Nên ban hành bảng giá đất sát với giá thị trường
Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM nhận xét, các khoản thu từ đất đai tại TP.HCM thời gian qua chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng thu ngân sách (từ năm 2004 - 2010, thu trên 41.000 tỉ đồng). Tuy vậy, một bất cập hiện nay là chi phí, thời gian xây dựng bảng giá đất (GĐ) hằng năm rất lớn nhưng hiệu quả áp dụng rất hạn chế. Bởi thực tế, bảng GĐ thấp hơn giá thị trường tại thời điểm ban hành, nên chủ yếu áp dụng để tính thuế, còn với các mục đích khác phải xác định lại theo giá thị trường. Ông Kiệt kiến nghị ban hành bảng GĐ sát với giá chuyển nhượng trên thị trường, và không cần thiết ban hành hằng năm, mà có thể 2-3 năm/lần.
|
Đồng quan điểm, đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho rằng, với yêu cầu ban hành bảng GĐ hằng năm như hiện nay, hầu hết các dự án trên địa bàn tỉnh đều triển khai chậm trễ, do tâm lý người dân là giá năm sau sẽ cao hơn năm trước nên không chịu nhận tiền bồi thường ngay. Trong khi các doanh nghiệp (DN) lại muốn kết thúc bồi thường trước ngày 1.1 hằng năm để giảm bớt gánh nặng tài chính. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và thu hồi đất. Tỉnh Đồng Nai kiến nghị nên xây dựng bảng GĐ theo hướng 5 năm mới điều chỉnh một lần, trong khoảng thời gian đó, Nhà nước có thể điều chỉnh giá đất tại những nơi có biến động lớn.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đánh giá, công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi. Việc ban hành thống nhất một loại giấy chứng nhận cho nhà và đất đã khắc phục được những bất cập và rút ngắn thủ tục. Việc định giá đất theo giá thị trường đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tháo gỡ cơ bản cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cụ thể, trước khi Luật Đất đai có hiệu lực, tiền SDĐ chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng/năm, nhưng đến 2010 con số này tăng gấp 10 lần lên 50.000 tỉ đồng, và dự kiến năm 2011 thu 60.000 tỉ đồng. |
Ông Kiệt còn chỉ ra nhiều bất cập khác của chính sách thu tiền sử dụng đất (SDĐ), như quy định chỉ cho phép DN khấu trừ vào tiền SDĐ các chi phí bồi thường theo hiện trạng đất chưa đầu tư và chỉ trên diện tích đất quy hoạch của dự án - mà không được khấu trừ các chi phí bồi thường về đất dành cho công trình giao thông, công cộng - là gây thiệt thòi cho DN. Bởi, các chi phí đầu tư vào hạ tầng công cộng do nhà đầu tư bỏ ra đã góp phần làm tăng giá trị đất. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần được khấu trừ các khoản tiền khác, như bồi thường tài sản, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, di chuyển, tái định cư cho người nắm giữ đất ban đầu.
Đổi mới mô hình quản lý đất đai
Theo luật sư Nguyễn Thị Cam, GĐ là vấn đề sống còn của các DN bất động sản, cho nên quy định về GĐ phải cụ thể và mang tính định hướng, giúp các địa phương có cơ sở rõ ràng để thực hiện. Nhiều đại biểu cũng cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thỏa thuận, đền bù với người SDĐ, Nhà nước cần ban hành khung giá đất minh bạch và chi tiết cho từng giai đoạn thu hồi, gồm GĐ theo hiện trạng ban đầu, GĐ sau khi quy hoạch vào mục đích khác, GĐ sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng... để điều tiết hiệu quả các phần giá trị tăng thêm từ đất. Ngoài ra, Chính phủ cần quy định một hệ số điều chỉnh nhất định để các địa phương chủ động trong việc xây dựng bảng GĐ sát hơn với giá thị trường, nhưng vẫn nằm trong phạm vi cho phép.
Sở TN-MT TP.HCM kiến nghị thay đổi cách tính tiền SDĐ đối với khu vực đô thị là theo m2 sàn xây dựng thay vì theo diện tích đất. Ngoài ra, kiến nghị sớm sửa đổi thuế SDĐ hằng năm cho phù hợp vì hiện nay cách tính mức thu quá thấp, nếu điều chỉnh phù hợp sẽ tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách, đồng thời giảm tình trạng đầu cơ đất. Đồng thời đề nghị phân cấp quản lý đất đai theo thửa đất, khu vực hoặc ranh giới hành chính; thay vì phân cấp quản lý theo chủ sử dụng như hiện nay dẫn đến phân tán, thủ tục phức tạp...
Ông Hoàng Minh Trí - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận xét, việc quản lý đất đai đang đi theo mô hình duy trì sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong khi cơ chế phối hợp còn rất yếu, dẫn đến việc sử dụng đất đai không hiệu quả, phân tán. Từ đó, ông Trí đề xuất đổi mới mô hình quản lý đất đai theo hướng đồng bộ với mô hình quản lý đô thị. Ngoài ra, cần có cơ chế thúc đẩy đầu tư tăng giá trị đất, khai thác đất hiệu quả, phát triển các công cụ tài chính dựa trên đất đai...
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhìn nhận, thực tế triển khai Luật Đất đai thời gian qua đã phát sinh những nội dung cần điều chỉnh, như: vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, vấn đề phân bổ tài nguyên đất đai, chính sách điều tiết lợi ích đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cơ chế tạo quỹ đất phục vụ mục tiêu công ích... Theo ông Nguyên, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai là để đánh giá những ưu điểm và tồn tại, đề ra nội dung cần sửa đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2020.
Phương Thanh
Bình luận (0)