1. Con tàu HQ 996 rít lên 3 hồi còi, rời đất liền hướng đến Trường Sa. Chúng tôi ai cũng có mặt trên boong. Trên suốt hải trình đến Trường Sa vào năm ngoái, cứ qua mỗi vùng biển, đảo thì hệ thống loa lại vang lên những lời giới thiệu, lúc đó chúng tôi đều dừng câu chuyện lại để lắng nghe.
Thế hệ trẻ chúng tôi được học, được nghe kể về Trường Sa hào hùng và những người con quả cảm đã anh dũng chiến đấu để gìn giữ chủ quyền Tổ quốc qua sử sách. Giờ đây, chúng tôi đang có mặt tại vùng biển mà vào ngày 14.3.1988, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ cho sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hơn 20 năm, một quãng thời gian không phải là dài lắm nhưng cũng đủ để một thế hệ trưởng thành và tiếp nối dấu chân anh hùng trên mỗi nẻo đường đất nước.
Trường Sa hôm đó trời yên, biển lặng xanh ngắt một màu. Mặt trời vừa rạng, con tàu tiến vào vùng biển đảo Gạc Ma. Các thành viên trong đoàn công tác tập trung lên boong để làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh.
|
“Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sĩ! Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ bao đời nay và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc VN. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN…Họ đã tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta và cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng biển, đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại đã xảy ra ác liệt. Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng VN. Đó là các cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125; các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83. Đó là anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604; anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Còn rất nhiều tấm gương sáng về sự hy sinh mà chúng tôi không thể nói hết. Chính nơi đây, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân VN đã anh dũng hy sinh…”.
Tiếng sụt sùi len lỏi trong đoàn người, trong lúc 2 chiến sĩ hải quân vẫn nghiêm trang đứng gác, vững vàng tay súng trước ngực.
Ngừng trong giây lát, đại tá Nguyễn Kiều Kinh gạt nước mắt và tiếp tục với giọng chắc nịch, hào hùng: “Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, và xây dựng Trường Sa trở thành huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”.
“Hôm nay, đoàn công tác của chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Bầu trời Trường Sa mây trắng lặng. Lòng chúng tôi lặng trắng, lệ tràn mi và vẫn văng vẳng đâu đây câu nói của liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Trong niềm xúc động sâu sắc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí và xin được thắp nén hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tưởng nhớ tới hương hồn của các đồng chí. Mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ trong lòng biển khơi của quê hương, dân tộc; cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
|
2. Một vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” từ từ được thả xuống biển. Trước đó, mâm hoa quả với bát hương nghi ngút khói do các thuyền viên tàu HQ 996 chuẩn bị cũng được thả xuống. Vòng hoa dập dềnh theo sóng biển trôi dần ra xa khỏi con tàu cho đến khi mất hút khỏi tầm mắt thì các thành viên trong đoàn mới trở về khoang.
Lúc ấy, tôi nhớ đến những hình ảnh người mẹ già, người vợ một lòng chờ đợi và rất tự hào về người con, người chồng đã hy sinh thân mình, góp một phần công sức để bảo vệ Tổ quốc. Đó là những người thân của liệt sĩ Trần Văn Phương đang ở quê nhà tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, tôi nhớ đến cô con gái của liệt sĩ là Trần Thị Thủy với ước nguyện được tiếp nối truyền thống gia đình, được đi theo con đường anh hùng mà cha mình đã chọn.
Trường Sa đang ngày càng lớn mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần, đã thay đổi lớn lao cả về diện mạo và thế trận. Những khu nuôi trồng thủy sản, khu nghề cá, bến cảng và âu tàu được xây dựng vững chắc để đón ngư dân ra đánh bắt trên vùng biển Trường Sa vào tiêu thụ sản phẩm hay trú ẩn mỗi khi mưa bão. Lên đảo, ngư dân càng yên tâm hơn khi được bộ đội thăm hỏi, chăm sóc và đặc biệt bà con đến cầu an, chúc phúc tại các ngôi chùa cổ kính. Những ngôi chùa trên các đảo đều rợp bóng mát cây phong ba, như thể hiện sự trường tồn, sức chịu đựng mãnh liệt trong mưa bão. Tôi nhớ trong một ngôi chùa có câu: “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”.
