Truyền thuyết một vườn cây
Ngày cuối tuần thảnh thơi, lãnh đạo thôn mới có điều kiện ngồi nhâm nhi chén trà nóng và trò chuyện với khách về vườn lộc vừng - tài sản vô giá in hằn trong từng hơi thở cuộc sống - đối với dân làng. Hỏi về gốc tích vườn lộc vừng thì không ai biết chính xác có từ thời điểm nào, mà chỉ biết đại khái kiểu như "vài trăm năm rồi, giờ có người sống hơn 90 tuổi nhưng vẫn không biết". Bí thư Đảng bộ thôn Châu Văn Sơn kể chuyện: "Ông già tôi đã mất, nếu còn sống giờ đã hơn 90 tuổi nhưng ông không biết vườn lộc vừng có từ khi nào. Sinh thời ông chỉ kể là thuở nhỏ đã ra đó bắn chim rồi".
|
Có một điều chắc chắn mà mọi người trong thôn đều biết đó là lộc vừng được trồng chứ không phải mọc tự nhiên bởi nó nằm thành từng hàng, khoảng cách đều đặn chạy dọc theo chiều dài thế đất làng khoảng 1,5 km. Ở 2 đầu làng chỉ có 1 hàng, còn ở giữa - nơi có đình làng - tập trung nhiều hàng hơn. Và khu lộc vừng này có 2 ý nghĩa: thứ nhất, bảo vệ làng khỏi sự xâm thực của sóng gió đánh từ ngoài đồng vào và giảm độ xiết của dòng chảy mỗi khi vào mùa lũ vì đây là địa bàn thấp trũng, mỗi năm phải hứng chịu ít nhất 3 trận lũ; thứ hai, thời kháng chiến chống Pháp, địch đóng quân tại đồn An Lạc và thường tổ chức sang tập kích vây bắt, trong tình thế đó, vườn lộc vừng rậm rạp trở thành nơi tổ dân quân du kích ẩn náu quan sát rồi báo tình hình cho cán bộ cách mạng.
Chính sự khắc nghiệt của thời tiết đã tạo ra những thế, dáng tự nhiên không thể chê vào đâu được
|
|
|
Chỉ 2 phút chạy xe máy từ trụ sở hội trường thôn, chúng tôi đã tha hồ thỏa thích bên những gốc lộc vừng to một người ôm không xuể nằm san sát. Hàng trăm cây lộc vừng cao to, xù xì tỏa cành lá sum suê chạy dài dọc theo con đường đất đỏ từ đầu đến cuối làng; ở khu vực giữa làng là bàu nước khá rộng, trên đó tràn ngập lộc vừng vươn thân thẳng đứng, tỏa bóng sừng sững trên mặt nước. Có cây to đến 2 người ôm, cây uốn mình là là trên mặt nước. Đi đến đâu, những vị khách đều "ồ" lên thích thú. Dân làng nói, bây giờ nó chuẩn bị vào độ thay lá để nảy lộc khoe sắc xuân, còn trổ hoa vào tháng 6, đấy là 2 thời điểm tuyệt vời nhất trong năm. Giờ vẫn có một số cây ra hoa nhưng chỉ khi đúng dịp, bung màu rực cả một vùng với hương sắc ngào ngạt. Sức sống của lộc vừng đúng là kỳ diệu, vừa trải qua 3 đận lụt lịch sử mà nó vẫn sừng sững hình bóng. Như vậy, tính mấy trăm năm nay, hàng lộc vừng đã hứng chịu không biết bao nhiêu trận bão lũ. Có điều dễ nhận ra, dáng đứng của cây nghiêng vào phía trong làng bởi gió quật, nước đẩy. Chính sự khắc nghiệt của thời tiết đã tạo ra những thế dáng tự nhiên không thể chê vào đâu được.
Canh cây quý
Được xếp vào 4 loại cây cảnh quý: sanh, sung, tùng, lộc và được nhiều người lùng mua, lộc vừng ngày càng trở nên quý hiếm. Vì thế vườn lộc vừng của Phú Thọ trở thành nơi nhòm ngó thèm thuồng của kẻ gian. Trưởng thôn Lê Văn Tiến cho biết: "Toàn bộ có khoảng 300 cây. Đầu năm 2010, 1 cây đã bị bứng trộm trong đêm. Sau đó thôn phối hợp với công an xã, huyện tổ chức tìm kiếm và phát hiện nó được đem bán cho một người tại xã Sơn Thủy. 6 đối tượng đào trộm bị bắt, xử phạt hành chính 5 triệu đồng/đối tượng. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động bà con có trách nhiệm bảo vệ lộc vừng và tố giác kẻ gian". Có chuyện vui, khi mang cây lộc vừng bị đào trộm về, địa phương mời bên tài chính xuống định giá thì chịu không định giá được. Tôi thăm dò: "Theo giá thị trường cỡ khoảng 40 - 50 triệu nhỉ?", "Chưa biết được, khó đoán lắm" - một cán bộ trả lời.
|
Mới đây, thôn Phú Thọ cũng thành lập tổ bảo vệ lộc vừng với 5 thành viên là cựu chiến binh. Tổ trưởng Nguyễn Văn Kỳ tâm sự: "Tuổi cao nhưng còn sức nên anh em chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ thôi, chúng tôi phối hợp với công an viên tổ chức tuần tra, vừa đảm bảo an ninh trật tự thôn xóm vừa giữ gìn tài sản quý báu của ông cha để lại". Trong bài Bầu Mưng của tác giả Châu Dục có mấy câu răn dạy: Trộm mưng ai đó chớ nên/Lợi dụng lén lút ban đêm phá làng/Quy ước của thôn rõ ràng/Bất chấp luật lệ làm càn trớ trêu/Đối tượng này cảnh báo lên/Chặn ngay tức khắc chớ nên nhún nhường.
Thực tế, lãnh đạo thôn Phú Thọ đã có lần "vận dụng" để mang lại nguồn lợi cho địa phương, không chỉ vậy mà còn là thể hiện uy tín, danh dự! Làng và một đơn vị nọ thống nhất "tặng nhau" chứ nhất quyết không mua bán và việc này được Đảng bộ cùng nhân dân đồng ý. Theo đó, đơn vị kia hỗ trợ làm con đường chạy từ đầu làng đến cuối làng trị giá 60 triệu đồng, còn thôn tặng lại 3 cây lộc vừng. Đó là lần hy hữu lộc vừng làng được đưa ra ngoài. Nhiều đơn vị và thương lái đến hỏi mua, số tiền lên đến mười mấy tỉ đồng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Tôi xin đề nghị với trên/Ao bầu nếu đấu phải kiêng lộc vừng/Phú Thọ lịch sử cây mưng/Bức thành chắn sóng đã từng trăm năm - tác giả Châu Dục viết.
Sau khi được chứng kiến và tham khảo ý kiến của một số người đã đi nhiều nơi thì đây là đúng khu lộc vừng "độc nhất vô nhị". Tính độc đáo còn nằm ở chỗ lộc vừng được trồng theo hình con rồng, có đầu, đuôi và bụng. Và hơn hết, lộc vừng vẫn mạnh mẽ trong gió bão để giữ bình yên cho làng Phú Thọ. Danh tiếng lộc vừng hương Phú dậy/Mê say cây cảnh quý vô chừng.
Bài & ảnh: Trương Quang Nam
Bình luận (0)