Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nán lại sau buổi tư vấn để trả lời thắc mắc của HS Đà Nẵng - Ảnh: Đ.N.T |
Phải chấp nhận thử thách
Rất nhiều HS đặt vấn đề làm sao để biết ngành học nào ra trường dễ tìm việc làm nhất trong 4-5 năm nữa.
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc - Phó ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, khẳng định: “Theo nghiên cứu của thị trường, công nghệ cao vẫn là những ngành học dễ tìm việc làm nhất trong tương lai. Tuy nhiên, những ngành này đòi hỏi học lực giỏi và khả năng ngoại ngữ. Dù vậy, các em phải xác định đâu là ngành học yêu thích nhất, phù hợp với khả năng của mình thì mới có thể học tốt và đạt kết quả cao khi tốt nghiệp. Đó cũng là yếu tố dễ tìm được việc làm sau khi ra trường”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: “100% sinh viên ra trường đều có việc làm nếu như các em biết chấp nhận những thử thách ban đầu trong công việc, như: đi làm xa nhà, lương chưa cao… để có kinh nghiệm và làm những công việc tốt hơn sau này”.
Được thi 2 khối cùng ngành?
Một số HS trường THPT chuyên Lê Quý Đôn muốn biết có được đăng ký cùng lúc 2 khối thi vào một ngành học hay không? Tiến sĩ Lê Văn Huy - Trưởng ban Đào tạo trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho biết điều này hoàn toàn thực hiện được. Ông lấy ví dụ: “Các ngành của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm nay đều có 2 khối thi A và D, nên thí sinh có thể thi được 2 khối, nếu đậu cả hai thì sẽ có 2 giấy báo trúng tuyển”.
Nhiều HS cũng quan tâm đến chương trình liên kết quốc tế của trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Một HS thắc mắc: “Sau 2 năm học ở VN, nếu không có điều kiện để ra nước ngoài thì có thể học ở trong nước hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho hay nếu vì lý do chính đáng thì vẫn có thể chuyển đổi sang ngành học tại VN ở ĐH Quốc gia TP.HCM, với điều kiện điểm thi đầu vào của HS đó phải bằng hoặc cao hơn ngành học đăng ký vào ĐH Quốc gia.
“Sân chơi” chỉ dành cho HS giỏi
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 547 ngàn, tăng gần 7% so với năm 2010. Tuy nhiên, với số lượt thí sinh cho kỳ thi 2011 ước khoảng trên dưới 2 triệu, trong đó số lượt thí sinh thực sự dự thi thường khoảng từ 70-80%, rõ ràng người đậu ít hơn người rớt. Nên nhớ rằng, hiện nay kết quả thi ĐH-CĐ gần như dựa hoàn toàn trên kết quả 3 môn thi của khối thi, và như vậy “sân chơi” gần như chỉ dành cho các HS giỏi. Các em giỏi gần như chắc chắn sẽ vào được trường ĐH-CĐ mà các em mong muốn. Chính vì vậy, đối với các em có sức học trung bình, việc cân nhắc chọn lựa ngành nào, trường nào để đăng ký dự thi thực sự là một việc mang tính chiến lược cho cuộc đời. Đối với các em có sức học yếu hơn, nên sớm tự phân luồng qua các con đường khác như hệ nghề, hệ liên kết đào tạo quốc tế,... chứ không nhất thiết phải thi ĐH-CĐ để rồi chuốc lấy thất bại. |
Diệu Hiền
Bình luận (0)