Chưa phát hiện ô nhiễm phóng xạ tại VN

15/03/2011 11:59 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hôm nay (15.3), sau khi xảy ra liên tiếp 3 vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima (Nhật Bản), khiến các chuyên gia hạt nhân quốc tế cảnh báo ô nhiễm phóng xạ có thể theo gió bay ra vùng biển Thái Bình Dương.

Ông Tấn cho biết, ngay từ vụ nổ thứ nhất, hàng ngày Viện thường xuyên thu thập dữ liệu khoan trắc tự động từ 2 trạm cảnh báo và khoan trắc phóng xạ môi trường của Việt Nam đặt tại TP Hà Nội và Đà Lạt (Lâm Đồng).

Nhiệm vụ của 2 trạm khoan trắc này là bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Qua phân tích và đánh giá, kết quả cho thấy, phin lọc hút khí trời và đo độ rơi lắng của bụi chưa phát hiện ra ô nhiễm phóng xạ.

Ông Tấn cho rằng, khả năng xảy ra thảm họa Chernobyl (Liên Xô cũ) khó có thể xảy ra bởi đây không phải là vụ nổ tung lò phản ứng mà là nổ khí hyđro, phần thuộc vỏ bên ngoài của lò phản ứng.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hào Quang, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và hạt nhân (Cục An toàn bức xạ hạt nhân) cho biết, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang web của cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA), mức độ ô nhiễm phóng xạ của nhà máy nguyên tử Fukushima 1 không cao, tầm ảnh hưởng không lớn, do đó dù hướng gió thổi ra Thái Bình Dương cũng khó có thể ảnh hưởng ô nhiễm hạt nhân tới Việt Nam.

“Khác với sự cố phóng xạ trước đây, khi chất phóng xạ xả ra liên tục trong thời gian dài, còn tại Nhật Bản mới chỉ dừng lại ở mức độ rò rỉ và sau đó đã được kiểm soát. Với trình độ khoa hoc và công nghệ tiên tiến, khả năng kiểm soát chất phóng xạ của Nhật rất cao. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, các nhà khoa học trong nước cũng cần phải tiếp tục theo dõi, quan sát để có thể ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra”, ông Nguyễn Hào Quang nói.

T.Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.