Người Nhật giữa đống hoang tàn

17/03/2011 23:30 GMT+7

Gần 1 tuần sau thảm họa, nhiều người Nhật đang nỗ lực tìm kiếm người thân, hoặc chí ít là thi thể người thân, trong đống hoang tàn.

“Nữ. Khoảng 50 tuổi. Có đậu phộng trong túi ngực trái. Nốt ruồi lớn. Đồng hồ Seiko” hay “Nam. 70-80 tuổi. Mang tạp dề có dòng chữ “Rentacom”, những dòng chữ lạnh lùng nằm đầy trong danh sách người thiệt mạng vì thảm họa động đất, sóng thần dán trên tường trụ sở Hội đồng thành phố Natori. Nhác thấy một dòng mô tả quen quen, gương mặt Hideki Kano trở nên khó tả, vừa giãn ra đôi chút vừa tràn ngập đau thương. “Tôi nghĩ đó là mẹ tôi”, Kano nói vội với phóng viên tờ USA Today rồi băng mình dưới trời tuyết, hướng đến một nhà xác dã chiến. Danh sách ở Natori và vô số nơi khác dọc theo bờ biển đông bắc Nhật Bản, sẽ chỉ ngày càng dài thêm.

 
Thẫn thờ, tê dại... - Ảnh: Reuters

Những đứa trẻ không được đón về

Quy mô thảm họa hiện rõ một cách đau lòng trong căn phòng ở trường Tiểu học Kama ở thành phố Ishinomaki. Tại đây, hôm 16.3, phóng viên báo Daily Mail chứng kiến 30 đứa trẻ từ 8-12 tuổi ngồi lặng im trong lớp do bố mẹ chúng đã không đến đón từ khi cơn sóng thần quét qua hôm 11.3. Trong khi nhiều bé khác đã rời khỏi trường, 30 đứa trẻ trên không chịu đi, ngồi trong phòng học, lặng lẽ chơi đùa trong khi chờ đợi - trong vô vọng - được bố mẹ đón về. Các phóng viên không được phép bước vào hoặc nói chuyện với bọn trẻ do các giáo viên và thân nhân của chúng lo ngại bất cứ sự tiếp xúc nào cũng có thể gây sốc. Họ cũng chưa biết làm thế nào để báo rằng cha mẹ chúng đã thiệt mạng hoặc mất tích trong cơn thảm họa.

Ở thị trấn Otsuchi, bà Reiko Miura, 68 tuổi, tất bật lục lọi đống đổ nát bất chấp trời tuyết lạnh. Bà đang tìm người cháu trai 50 tuổi, không thể chạy khỏi cơn sóng thần hung hãn do tàn phế vì tai nạn lao động. Mẹ của người này, tức chị của Miura, đã yêu cầu bà chăm sóc con mình. Tuy nhiên, bà Miura hầu như không thể nhận ra nhà mình nữa khi tất cả đã trở thành bùn lầy cùng với những chiếc xe hơi chỏng chơ và những đống đổ nát. Khi không thấy dấu hiệu của người cháu, bà từ từ quay lui, đầu cúi gằm.

Tại thành phố Rikuzentakata, bà Yoshie Murakami khóc lớn trong nỗi đau khổ tột cùng khi chạm vào bàn tay thi thể người mẹ. Theo tờ Mirror, sau 5 ngày tìm kiếm, thi thể trên được tìm thấy trong đống xà bần của ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Vừa phải nói lời vĩnh biệt mẹ, bà Murakami giờ đây đang cầu nguyện cho cô con gái 23 tuổi sẽ bình an.

Ngập chìm trong đau thương và điêu tàn nhưng người Nhật vẫn kiên cường chống chọi, thể hiện một nghị lực mãnh liệt. Theo báo The Los Angeles Times, Hideaki Akaiwa ở thành phố Ishinomaki ngày nào cũng bơi trong dòng nước lạnh buốt, ngập đến tận cổ trong nhiều giờ liền để tìm mẹ. Cuối cùng, hôm 14.3, anh tìm thấy bà kẹt trên tầng hai của một ngôi nhà bị ngập nước suốt 4 ngày.

