Đài truyền hình NHK phát hình ảnh 2 chiếc trực thăng quân sự CH-47 Chinook liên tục đổ những túi nước lớn, mỗi túi chứa hơn 7 tấn nước, xuống lò phản ứng số 3 và số 4. Động thái này nhằm giữ cho các thanh nhiên liệu hạt nhân ngập trong nước, ngăn chặn phóng xạ thoát ra ngoài khi các thanh trên tiếp xúc với không khí. Ngoài ra, còn có một trực thăng khác làm nhiệm vụ đo phóng xạ trên nhà máy. Đến trưa qua, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiếp tục triển khai 5 xe chữa cháy chuyên dụng đến để phun nước vào lò phản ứng số 3.
|
Trong khi đó, giới chức Mỹ tỏ ra bi quan về tình hình tại Fukushima. AP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát hạt nhân Mỹ Gregory Jaczko hôm qua nói trước Quốc hội nước này: “Chúng tôi tin rằng mức phóng xạ tại Fukushima cực kỳ cao”. Các quan chức của ủy ban trên cũng cho rằng hồ chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 đã cạn nước sau 2 vụ cháy liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, phía Nhật bác bỏ thông tin này. AFP dẫn lời một phát ngôn viên thuộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) nói: “Chúng tôi không xác định được lượng nước bị thiếu trong bể chứa, nhưng không có thông tin về việc nhiên liệu đã qua sử dụng bị phơi lộ”.
Mỹ cũng cảnh báo công dân của họ sống cách Nhà máy Fukushima số 1 trong vòng bán kính 80 km nên rời đi hoặc nếu ở lại thì hạn chế ra ngoài trời. Chính phủ Nhật thì vẫn giữ nguyên bán kính phạm vi sơ tán hoặc ở trong nhà là 30 km tính từ nhà máy.
Chuyện gì xảy ra tại nhà máy Fukushima số 1? - Lò phản ứng số 1: nổ hôm 12.3, một ngày sau động đất, làm hư hại 70% các thanh nhiên liệu hạt nhân. - Lò phản ứng số 2: nổ hôm 15.3, gây ra lo ngại lớp bê-tông bao bọc lõi hạt nhân bị nứt vỡ, hư hại 33% thanh nhiên liệu. - Lò phản ứng số 3: nổ ngày 14.3. Vụ nổ làm hỏng nóc lò phản ứng và có thể gây hư hại lớp bọc lõi hạt nhân. - Lò phản ứng số 4: cháy liên tục hai ngày 15 và 16.3. |
Ngoài ra, TEPCO cũng đang chạy đua để khôi phục nguồn điện tại Nhà máy Fukushima số 1, vốn có thể giúp tăng hiệu suất bơm nước vào các lò phản ứng. Một phát ngôn viên của TEPCO nói với AFP đường dây điện trong khu vực đang được sửa chữa và công ty đang nối điện từ các đường dây không bị hư hỏng vào. Tuy công ty không đưa ra thời hạn cụ thể nhưng theo một số nguồn tin, điện có thể được phục hồi trong hôm nay.
Theo AP, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ông Yukiya Amano cho biết sẽ đến Nhật Bản để đánh giá tình hình trong hôm nay, đồng thời thúc giục Tokyo cung cấp thông tin nhiều hơn cho IAEA.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Mitsubishi hôm qua buộc phải đóng cửa nhà máy hóa chất lớn nhất Nhật Bản với sản lượng khoảng 830.000 tấn ethylene/năm, ở tỉnh Ibaraki. Sau thảm họa động đất và sóng thần, các đường ống dẫn đã biến dạng và cầu tàu vận chuyển thành phẩm bị hư hại nghiêm trọng, theo Kyodo News.
Lê Loan
Bình luận (0)