Thất lạc hồ sơ, liên hệ ở đâu?

13/03/2011 14:30 GMT+7

(TNO) Hôm nay (13.3), tại buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), các chuyên gia phần lớn giải đáp cách làm hồ sơ và chọn ngành nghề phù hợp năng lực học tập của học sinh.


Bạn đọc đặt câu hỏi tại buổi tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết:

Do hiện nay kết quả 3 môn thi tuyển sinh gần như là tiêu chí duy nhất để xét tuyển vào các trường ĐH có tổ chức thi nên chúng ta sẽ xem xét kết quả điểm bình quân 3 môn thi (Đ3MT).

   Số thí sinh dự thi Đ3MT
 Toàn quốc  1.123.646 11,13  
 Tỉnh Nam Định (xếp thứ nhất)   34.716 12,65
 Tỉnh Hà Giang (xếp chót)   3.837   7,98
 TP Hồ Chí Minh (xếp thứ 9)  80.922 11,98
 TP Hà Nội (xếp thứ 2)  91.987 12,43
 Tỉnh Thừa Thiên – Huế (xếp thứ 17)  22.348 11,13

Trong 22.348 lượt thí sinh dự thi của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có 8531 lượt thí sinh trúng tuyển (5.639 ĐH và 2.838 CĐ), tỉ lệ trúng tuyển 37,36%. Tỉnh Thừa Thiên – Huế thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, xem như là đầu tàu về giáo dục của khu vực này với 9 trường ĐH (trong tổng số 16 của khu vực), 3 trường CĐ (trong tổng số 15 trường của khu vực).

Căn cứ trên tiêu chí điểm bình quân ba môn thi này, Bộ GD–ĐT xếp hạng các trường THPT. Trong số 200 trường THPT có điểm bình quân 3 môn thi cao nhất nước năm 2010, có 4 địa phương chiếm tỉ lệ nhiều nhất, đó là Hà Nội (32 trường), TP.HCM (19 trường), Nam Định (17 trường) và Hải Dương (17 trường).

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có trường 42 trường THPT, trong đó có 4 trường lọt vào top 200 trường THPT có kết quả thi ĐH-CĐ tốt nhất nước:

     
 THPT Quốc Học (xếp thứ 34)  1.148  18,07
 Khối chuyên ĐHKH Huế  130  16,39
 THPT Nguyễn Huệ (131)  1.233  14,24
 Khối chuyên ĐHNN Huế (132)  57  14,23
 THPT Hai Bà Trưng (247)  1.343  12,83
 THPT Phan Đăng Lưu (402)   1.275  11,98

Cũng xin nhắc lại rằng điểm sàn các khối thi năm 2010 là A, D là 13 và B, C là 14. Như vậy, với điểm bình quân 3 môn thi như nêu trên so với điểm sàn, có thể nói rằng nếu biết chọn lựa ngành nghề và trường phù hợp với năng lực và nguyện vọng, gần như 100% học sinh của các trường nằm trong top 200 đều trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ.

Th.S Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt: Khi làm hồ sơ, các em cần lưu ý một số điểm:

- Trên hồ sơ chỉ có NV1.

- Ghi chính xác ưu tiên khu vực và đối tượng.

- Mục 16 ghi địa chỉ nhận giấy báo thi, nên chọn địa chỉ dễ đến nhất. Thí sinh vùng xa vùng sâu càng nên thận trọng trong chuyện này. Cần có số điện thoại cố định dễ liên lạc để các trường gọi điều chỉnh thông tin: giấy báo, trao đổi NV1A, NV1B hay một số thông tin mới của các trường mà các em dự thi…

Nộp hồ sơ, nếu hồ sơ thất lạc, liên lạc với ai? Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc khu vực ưu tiên nào?

Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế: Công tác tuyển sinh của Sở GD-ĐT năm nay được tổ chức rất chu đáo. Ngày 9.3 Sở đã tổ chức Hội nghị công tác tuyển sinh 2010 và triển khai kế hoạch làm hồ sơ dự thi 2011. Sở đã đánh giá tất cả những sai sót của năm 2010 để khắc phục và làm tốt trong năm nay, đảm bảo quyền lợi cho các em. Nếu có vấn đề về hồ sơ, các em có thể liên lạc với Sở GD-ĐT.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Hầu hết các trường THPT và các trường thuộc TP Huế đều thuộc KV2. Một số trường nằm ở nông thôn thuộc KV2-NT. Cũng có một số trường thuộc KV1.

