Giành quyền nuôi con

15/03/2011 13:57 GMT+7

Sau ly hôn, ai nuôi con, điều đó không quan trọng bằng việc làm sao cho trẻ không bị mất đi tình thương, sự chăm sóc của cả cha và mẹ khi mái ấm không còn vẹn toàn

Dưới đây là hai phiên tòa dân sự tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con do TAND TPHCM phúc xử vào giữa tháng 2-2011.

Chuyện thứ nhất
 
Họ đều làm việc trong ngành giáo dục. Anh mở trường tư với thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng; chị là chủ quản của lớp mầm non, tối đến dạy thêm tiếng Anh và tiếng Hoa, thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Họ ly hôn đã gần 3 năm và theo phán quyết của tòa án, bé trai 6 tuổi sống với mẹ.
 
Mới đây, họ ra tòa lần 2 khi anh làm đơn gửi tòa án xin được trực tiếp nuôi con với lý do: Chị cố tình gây khó dễ mỗi khi anh đến thăm con, không cho anh thể hiện tình cảm của người cha; chị giáo dục con không đúng phương pháp làm ảnh hưởng đến nhân cách của con; điều kiện nuôi dưỡng và kinh tế của anh bảo đảm cho con phát triển tốt nhất.

 
Ảnh: Nguyễn Tài


 
Trong khi đó, chị không có nhà riêng, phải ở nhà cha mẹ, không có thời gian chăm sóc, thường xuyên đón con trễ vì bận đi dạy, thu nhập không ổn định, trong khi càng lớn chi phí học hành của con càng cao... “Mỗi lần tôi đến thăm con, cô ta lại gây sự. Ba má tôi tới thăm cháu cũng không được. Cô ấy cướp con tôi...’’ - anh gay gắt và tiếp tục kể lể cho  đến khi vị chủ tọa ngắt lời.
 
Chị chăm chăm nhìn anh rồi đưa tay chặn ngang ngực. Dường như có một sợi dây thắt chặt trái tim chị đến mức không thể nói thành lời. Từ khi dắt tay con ra khỏi ngôi nhà bề thế của anh, mẹ con chị về tá túc bên ngoại. Vì tự ái, chị không đề nghị anh cấp dưỡng nuôi con mà tự bươn chải sớm hôm để con không cảm thấy thiệt thòi. Dẫu thời gian eo hẹp, chị cũng cố thu xếp để trực tiếp đưa đón con đi học, dạy con học bài.
 
 Có những lúc mệt mỏi, khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi nhưng chị tuyệt nhiên không gọi đến anh vì không muốn rắc rối. “Anh ấy nói không đúng sự thật. Vì không chịu được tính gia trưởng, thích mắng chửi, coi khinh vợ của anh, tôi phải ra đi. Anh đến nhà tôi chửi mắng, nói tôi ngoại tình, làm ầm ĩ trước mặt học trò tôi. Con tôi sợ cha nó cũng một phần vì vậy. Cháu vẫn phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần. Cháu đủ lớn để biết suy nghĩ, tôi có muốn cũng không cấm được cháu đến với cha...’’ - chị run giọng.
 
Việc cấp dưỡng nuôi con vì chị không yêu cầu nên tòa không buộc, anh cũng theo đó mà không đưa một đồng nào, trừ những món quà nhỏ dành cho con nhân dịp lễ Tết, sinh nhật. “Khi nào thấy cần thiết tôi sẽ cấp dưỡng’’ - anh nói trước tòa phúc thẩm. Nhưng việc chăm sóc, nuôi nấng một đứa trẻ thì có lẽ thật khó mà biết được lúc nào là “cần thiết” bởi có lúc nào không cần thiết đâu?
 
Với nhận định trẻ nhỏ đang sống ổn định với mẹ, không nhất thiết phải thay đổi người nuôi con để làm xáo trộn cuộc sống của trẻ, HĐXX tiếp tục giao con cho người mẹ nuôi nhưng có vẻ như cuộc chiến của họ vẫn chưa thể kết thúc tại phiên tòa này.
 
