Nhà văn Masatsugu Ono - Ảnh: Quế Mai |
Theo nhà văn Masatsugu Ono, hiện nay các tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật và được giới thiệu ở Nhật còn quá ít. Các rào cản trong việc giới thiệu văn học Việt bao gồm khó khăn trong việc chuyển ngữ và có quá ít dịch giả văn học thông thạo tiếng Nhật và tiếng Việt.
Lúc 14g ngày 12-3, nhà văn Masatsugu Ono sẽ thuyết trình về văn học đương đại Nhật Bản tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1). Nhà văn Masatsugu Ono (sinh năm 1970) là một trong những hiện tượng của văn học Nhật Bản đương đại. Sau tác phẩm văn học đầu tay Mizu ni umoreru haka (Ngôi mộ vùi trong nước) đoạt giải thưởng Asahi New Writer (giải thưởng Cây bút mới của Asahi), tác phẩm thứ hai mang tên Nigiyakana wan ni seowareta fune (Con tàu neo vịnh xôn xao) cũng được nhận giải thưởng Mishima Yukio. Masatsugu Ono đã được đề cử hai lần cho giải thưởng Akutagawa - một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật Bản. |
Ông nói: “Cách tốt nhất để tiếp cận với công chúng Nhật Bản là các tác giả Việt Nam có tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, gây được tiếng vang. Sau đó, các nhà xuất bản Nhật sẽ liên hệ với tác giả và dịch các tác phẩm này sang tiếng Nhật”.
Trước đó, sáng 8-3 tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nhà văn Masatsugu Ono đã có buổi thuyết trình về văn học đương đại Nhật Bản và giao lưu với bạn đọc.
Masatsugu Ono đánh giá Murakami Haruki - tác giả cuốn Rừng Na Uy, một tác giả được nhiều bạn đọc Việt Nam biết đến - là nhà văn trung tâm trong nền văn học đương đại Nhật Bản. Rừng Na Uy của Murakami Haruki đã xuất bản 10 triệu cuốn trên khắp nước Nhật và toàn thế giới.
Trung bình cứ 10 người Nhật có một người đọc Rừng Na Uy. Lý giải về sự thành công của Murakami, nhà văn Masatsugu Ono cho rằng các tác phẩm của Murakami cân bằng các yếu tố của văn học thuần túy và văn học giải trí, được kết cấu chặt chẽ, logic.
Những hình ảnh cụ thể trong các tác phẩm của Murakami cũng chứa đựng những ẩn dụ sâu xa, lôi kéo sự suy tưởng của người đọc.
Sáng 10-3, nhà văn Masatsugu Ono cũng đã thực hiện buổi thuyết trình và giao lưu với bạn đọc Huế tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi). Nhà văn Masatsugu Ono chia sẻ lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng ông cảm nhận đây là một đất nước rất trẻ, có nhịp sống sôi động.
Cũng theo Masatsugu Ono, ông cảm nhận Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt, là nguồn tài nguyên mà các nhà văn chưa khai thác hết.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)