Điều trị chấn thương nhờ sinh vật biển

20/03/2011 16:52 GMT+7

Những sợi lông bé nhỏ của một loài sinh vật biển trong tương lai gần sẽ giúp các bác sĩ khoa ngoại chấn thương phục hồi mô cơ cho bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Theo nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học Anh, sinh vật biển với tên gọi tunicates được trích xuất các sợi lông tơ nhỏ để làm chất trung gian giúp tái tạo nhanh chóng các cơ bắp đã bị hư hại trên thân thể người.

Phát hiện này là một hướng đi giúp điều trị các bệnh nhân bị chấn thương nghiêm trọng, thậm chí là có thể bị tàn tật vĩnh viễn. Đó là kết quả mà các nhà khoa học thuộc Đại học Manchester đang hướng đến các sinh vật biển để phục vụ ngành y tế. Các chuyên gia nhận thấy các sợi lông tơ nhỏ bé của sinh vật biển chứa một hợp chất cellulose đặc biệt, khác hẳn với chất xơ phổ biến trong các loài thực vật trên bề mặt trái đất. Hợp chất cellulose biển này sẽ giúp các tế bào cơ người nhanh chóng đan lại với nhau giúp bệnh nhân chấn thương nhanh chóng bình phục.

Theo thông tin từ tiến sĩ Stephen Eichhorn thì cellulose biển tác động đến một tiến trình hóa học rất tinh vi của việc phục hồi cơ bắp và mang lại những kết quả nhiều tiềm năng khác cho y học.  Không chỉ giúp phục hồi cơ bắp mà cellulose biển còn có tiềm năng giúp tái cấu trúc dây chằng và dây thần kinh - đó là công trình nghiên cứu giúp nghiên cứu sinh James Dugan và cũng là cộng sự của tiến sĩ Eichhorn giành được giải thưởng uy tín của Hội Hóa học Mỹ.

Tunicates còn được gọi là mực biển, phát triển với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau và tổ tiên của chúng có mặt trong lòng biển vào kỷ Cambri, cách đây chừng 540 triệu năm, được coi là bước nối tiếp giữa thực vật và động vật có xương sống trong lòng biển. Theo báo Daily Mail thì các sinh vật biển nhỏ bé đang ngày càng trở thành đối tượng nghiên cứu ứng dụng quan trọng trong y khoa để tìm ra các phương cách chống nhiễm khuẩn và cả cách điều trị bệnh ung thư.

T.X.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.