Những ngôi chùa ở Trường Sa gắn liền với sự có mặt của người Việt tại đấy, như nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Mỗi ngôi chùa ở Trường Sa thể hiện rất rõ sức sống tinh thần và sức mạnh vào niềm tin lẽ phải của dân tộc Việt. Tôi muốn nhắc lại ngay từ thời xa xưa, những đội hùng binh Hoàng Sa của VN đã vượt biển lớn đi ra ngoài đảo, các chúa và vua Nguyễn đều rất quan tâm đến đời sống tâm linh nên đã xây những miếu thờ tri ân những người đã hy sinh trên biển cả. Những miếu thờ hay công trình tâm linh đó là những bằng chứng vật chất về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa”.
Lập mộ gió 6 ngư dân mất tích Sau nhiều ngày ngóng trông đợi chờ, hôm qua 13.3, gia đình bà Ngô Thị Việt (43 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh) là gia đình cuối cùng trong số 6 gia đình có người thân mất tích ở Hoàng Sa gần 2 tháng qua, tổ chức lễ chiêu hồn, làm hình nhân, lập mộ gió cho chồng là Lê Minh Tân - thuyền trưởng tàu cá QNg-66192TS. Tất cả gia đình 6 ngư dân bỏ mạng nơi Hoàng Sa đều rơi vào cảnh khốn khó. Thương tâm nhất là trường hợp của gia đình ngư dân Trương Văn Tiến (36 tuổi, ở xã An Hải). Lập gia đình, Tiến cùng vợ là Nguyễn Thị Lời dắt díu vào Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) mưu sinh. Sau hàng chục năm làm thuê, năm 2010, Tiến cùng vợ và 2 con là Trương Thị Nhiều (học lớp 7) và Trương Thị Lệ Hà (4 tuổi) trở về lại Lý Sơn mua đất làm ngôi nhà nhỏ. Sống trong “ngôi nhà mơ ước” ấy mới được 10 ngày, anh Tiến lên tàu QNg-66192TS cùng 5 bạn chài ra Hoàng Sa khai thác rau chân vịt để kiếm tiền lo tết, mua sắm quần áo mới cho con, nào ngờ đó là chuyến đi anh không bao giờ trở về nữa. Còn gia đình bà Việt giờ cũng thật sự rơi vào cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất. Bà Việt kể, cách đây 4 năm chiếc tàu cá của gia đình trị giá 500 triệu đồng đã chìm xuống vùng biển Hoàng Sa sau một trận cuồng phong dữ dội. Rất may, lúc ấy thuyền trưởng Tân và 7 ngư dân đi trên tàu thoát chết nhờ các tàu bạn cứu giúp. Trở về nhà, gia đình dốc những đồng tiền dành dụm cuối cùng, vay mượn của người thân và ngân hàng đóng mới chiếc tàu cá QNg-66192TS, công suất 72 CV trị giá trên 300 triệu đồng để tiếp tục ra khơi với hy vọng trả nợ, nuôi sống gia đình. Nào ngờ, chuyến biển cuối cùng của năm 2010, tàu cá và ông Tân nằm lại Hoàng Sa. Để giúp đỡ gia đình 6 ngư dân mất tích ở Hoàng Sa, trước mắt UBND Lý Sơn cùng các xã An Hải, An Vĩnh đã hỗ trợ mỗi gia đình 5,5 triệu đồng. Hơn lúc nào hết, gia đình các ngư dân bị nạn ở Lý Sơn đang cần sự cùng chung tay góp sức của cả cộng đồng để vượt qua khó khăn, nhất là giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi cha… Hiển Cừ |
Trương Quang Nam
Bình luận (0)