Kiên quyết loại khỏi ngành những cán bộ sai phạm

20/03/2011 01:59 GMT+7

Công an Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 11 “Xây dựng phong cách người chiến sĩ công an Đồng Nai”. Nhân dịp này, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an Đồng Nai sau thời gian thực hiện nghị quyết và xung quanh vụ án triệt phá 2 băng nhóm Long Thanh và Hưng “vườn điều”.

 

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh

Liên quan đến loạt bài viết về 2 băng nhóm Long Thanh và Hưng “vườn điều” trên Báo Thanh Niên, xin thiếu tướng cho biết Công an Đồng Nai đã chủ động triệt phá những băng nhóm này như thế nào?

Qua công tác nắm tình hình và nguồn tin từ nhân dân, cuối năm 2008, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, nổi lên là băng nhóm Long Thanh và Hưng “vườn điều”. Đầu năm 2009, Công an tỉnh xác lập chuyên án 109L để chủ động đấu tranh. Tháng 4.2010, phát hiện 2 băng nhóm này có dấu hiệu sử dụng vũ khí để gây án nên Ban giám đốc Công an tỉnh quyết định phá án, bắt giữ những đối tượng cầm đầu. Mở rộng điều tra cho thấy hoạt động của các đối tượng trong chuyên án này còn liên quan ở nhiều địa phương như Bình Dương, TP.HCM, Hải Phòng… Tính đến nay, có khoảng 40 vụ án đã bị khởi tố với hàng trăm bị can về nhiều tội danh như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích…

Khoảng 40 vụ án được khởi tố với hàng trăm bị can, thiếu tướng đánh giá tính chất, mức độ của 2 băng nhóm này thế nào?

Theo tôi, các đối tượng trong băng nhóm này mới nổi lên, hoạt động có dấu hiệu mang tính “xã hội đen” nhưng Công an tỉnh đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kịp thời phát hiện, đấu tranh quyết liệt… thì hoạt động của các băng nhóm này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Đến nay, có khoảng 20 vụ án với 164 bị can đã có kết luận điều tra, chuyển qua Viện kiểm sát để truy tố; một số vụ trọng án khác đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Đối với 14 vụ án phục hồi điều tra, chủ yếu liên quan đến các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích… xảy ra phần lớn trên địa bàn TP Biên Hòa - một thành phố loại II đông dân cư và rất phức tạp, tỷ lệ phạm pháp hình sự chiếm gần 50% vụ toàn tỉnh. Trong khi đó, lực lượng điều tra viên còn thiếu, áp lực cao (một điều tra viên phải thụ lý 25-30 vụ án/năm) nên khó tránh những sai sót trong công tác điều tra.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, khi thực hiện Nghị quyết 11, Công an Đồng Nai chọn Phòng CSGT, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và Công an  TP Biên Hòa làm thí điểm, sau đó nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhưng qua vụ án Long Thanh và Hưng “vườn điều” cho thấy còn một số cán bộ, nhất là ở Công an TP Biên Hòa thiếu tu dưỡng rèn luyện, vi phạm bị kỷ luật đã làm ảnh hưởng đến thành tích của toàn lực lượng Công an tỉnh.

Một số cán bộ, chiến sĩ công an bị kỷ luật trong vụ án này. Với tư cách là người đứng đầu đơn vị, thiếu tướng có tâm tư gì khi ký quyết định xử lý?

Trong khi điều tra vụ án, làm rõ các hoạt động phạm tội của Long Thanh và Hưng vườn điều, Ban giám đốc phát hiện một số cán bộ chiến sĩ, chủ yếu ở cơ sở, có liên quan đến trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua xác minh, chúng tôi đã xử lý kỷ luật 14 trường hợp, đồng thời tước danh hiệu CAND và  khởi tố hình sự 3 trường hợp. Điều này thể hiện thái độ của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh trong việc giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, kiên quyết xử lý những cán bộ, chiến sĩ sai phạm. 

Trong trường hợp nào, đối với người lãnh đạo nào, khi đặt bút ký quyết định xử lý kỷ luật, thì đó cũng là mất mát và không tránh khỏi tâm trạng rất buồn trước sai phạm của cán bộ chiến sĩ. Đối với số cán bộ sai phạm trong vụ án này, chủ yếu xuất phát từ nhận thức yếu kém trước mối quan hệ với các đối tượng trong vụ án; có đồng chí cho rằng “đây là mối quan hệ xã hội”, tuy nhiên một khi anh là công an biết đó là tội phạm thì phải chấm dứt mối quan hệ, đồng thời phải có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa cho bản thân và cả người thân trong gia đình.

Nghị quyết 11 của Đảng ủy Công an tỉnh về “Xây dựng phong cách người chiến sĩ Công an Đồng Nai” với nhiều mục tiêu, trong đó có việc tiến tới xóa bỏ những tiêu cực trong lực lượng. Thiếu tướng có thể đánh giá về những chuyển biến sau 4 năm thực hiện nghị quyết?

Xác định công tác xây dựng lực lượng là khâu then chốt nên Công an tỉnh xây dựng và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/ĐUCA về “Xây dựng phong cách người chiến sĩ Công an Đồng Nai”. Đây là chương trình hành động trong việc thực hiện các cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, “Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Bộ Công an và phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” gắn với phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc (ANTQ)”. Nghị quyết tập trung xây dựng 5 đức tính tốt đẹp, 6 nội dung văn hóa giao tiếp với 7 giải pháp thực hiện.

Sau 4 năm thực hiện, Công an tỉnh đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT; chủ động đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tấn công trấn áp các loại tội phạm; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”...

Cùng với việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; lực lượng công an còn tham gia sửa đường, sửa nhà cho dân; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí trên 3.000 người; tặng 80 căn nhà tình thương cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập “quỹ doanh nhân với ANTT”, được sự ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp với trên 2 tỉ đồng để giúp những người mới ra tù hoặc ở các trại giáo dục, cai nghiện về địa phương vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
 
Chủ trương “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, “khen” đi đôi với “thưởng”... đã có tác dụng tích cực trong việc động viên, giáo dục cán bộ chiến sĩ hăng hái thi đua lập thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh bảo vệ ANTQ, giữ bình yên cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý kỷ luật hoặc đưa ra khỏi ngành những cán bộ chiến sĩ có sai phạm khuyết điểm, nhũng nhiễu gây phiền hà cho nhân dân. Qua tổng kết cho thấy, tỷ lệ cán bộ chiến sĩ sai phạm giảm rõ rệt, tinh thần phục vụ được cải thiện rất nhiều, nhất là thủ tục hành chính… Nhiều tập thể, cá nhân của Công an Đồng Nai được tặng thưởng Huân chương chiến công; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công an và UBND tỉnh... Kết quả đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các đoàn thể và nhất là đóng góp nhiệt tình và có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân.

Xin cảm ơn thiếu tướng.

Hoàng Tuấn - Kim Cương
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.