Trên nguyên tắc, các trường ĐH sẽ liên lạc và chỉnh sửa cho các em. Nếu đến tháng 6 chưa nhận được giấy báo dự thi thì các em có thể đến Sở GD-ĐT để khiếu nại. Thậm chí, đến ngày thi các em làm mất giấy báo dự thi, các thầy cô sẽ hướng dẫn các em làm thủ tục để dự thi, miễn là các em thật sự đăng ký thi vào trường đó.


Đông đảo bạn đọc tham gia buổi tư vấn do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi nộp hồ sơ rồi nhưng phát hiện có một số chỗ bị sai? Em có thể nộp lại không?

TS. Nguyễn Đức Nghĩa: HS đang học lớp 12 nộp hồ sơ cho nhà trường từ ngày 14.3 – 14.4. Từ ngày 15.4 - 21.4 các em nộp thẳng vào trường ĐH, CĐ. Khi nộp rồi mà phát hiện sai muốn chỉnh sửa, có thể liên lạc giáo viên chủ nhiệm xin lấy lại hồ sơ để chỉnh sửa. Nếu đã hết hạn nộp tại trường THPT, các em chỉ còn cách nộp bộ hồ sơ khác trong thời điểm nộp trực tiếp các trường ĐH, CĐ. Nhưng lúc này phải xin xác nhận từ địa phương

Em muốn thi tại TP.HCM, nhưng không vào TP.HCM học được. Em có thể mượn một trường ĐH tại Huế để thi không?

PGS. TS Nguyễn Đức Hưng - Phó giám đốc ĐH Huế: Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, nếu trường em muốn vào không tổ chức thi thì em vẫn có thể nộp hồ sơ tại và thi tại ĐH Huế, sau đó chuyển kết quả vào trường em đăng ký học.

Thầy Nguyễn Quốc Bính - Trưởng phòng công tác HSSV trường ĐH Hùng Vương TP.HCM: Các em cần lưu ý thêm khối thi, ngành thi cho khớp giữa trường em muốn học và trường em thi nhờ. Đặc biệt, cần xem kỹ mục số 2, số 3 trên hồ sơ để điền không bị sai sót.

Em có lực học trung bình, muốn làm văn phòng thì chọn ngành nào?

Th.S Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt: Các em nên chọn ngành rồi mới chọn trường phù hợp năng lực của mình. Muốn làm văn phòng, có thể chọn ngành thư ký văn phòng, quản trị văn phòng. Nếu em có khả năng tính toán có thể chọn kế toán, quản trị kinh doanh cũng được. Lực học em trung bình, nên đăng ký 2 đợt thi: hồ sơ 1 thi vào ĐH và hồ sơ 2 thi vào CĐ. Nếu thi ĐH không tốt lắm thì cố gắng làm thật tốt kỳ thi CĐ.

Đủ điểm vào một trường nào đó và muốn trường khác có được xét không?

PGS. TS Nguyễn Đức Hưng - Phó giám đốc ĐH Huế: ĐH Huế luôn ủng hộ quan điểm này. Các trường thành viên của ĐH huế thực hiện học chế tín chỉ nên có thể làm được điều này. Em có thể học luôn hai ngành của hai trường trong cùng một thời điểm. Đương nhiên chuẩn đầu vào phải cùng một khối ngành.

Cùng một ngành, trường này lấy điểm chuẩn khác trường kia, đầu ra bằng cấp như nhau nhưng trường này kiếm việc dễ hơn trường khác. Vì sao như vậy?

Th.S Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng đào tạo ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Có rất nhiều trường cùng đào tạo một ngành và nội dung các trường áp dụng đều có 70% chương trình theo tiêu chuẩn chung. 30% còn lại tùy điều kiện các trường có hướng hoặc học phần hơi khác nhau. Còn tùy thuộc sự ra đời, điều kiện cơ sở vật chất… của các trường mà khả năng tiếp thu kiến thức, nội dung em được học… khác nhau. Về lý thuyết, bằng cấp các trường đều như nhau nhưng trên thực tế, vẫn có trường hợp nhà tuyển dụng phân biệt trường này với trường kia để nhận vào làm.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.