Ô sin hưởng lương “khủng”

20/03/2011 09:59 GMT+7

(TNTS) Tại TP.HCM, hiện đã có những ô sin hưởng mức lương “khủng”, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Nhưng không dừng lại ở mức này, sắp tới, sẽ có những ô sin được trả lương từ 10-12 triệu đồng/tháng.

Cánh tay đắc lực  

7-8 triệu đồng/tháng là mức lương cao nhất mà một số người giúp việc (NGV) chuyên nghiệp hiện nay được hưởng. Nhưng đa phần họ là người của các công ty cung ứng dịch vụ NGV nên để thuê được họ, gia chủ phải trả mức phí cao hơn nhiều, từ 12-13 triệu đồng/tháng.

Tôi đã đến nhà chị Minh Phương ở Q.2, TP.HCM, gia chủ thuê anh Nguyễn Mạnh Hưng với mức phí cao ngất: 13 triệu đồng/tháng để tìm hiểu “sự khác biệt” giữa NGV chuyên nghiệp với NGV bình thường.

 
Minh họa: DAD

“Anh Hưng làm việc mỗi ngày 8 giờ nhưng giải quyết hết và gọn những công việc gia đình tôi yêu cầu. Hằng ngày, đúng 6 giờ 30 phút, anh có mặt tại nhà tôi để lái ô tô đưa hai con tôi đi học. Xong, anh quay trở về chăm sóc vườn cây trong nhà và hồ bơi. Có những giống cây thuộc loại khó trồng nhưng được anh chăm sóc nên chúng vẫn phát triển tốt. Chiều, anh Hưng lại đi đón con giúp tôi. Ngoài ra, anh còn lái xe đưa tôi đi mua sắm, đưa ông xã tôi đi tiếp khách…” chị Phương giải thích lý do vì sao chịu chi mức phí cao để thuê anh Hưng.

Một gia đình người Pháp ở P.An Khánh, Q.2, TP.HCM cũng đồng ý thuê chị Hạnh giúp việc nhà với mức phí 12,3 triệu đồng/tháng. Bởi, chị Hạnh không chỉ biết giao tiếp tiếng Anh “chút chút” mà còn làm việc khoa học, nhanh nhẹn, đâu ra đó. Chị Hạnh kể: “Ngày đầu tiên đến làm việc, tôi đề nghị có cuộc trao đổi chi tiết với gia chủ về công việc hằng ngày của mình. Tôi sẽ làm những việc gì, vào những giờ nào; những điều gì tôi không nên làm, những thiết bị gia dụng trong gia đình là gì... Nếu thiết bị nào quá hiện đại, tôi chưa biết cách dùng sẽ yêu cầu gia chủ hướng dẫn. Rồi từ đó tôi chủ động làm việc hằng ngày, không đợi chủ nhắc nhở”. 

Chị Võ Thị Nga được vợ chồng chị Trần Thị Bé (ngụ ở đường Phan Văn Khỏe, P.5, Q.6, TP.HCM) rất hài lòng trong việc chăm cụ bà ngoài 90 tuổi. “Cứ mỗi lần cụ nhăn nhó, chị Nga liền kiểm tra vết thương ngay cổ, chỗ đưa ống thở vô cho bà thở. Cụ động đậy tay chân, chị Nga cũng kiểm tra ngay. Khi cụ nhập viện, chị Nga kiêm luôn việc đưa cụ đi chụp X quang, xét nghiệm, theo dõi bệnh tình và báo bác sĩ khi cần giải quyết, can thiệp chuyên môn… Tôi rất hài lòng trước cách xử lý công việc nhanh nhẹn của chị Nga. Cả nhà tôi không ai chăm cụ tốt bằng chị ấy”, chị Bé chia sẻ.  

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty Săn sóc và cung ứng người nuôi bệnh Sasoco (TP.HCM) cho biết, dù phí thuê NGV chuyên nghiệp rất cao so với NGV tay ngang nhưng công ty vẫn luôn nằm trong tình trạng “cung không đủ cầu”. điều kiện để tuyển dụng một NGV chuyên nghiệp khá khắt khe. Phải là người không bị mắc các bệnh truyền nhiễm, không nghiện ngập, có sức khỏe, minh mẫn, có nhân thân rõ ràng, không có tiền án tiền sự, có nhân cách đàng hoàng, chịu khó… được chính quyền địa phương xác nhận hoặc chi hội phụ nữ địa phương giới thiệu.

Ngoài ra, còn một lý do chung khác mà các gia chủ đồng ý thuê NGV chuyên nghiệp với mức phí cao là vì gia chủ sẽ được đền bù nếu tài sản bị mất do NGV đánh cắp. Trong hợp đồng thuê giữa gia chủ và đơn vị thực hiện dịch vụ cung ứng NGV luôn ghi rõ điều khoản: Những tài sản có giá trị trên 20 triệu đồng, gia chủ sẽ tự quản lý; còn những tài sản như ti vi, tủ lạnh, điện thoại, máy giặt, máy lạnh, lò nướng… có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống nếu bị mất trong thời gian NGV đến làm việc và được cơ quan công an xác định là do NGV đánh cắp, đơn vị thực hiện dịch vụ cung ứng NGV sẽ bồi thường tiền tương đương với giá trị của món tài sản.

Cơ hội thăng tiến

Ô sin thường được coi là nghề thấp hèn trong xã hội. Nhưng khái niệm này giờ bắt đầu thay đổi. Sau khi được các công ty cung ứng dịch vụ NGV đưa đến đào tạo nghiệp vụ tại các trường dạy nghề, họ trở thành NGV chuyên nghiệp, có bằng cấp hẳn hoi, nên bắt đầu được gia chủ tôn trọng. Thậm chí họ còn có cơ hội thăng tiến, tìm được công việc tốt hơn với mức lương cao hơn nữa, từ 10-12 triệu đồng/tháng. Đó là trở thành quản gia.

Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP thương hiệu Cung đình nói: Quản gia là người quản lý những NGV khác trong gia đình. Người quản gia phải được đào tạo qua nhiều “chuyên ngành” như giúp việc nhà, chăm sóc em bé, chăm sóc người bệnh, vườn cây, vật nuôi…; có kinh nghiệm từ 3-5 năm; biết cách tổ chức công việc, biết lái xe. Thậm chí, người quản gia còn là người có thể thay mặt gia chủ giải quyết một số việc khi gia chủ đi vắng. Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đào tạo dạy nghề Nam Việt cho biết, trường đang soạn thảo chương trình đào tạo người quản gia. Theo dự đoán của ông Nam, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, VN sẽ có những người quản gia chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiều gia đình ở đô thị.

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.