Phóng viên Tony Parsons của tờ Mirror viết anh đã nhìn thấy nụ cười của một bà cụ Nhật được cõng ra khỏi ngôi nhà bị phá hủy trong thảm họa. Nụ cười vừa hiền từ lại vừa có chất thép. “Tôi nhìn thấy nụ cười đó và tôi biết Nhật Bản sẽ xây dựng lại. Đất nước này sẽ gượng dậy với trái tim tan nát, nhưng họ sẽ làm được”, Parsons viết.

Cần tiền hơn nhân lực

Chính phủ Nhật Bản cho hay chưa thể đón tất cả các đoàn tình nguyện viên trên thế giới đến nước này. Tờ Wall Street Journal dẫn lời Takeshi Matsunaga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật nói tình hình tại những nơi bị thiên tai vẫn chưa ổn định và hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại khủng khiếp. Việc phải đón tiếp nhiều đoàn tình nguyện viên sẽ tạo nên sức ép nặng nề cho các địa phương trong khi họ đang phải vật lộn tìm nguồn cung lương thực, điện nước cho người dân. Tổ chức Chữ thập đỏ tại Mỹ cũng kêu gọi quyên tiền gửi đến Nhật Bản chứ không nên cử thêm nhiều người tới, trừ phi chính phủ đặc biệt yêu cầu chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, theo WXOW News.

Tờ Chosun Ilbo đưa tin ngoài a-xít boric dùng làm nguội trong các lò phản ứng hạt nhân, Nhật Bản đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ khí đốt thiên nhiên ở dạng lỏng để tạm thời cung cấp nhiệt điện cho một số khu vực tại nước này. Công ty điện lực Tokyo cũng muốn đổi dầu thô lấy sản phẩm dầu của phía Seoul sau khi ít nhất 20% nhà máy lọc dầu của Nhật buộc phải đóng cửa.

Thụy Miên

Tạm cư trong giá rét

Hơn một ngàn khu tạm cư đã được dựng lên tại miền đông bắc cho những người sống sót ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách là phần lớn các khu vực này lâm vào tình trạng không đủ thức ăn nóng, thuốc men hoặc xăng dầu, theo tờ Independent. Tại Sendai, tỉnh Miyagi, nơi bị tàn phá nặng nhất, những hàng người xếp hàng chờ lĩnh lương thực với hy vọng có thể tìm được chút gì giúp họ vượt qua thời tiết giá lạnh.

 
Một phụ nữ Nhật trùm chăn ấm cho con - Ảnh: AFP

Dù khó khăn thiếu thốn như vậy nhưng ai nấy vẫn giữ được bình tĩnh và xếp hàng trật tự. Nhiều cửa hàng tuyển thêm người cầm cờ để chỉ dẫn khách hàng vào hàng lối. Cũng có nơi nhà nhà mở cửa cho nhau đồ ăn trong nỗ lực trụ được ngày nào hay ngày ấy.

Do không có nhiên liệu, nhiều người quay trở lại các đống đổ nát để nhặt gỗ về nhóm lửa chống lạnh. Khi tìm thấy những hộp đồ ăn còn nguyên vẹn, họ mừng rỡ mang về nơi tạm trú và chia sẻ với những người khác.

Vẫn chưa rõ khi nào các nguồn cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm mới được nối lại. Kyodo News dẫn nguồn tin của chính phủ cho hay hiện có khoảng 440.000 người phải sơ tán, trong số này có đến 1/5 là trẻ em. Kể từ sau trận động đất, chính phủ đã gửi 120.000 chiếc chăn, 120.000 chai nước và

110.000 lít xăng cho những nơi bị tàn phá nặng nề nhất, nhưng nguồn cung vơi đi nhanh chóng.

Thụy Miên

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.