc làm giảng viên âm nhạc.

Th.S Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt: Các em cần có năng khiếu cộng với kiến thức về âm nhạc. Sau đó, cần có đam mê. Đây là những điều thuận lợi để vượt qua kỳ thi, đạt được thành công.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Ban tư vấn tuyển sinh trường CĐ Nguyễn Tất Thành: Với những môn Năng khiếu, các em cần xem mình có yếu tố di truyền không, có được sống trong môi trường âm nhạc không. Quyết định vẫn xuất phát từ nỗ lực bản thân. Nếu chỉ thích hát vu vơ, chưa có đam mê thì cũng chưa nên thi ngành này.

* Em chưa nắm rõ ngành Hóa Dược, khác ngành Dược thế nào? Trường nào có ngành này?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Ngành Dược được đào tạo nhiều trường ĐH, xin lưu ý nhưng xem trong Những điều cần biết vì có trường thi khối A, có trường thi khối B. Trong khi đó, ngành Hóa Dược được đào tạo rất hạn hẹp, như tại ĐH Y Khoa (ĐH Huế). Có thể đăng ký những ngành gần như Hóa học để tiếp cận ngành mình yêu thích.

* Em muốn thi ngành Kinh tế đối ngoại ĐHQG, đầu vào bao nhiêu điểm? Cơ hội việc làm?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: Ngành này ở trường ĐH Kinh tế - Luật, thi 2 khối A, D1, điểm chuẩn thường cao nhất của trường, cụ thể năm ngoái là 20 điểm. Còn việc làm, như các thầy cô tư vấn, tùy thuộc kỹ năng, bản lĩnh của các em sau khi ra trường.

* Hướng dẫn viên du lịch vào trường nào, điểm chuẩn? Hướng dẫn viên du lịch quốc tế?

TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân: Nhiều trường đào tạo du lịch, chuyên ngành trong Quản trị lữ hành.

Thầy Phạm Đức Quỳnh - Chuyên viên tư vấn trường ĐH Quốc tế SG: Trường xét tuyển A, D1. Các em cần có Ngoại ngữ, ngoại hình và giao tiếp.

* Luật hình sự học chuyên đề gì? Trường có xét lý lịch và sức khỏe không?

TS. Lê Anh Duy - Trưởng Ban tuyển sinh: Ngành Luật học nhiều trường đào tạo (ĐH Luật, Kinh tế - Luật…). ĐH Sài Gòn có đào tạo các ngành Luật hành chính, Luật thương mại, Luật kinh doanh (khối A, C, D1). Ra trường có thể làm việc tại các cơ quan tư pháp, bộ phận tư vấn doanh nghiệp…

* Marketing phải là ra trường bán hàng siêu thị? Ngành Marketing ra trường lương rất cao đúng không?

Th.S Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt: Khi chuyển sang Kinh tế thị trường, Marketing rất được quan tâm. Việc bán hàng chỉ là một việc trong ngành Marketing thôi, trang bị tâm lý, cách sắp xếp nghiên cứu tâm lý con người với hàng hóa, sản  phẩm phục vụ công việc quản trị kinh doanh.

* Luật thương mại quốc tế và Luật kinh doanh khác nhau thế nào?

TS. Lê Anh Duy: Đều liên quan đến ngành Luật kinh tế nhưng chia ra nhiều chuyên ngành cụ thể. Luật kinh doanh chú ý nghiên cứu pháp luật về trách nhiệm và chế tài về mối quan hệ doanh nghiệp. Luật thương mại quốc tế liên quan những vấn đề liên quan quốc tế. Luật thương mại tập trung quan hệ thương nhân, quan hệ buôn bán, chủ yếu là trong nước.

Th.S Thái Doãn Thanh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: Trường đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, đào tạo ba bậc học. Là ngành rất nhiều trường đào tạo. Đây là hướng mũi nhọn của trường, ra trường doanh nghiệp rất quan tâm SV của ngành này trong trường.

Ông Nguyễn Ngọc Diện - Chánh văn phòng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn: Ngành Công nghệ thực phẩm tại trường đào tạo kiến thức về hóa học, vi sinh…

* Tài chính - Ngân hàng và Tài chính doanh nghiệp khác nhau thế nào?

Ông Trần Thanh Vũ - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương: Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành nằm trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Ngành nào cũng cần có chí mới có thể học tốt chứ không chỉ ngành này em à.

Đăng Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.