Chúng tôi tìm hiểu và được mục sở thị 2 loại “thần dược” này. Thuốc “thần tiên sức khỏe nhãn hiệu sư tử lớn” là những viên nén có màu nâu, được đóng gói trong những bọc nylon nhỏ, trong mỗi bọc có 10 viên. Tờ giấy quảng cáo nhão nhoẹt kèm theo, một mặt chi chít chữ Campuchia, một mặt ghi tiếng Việt (có rất nhiều lỗi chính tả) có nội dung sản phẩm của thầy thuốc Khiêng Sprây Pâu (có địa chỉ ở Phnom Penh) đặc chế từ thuốc bắc cộng thêm 27 loại thảo dược của Khmer, với một loạt công dụng: trị đau đầu, xoang mũi, chóng mặt, nhức mỏi xương sống, đau bao tử, trĩ, ngủ không say, co giật, yếu tim… Thậm chí, uống thuốc sẽ hết nám da, người dùng sẽ có sức khỏe cường tráng, dẻo dai. Mặc dù “nổ” tưng bừng vậy, nhưng trên tờ giấy này không hề có một dòng tên công ty nhập khẩu cũng như chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng VN.
“Thuốc thần y” thì gồm hai gói bột mịn màu vàng để chung vào một gói lớn hơn. Đặc biệt còn lưu ý khách hàng nếu đến mua tận nhà (địa chỉ ở Campuchia) sẽ được giảm giá. Theo một nguồn tin của PV thì tại Campuchia mỗi gói thuốc này được bán với giá 40.000 đồng, qua trung gian khi đến tay người sử dụng VN giá từ 150.000 đến 200.000 đồng. Đa số chúng đều được đóng gói một cách hết sức sơ sài, đơn giản…
|
Dược sĩ Phan Văn Khánh, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Tất cả các loại thuốc muốn vào VN đều phải có giấy phép nhập khẩu (gọi nôm na là visa cho thuốc) và có kiểm định chất lượng của cơ quan hữu quan trong nước. Hai loại thuốc có xuất xứ từ Campuchia này là thuốc gia truyền, chất lượng không ai có thể đảm bảo, nên nếu là người am hiểu thì không sử dụng. Các loại thuốc đông y ở trong nước muốn bán ra thị trường cũng phải được cấp phép của sở y tế địa phương, huống hồ là loại bán xuyên quốc gia như thế này…”. Dược sĩ Khánh còn tỏ ra hết sức bất ngờ vì trên bao bì cũng như quảng cáo thuốc lại có chữ của VN, tức là người làm ra sản phẩm này từ đầu đã hướng đến thị trường nước ta.
Ông Hoàng Đình Ấn, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Trị, khẳng định hai loại thuốc “thần y” và “thần tiên” đều không được lưu hành vì không có giấy phép của Bộ Y tế. “Chúng tôi sẽ đưa các mẫu thuốc này đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm Quảng Trị để xem trong chúng có những thành phần gì, có gây hại cho người dùng hay không”, ông Ấn nói.
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)