Hiểm họa từ silicon lỏng

16/03/2011 10:57 GMT+7

Từ lâu, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong việc làm đẹp bởi nó gây ra nhiều biến chứng. Thế nhưng thực tế đã có người trở thành nạn nhân của silicon lỏng vì ham rẻ tiền và “hiệu quả tức thì”…

Nhiều lần bị bạn bè chê “vòng ba” hơi nhỏ nên N.Q.T, 20 tuổi quê An Giang đã tự mua 500 cc silicon rồi nhờ bạn tiêm vào mông. Hậu quả, không lâu sau đó, T. đã phải nhập viện vì dị ứng tại chỗ, hai mông sưng tấy, khó thở… Bệnh nhân được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) nhưng đã tử vong sau đó do biến chứng thuyên tắc phổi khiến bệnh nhân suy hô hấp cấp sau tiêm silicon lỏng.

Chưa kịp “tự hào” đã nhận ngay sự cố
 
Trước đó không lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam bị tai biến nặng, sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp sau khi làm đẹp “vòng ba” tại nhà. Theo lời kể của bệnh nhân này, bản thân anh đã từng 2 lần bơm silicon lỏng của một người làm thẩm mỹ dạo để tăng độ nở nang cho cơ mông nhưng không may lần này đã gặp sự cố.


Một ca phẫu thuật tạo hình tại bệnh viện. Trong việc làm đẹp, đến các bệnh viện và trung tâm có uy tín, độ an toàn sẽ cao hơn (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Kim Anh 

Cách đây không lâu, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã tiếp nhận 2 trường hợp đều ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng “núi đôi” tấy đỏ, chảy xệ, rỉ nước ở đầu vú và xuất hiện những cục lổn nhổn từ ngực tới bụng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật lấy từng miếng silicon len lỏi trong các mô ở ngực cho bệnh nhân. Hai bệnh nhân nữ này cho biết khoảng 3 tháng trước, họ cùng nhau đến bơm ngực ở một cơ sở tư nhân với giá 6 triệu đồng/bên ngực. Sau khi bơm xong, cả hai rất tự hào về “vòng một” của mình nhưng không lâu sau đó, họ phải hứng chịu những cơn đau nhức nhối ở vùng ngực.
 
Không chỉ dùng silicon lỏng để “nâng cấp” các vòng mà nhiều bác sĩ còn cho biết đã từng gặp những nạn nhân của silicon lỏng sau khi bơm chất này để cải thiện kích cỡ cho “của quý”. Kết quả sau đó “của quý” trở nên biến dạng, méo mó.
 
Những biến chứng nguy hiểm
 
Mặc dù phương pháp bơm silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ nhiều năm nay nhưng do thủ thuật đơn giản nên cách làm đẹp này vẫn phổ biến ở nhiều nơi. Có chị em bơm chất silicon lỏng để làm đẹp nhưng không biết rõ tác hại của nó, trong khi nhiều cơ sở làm đẹp ra sức “mồi chài” khách bằng cách khẳng định “hiệu quả tức thì” mà lại rẻ tiền. 
 

Khôi phục “nguyên trạng” là không thể

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể giúp chị em đẹp hơn mà không cần phải sử dụng silicon lỏng. Nếu chị em muốn làm đẹp nên đến các bệnh viện hoặc các trung tâm thẩm mỹ có uy tín để bảo đảm an toàn vì trong quá trình làm đẹp bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể cũng có xảy ra các biến chứng sốc, chảy máu, nhiễm trùng… Trong khi đó, nếu đã xảy ra tai biến, với nhiều trường hợp, việc khôi phục như lúc đầu gần như là không thể.

Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Trung Trực, Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Việt Đức, cho biết các biến chứng do tiêm trực tiếp silicon lỏng vào cơ thể gồm nhiều mức độ, có thể nạn nhân sẽ bị viêm tấy tại chỗ sau tiêm do phản ứng của cơ thể với dị vật hoặc viêm loét, áp xe vùng bơm silicon lỏng. Có trường hợp chỉ một thời gian ngắn sau đó, chất silicon lỏng di chuyển khỏi chỗ được tiêm và phân tán đến các vùng lân cận làm ngực, mông, môi, má chảy xệ, không cân đối, biến dạng, hoại tử.
 
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cảnh báo, vì là chất không bảo đảm vô trùng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên khi tiêm silicon lỏng để làm đẹp sẽ rất nguy hiểm. Biến chứng sớm nhất sau tiêm là tắc mạch ở não, thận, phổi, gan, ruột… nên rất dễ tử vong. Muộn hơn là nhiễm trùng biến dạng vùng ngực, mông hoặc bị rò rỉ chất lỏng gây viêm loét và xơ vón.
 
Không những thế, silicon lỏng có thể hòa vào mô làm thoái hóa mô, thậm chí gây ung thư. Chính vì thế từ năm 1992, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ. Khi xảy ra các biến chứng do tiêm silicon lỏng, việc điều trị cũng không đơn giản. Theo bác sĩ Trực, với những trường hợp tiêm ở nhiều vị trí sẽ rất khó điều trị vì chất silicon xâm lấn lan tỏa. Do vậy để điều trị, bác sĩ phải phẫu thuật lấy bỏ cả tổ chức mô xung quanh và thay thế bằng các chất làm đầy mô khác.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.