Thủy điện khô kiệt

10/03/2011 23:14 GMT+7

Tình trạng khô kiệt tại các hồ thủy điện lớn, nhỏ trên cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đang đẩy nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) vào tình cảnh hoạt động cầm chừng, khiến cảnh thiếu điện càng trở nên trầm trọng.

Xấp xỉ mực nước chết

Trong tháng 2.2011, tổng lượng nước về các hồ thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm tới 189 triệu m3. Mực nước các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An, Ialy chỉ cao hơn mực nước chết từ 4 - 10m.

Ông Lê Văn Quang, Phó giám đốc Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cho biết, do năm 2010 nước về hồ Hàm Thuận thấp nhất trong 10 năm, khiến ngay từ đầu mùa khô năm 2011 sản lượng điện thiếu hụt lên tới 300 triệu kWh. Hiện mức nước hồ Hàm Thuận ở mức 586m (cao hơn 11m so với mực nước chết 575m). Sản lượng tối đa bình quân mùa khô các năm của hai nhà máy này đạt 11 triệu kWh/ngày, tuy nhiên, do lưu lượng nước về quá thấp, con số ấy hiện tại chỉ là 2 triệu kWh/ngày. Theo ông Quang, nếu lưu lượng nước các tháng còn lại của mùa khô tiếp tục thấp hơn cùng kỳ năm 2010, sản lượng thiếu hụt có thể xấp xỉ 600 triệu kWh, nâng tổng mức thiếu hụt lên tới 900 triệu kWh. Theo dự báo, sản lượng điện cả năm 2011 của DHD có thể phải điều chỉnh xuống 2,2 tỉ kWh, trước đó, năm 2010, sản lượng khai thác cũng chỉ đạt 2,46 tỉ kWh.

 
Lòng hồ thủy điện Hàm Thuận khô đến nỗi có thể đi bộ xuống - Ảnh: M.Hà

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều NMTĐ lớn trong vùng. Theo ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty thủy điện Ialy, cuối năm 2010 do lượng mưa về ít, lượng nước tích trong hai hồ Ialy và Pleikrong (phục vụ phát điện cho 3 nhà máy Ialy, Pleikrong và Sesan 3) chỉ đạt 41%. “Sản lượng chúng tôi được giao trong 6 tháng mùa khô năm 2011 là 1,2 tỉ kWh (sản lượng bình quân mùa khô các năm đạt 1/3 sản lượng cả năm - khoảng 5,3 tỉ kWh) nhưng hai tháng 1 và 2 mới chỉ đạt 170 triệu kWh. Với lượng nước bây giờ, tình hình nước về hồ vẫn thấp như hiện nay, cả 6 tháng mùa khô có thể chỉ đạt trên 900 triệu kWh”, ông Luận cho biết. Cụ thể, năng lực phát của cả 3 NM Ialy, Pleikrong và Sesan 3 là 25 triệu kWh/ngày, nhưng hai tháng đầu mùa khô chỉ đạt 2,5 triệu kWh/ngày, bằng 1/10 thiết kế. Dự kiến, các tháng còn lại có thể đạt bình quân khoảng 6 - 7 triệu kWh/ngày. Hiện tại, mực nước hồ Ialy đạt 499m, cách 9m so với mực nước chết.

Cho dù ngành điện vận hành tối đa các nguồn còn lại trong hệ thống thì cũng khó có thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt đã được dự báo. Riêng với các tỉnh miền Bắc, theo tính toán của Tổng công ty điện lực miền Bắc, mức thiếu hụt sản lượng thực tế sẽ từ 9 - 12% (gần 1,4 tỉ kWh).

Chỉ cầm cự đến hết tháng 3

Ông Lê Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Thác Mơ cho biết, mực nước hồ Thác Mơ hôm 10.3 đạt 201m, chỉ nhỉnh hơn 3m so với mực nước chết khiến lượng nước phục vụ cho mùa khô 2011 thiếu hụt tới 500 triệu m3 so với cùng kỳ, tương đương thiếu hụt 150 triệu kWh các tháng còn lại của mùa khô.