Chuyện thứ hai
 
Người mẹ nước mắt ngắn dài cầu xin HĐXX xem xét cho chị được nuôi đứa con gái 8 tuổi hiện đang sống với cha ở bên nhà nội. Theo chị trình bày, khi nộp đơn xin ly hôn, chị có yêu cầu được nuôi con nhưng vì thời điểm đó, cháu bé đã đăng ký vào lớp 1 theo hộ khẩu nhà nội, việc đăng ký lại sẽ khó khăn nên sau khi được HĐXX cấp sơ thẩm phân tích, chị tạm thời chấp nhận giao con cho anh nuôi.
 
 Tuy nhiên, vì anh là tài xế nên thường xuyên vắng nhà, việc chăm sóc bé được giao cho ông bà nội đã lớn tuổi. “Tôi không thể để con bé cho ba nó nuôi được vì anh ấy hoàn toàn giao phó cho ông bà nội và các cô chú.
 
Con bé còi cọc, biếng ăn. Là mẹ, tôi đau lòng lắm nhưng anh ấy lại cản trở tôi chăm sóc con. Hiện tôi hùn vốn mở công ty, thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng, cũng đã có nhà riêng. Hơn nữa, cháu là bé gái, để mẹ gần gũi, trực tiếp chăm sóc hợp tình hợp lý hơn...’’ - chị tha thiết.
 
Tuy nhiên, anh cho rằng đã 8 năm nay, con gái quen sống trong ngôi nhà đó, có cha và ông bà nội yêu thương, chăm sóc, không cần thiết thay đổi môi trường sống của bé.
 
“Khi con còn nhỏ, cần tình thương của mẹ, sao cô ấy không giành nuôi con, giờ đang yên lành lại giành? Con bé về sống với mẹ tôi sợ sẽ hư vì cô ấy nuông chiều quá, con mới học lớp 2 đã sắm điện thoại di động. Cũng xin tòa xác minh lại xem cô ấy có thực sự làm giám đốc như cô ấy nói không hay cũng chỉ là nhân viên, thu nhập không ổn định?’’ - anh đề nghị. 
 
Tòa nghị án, anh và chị ra trước hành lang to tiếng với nhau. Có vẻ như “dư âm’’ của cuộc chia tay vẫn còn rất nặng nề. Trong phiên tòa này, chị được tuyên thắng kiện bởi dù sao bé gái đã gần 9 tuổi, tâm sinh lý và cơ thể cũng đang phát triển, rất cần được mẹ chăm sóc, tư vấn và điều ấy cũng không cản trở tình cảm cha con.
 
Mừng cho chị nhưng đối với cô bé, phải rời xa mái nhà đã trở nên thân thuộc và cũng đầy ắp tình yêu thương của những người ruột thịt, có lẽ cũng không mấy dễ dàng.

Đừng gây đau khổ cho trẻ

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang phòng xử, một thẩm phán nói: “Khi không thể sống được cùng nhau, ly hôn là cách giải thoát tốt nhất cho cả hai người, cũng là để cho con trẻ không phải thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ căng thẳng, bất hòa với nhau. Có điều, cuộc ly hôn nào cũng đem đến bất hạnh cho những đứa con. Vậy nên, khi tòa quyết định giao trẻ cho ai trực tiếp nuôi dưỡng đều xuất phát từ quyền lợi của trẻ”.
 
Cũng theo thẩm phán này, nếu chỉ để thỏa mãn tự ái, cha mẹ quyết liệt tranh giành quyền nuôi con thì một lần nữa lại gây đau khổ cho trẻ. Tình yêu thương con cái cha mẹ đều có. Hãy dùng tình thương ấy để trao đổi, bàn bạc với nhau cách chăm sóc, nuôi dạy con cái trong điều kiện mới để đứa trẻ luôn cảm nhận được đầy đủ tình thương của cả cha và mẹ, dù không được sống cùng cha hoặc mẹ.

 

Theo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.