Hiện tại, sản lượng điện của Thác Mơ huy động đạt 1 triệu kWh/ngày, nhưng theo ông Tuấn, sản lượng này chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 3 do mực nước đã về sát mực nước chết, trong khi theo chu kỳ mọi năm, tới giữa tháng 7 lũ mới về. Như vậy, đến hết tháng 3, Thác Mơ sẽ chỉ chạy 2 giờ/ngày, tương ứng với sản lượng điện 200 nghìn kWh/ngày.

Còn theo ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An, sản lượng tính đến hết tuần đầu tháng 3 của Trị An chỉ đạt 43 triệu kWh, bằng 2,5% sản lượng thiết kế năm (1,76 tỉ kWh) và chỉ bằng 28,4% sản lượng trung bình cùng kỳ nhiều năm (151,4 triệu kWh). Nguyên nhân do dung tích hồ thiếu hụt 2,1 tỉ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt trong mùa khô gần 300 triệu kWh. Sản lượng khai thác của Trị An hiện chỉ đạt 1 triệu kWh, bằng 40% sản lượng trung bình ngày của các tháng mùa khô nhiều năm (2,4 triệu kWh).

Công suất của các NMTĐ hiện chiếm xấp xỉ 40% công suất toàn hệ thống, việc thiếu hụt sản lượng rất lớn từ nguồn điện giá rẻ này khiến việc thiếu điện trong mùa khô trở nên trầm trọng hơn. Nguồn cung điện vì vậy phụ thuộc rất lớn vào hệ thống nhà máy nhiệt điện. Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết sẽ khắc phục bằng cách huy động tối đa từ các nguồn nhiệt điện chạy khí, dầu và mua điện từ Trung Quốc (2 tháng đầu năm, lượng điện mua từ Trung Quốc lên tới 956 triệu kWh, tăng 28,89% so cùng kỳ).

Nhưng trên thực tế, trọng trách bù đắp thiếu hụt này lại không được làm tròn do nhiều nhà máy nhiệt điện vận hành chưa ổn định và nhiều nhà máy trong Quy hoạch điện VI chậm tiến độ. Người dân tại nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam đang bắt đầu phải chịu cảnh cắt điện. Dù các cơ quan chức năng hứa sẽ tiết giảm điện công bằng, theo lịch và cân đối giữa các khu vực, nhưng thực tế thì nhiều doanh nghiệp và người dân đang khốn đốn vì cảnh thiếu điện.

Đường truyền quá tải

Nghịch lý đang diễn ra ở Kon Tum khi nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) vừa, nhỏ bị buộc phải hạn chế công suất hoặc tạm dừng không phát điện lên lưới quốc gia vì đường truyền quá tải. 

Hiện trên địa bàn Kon Tum có khoảng 50 công trình thủy điện vừa và nhỏ. Công suất dự kiến phát lên lưới điện quốc gia là 500 MW đến năm 2015. Nhiều nhà máy trong số này đã đi vào hoạt động, phát điện lên lưới quốc gia. Điều lạ là gần đây, Điện lực Kon Tum đã yêu cầu một số NMTĐ giảm công suất luân phiên, thậm chí là phải ngừng phát điện lên lưới quốc gia.

Ông Nguyễn Bộ - Giám đốc Sở Công thương Kon Tum, cho biết: “Tỉnh đã đề nghị EVN xây dựng đường dây truyền tải 220 KV để đảm bảo lượng điện sản xuất được cung ứng hết lên lưới quốc gia. Thế nhưng mọi việc chỉ mới dừng ở việc khảo sát. Đường dây 110 KV hiện có đã quá tải, và còn quá tải trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đức - Giám đốc Điện lực Kon Tum, giải thích: “Đường dây 110 KV hiện có chỉ có thể tải 100 MW nhưng hiện phải tải tới 160 MW. Trong khi đó, những công trình thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum đều phải tải điện qua đường dây này từ Kon Tum về trạm  500 KV ở Pleiku (Gia Lai) để lên lưới quốc gia. Trong tình thế này, chúng tôi đành phải đưa ra giải pháp tình thế yêu cầu các NM giảm công suất, dù cả trong giờ cao điểm”. 

Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, nguy cơ nhiều nhà đầu tư thủy điện phá sản là rất lớn.

Trần Hiếu

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.