Trong cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề Libya tại Paris hôm qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo khoảng 20 máy bay chiến đấu Rafale của nước này đã xâm nhập bầu trời quốc gia Bắc Phi. AFP dẫn lời ông Sarkozy cho hay sự có mặt của phi đội này đã giúp chặn đứng các đợt không kích của lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nhằm vào Benghazi, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Rạng sáng nay (giờ VN), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp Thierry Burckhard thông báo máy bay Pháp đã nã đạn vào một xe quân sự của quân chính phủ nhưng không nói rõ chi tiết. Ông Burckhard chỉ khẳng định Pháp xác định rõ chiếc xe trên có dấu hiệu đe dọa và nguy hiểm trước khi khai hỏa.
|
Máy bay Pháp xuất hiện giữa lúc giao tranh vẫn diễn ra dữ dội bất chấp nghị quyết của LHQ và tuyên bố ngừng bắn của chính quyền Tripoli. Theo các phóng viên tại hiện trường của các hãng tin quốc tế, xe tăng của quân chính phủ đã tiến vào Benghazi. Đến chiều qua, Reuters dẫn lời một người phát ngôn của phe chống đối tên Nasr al-Kikili cho hay họ đã chiếm được 4 xe tăng và đẩy lùi bộ binh của quân chính phủ khỏi thành phố.
Sáng qua, một máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Benghazi. Các nhân chứng mô tả chiếc phi cơ cháy hừng hực lao xuống đất, tạo ra một cột khói đen kịt. Ban đầu, giới truyền thông loan tin đây là máy bay chính phủ bị hạ khi đang ném bom Benghazi nhưng đến chiều, một chỉ huy của phe nổi dậy xác nhận với AFP rằng đó là máy bay của họ. Chiếc chiến đấu cơ bị bắn rơi thuộc dòng Mirage do Pháp sản xuất và phi công kịp nhảy dù ra ngoài trước khi nó bốc cháy.
Những cuộc đụng độ trên rõ ràng đã vi phạm Nghị quyết 1973 của LHQ thông qua hôm 17.3 và trái ngược với tuyên bố ngừng bắn của chính quyền Tripoli đưa ra tối 18.3. Hôm qua, hãng thông tấn nhà nước Jana dẫn một tuyên bố của chính phủ xác nhận có giao tranh nhưng khẳng định quân đội không tấn công. Ngược lại, chính phủ cáo buộc “những phần tử al-Qaeda phản loạn” - ý chỉ phe nổi dậy, đã gây chiến trước “nhằm tạo cớ cho nước ngoài can thiệp vào Libya”.
Cùng ngày, truyền hình quốc gia Libya chiếu cảnh hàng trăm người Libya tập trung tại căn cứ quân sự Bab al-Aziziyah ở thủ đô Tripoli và sân bay quốc tế Tripoli. Đây được xem là những mục tiêu không kích của lực lượng quốc tế và sự xuất hiện của thường dân sẽ gây khó khăn cho mọi ý định tấn công.
Bên cạnh đó, trong bức thư gửi LHQ, Mỹ, Anh và Pháp hôm qua, nhà lãnh đạo Gaddafi tuyên bố mọi hành vi nhúng tay vào Libya là một sự xâm lược và vi phạm luật pháp quốc tế. AFP dẫn bức thư trên cho hay ông Gaddafi “nhắn nhủ” với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rằng: “Dân Libya sẵn sàng chết vì tôi”. Đối với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhà lãnh đạo Libya cảnh cáo: “Nếu can thiệp vào đất nước chúng tôi, các người sẽ hối tiếc”.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaim hôm qua kêu gọi quốc tế cử quan sát viên đến nước này để giám sát việc ngừng bắn và “tìm hiểu sự thật đang diễn ra”. Một quan chức của Tripoli cho hay đã gửi đề nghị này đến Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Anh, Pháp tập trung không kích
Pháp và Anh là hai nước tích cực nhất trong việc vận động can thiệp vào Libya. AFP dẫn một số nguồn tin cho hay hai nước này tập trung không kích, còn các đối tác khác bảo đảm lệnh cấm bay được thực hiện.
Tham gia cuộc họp thượng đỉnh nói trên có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Anh Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng đại diện EU, khối Ả Rập và nhiều nước khác. Giới chức Paris tuyên bố cuộc họp nhằm thảo luận cụ thể các bước đi phối hợp cũng như đưa ra “một quyết định về mặt chính trị” cho chiến dịch tại Libya.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Obama, đang công du châu Mỹ La-tinh nên không thể đến Paris, đã ra một tối hậu thư cho ông Gaddafi. AP dẫn lời ông Obama nói: “Tất cả các cuộc tấn công nhắm vào thường dân phải được ngưng ngay lập tức. Tôi nhấn mạnh rằng những điều kiện của nghị quyết là không thể thương lượng. Nếu ông Gaddafi không tuân thủ, ông sẽ lãnh hậu quả từ hành động quân sự của quốc tế”, Tổng thống Mỹ nói.
AFP dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định chiến dịch lần này có thể bắt đầu bằng việc dùng tên lửa hành trình vô hiệu hóa không quân Libya, nối tiếp bằng đánh bom các mục tiêu quan trọng và cuối cùng là dùng máy bay tuần tra để bảo đảm lệnh cấm bay. “Cuộc không kích sẽ tập trung vào những mục tiêu sau: đường băng, chiến đấu cơ, trực thăng, trung tâm chỉ huy, radar và các đơn vị phòng không”, chuyên gia Richard Labeviere nói. BBC thì dẫn các nguồn tin từ Paris cho biết Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy hải quân Mỹ tại châu u, được chỉ định làm chỉ huy chiến dịch ở Libya.
- Anh: Thủ tướng David Cameron tuyên bố triển khai chiến đấu cơ Tornado và Typhoon trong chiến dịch ở Libya cùng máy bay tiếp liệu trên không và máy bay tuần tra. Anh có một căn cứ không quân ở đảo Síp có thể dùng hỗ trợ không kích. Ngoài ra, 2 tàu chiến HMS Cumberland và HMS Westminster của nước này đã chờ sẵn ở Địa Trung Hải. - Pháp: Ngoài máy bay Rafale đã được triển khai, các căn cứ không quân của Pháp trên đảo Corsica ở Địa Trung Hải và ở Chad - nước láng giềng của Libya ở phía nam, đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Ngoài ra, tàu sân bay Charles de Gaulle đang đóng tại Toulon cũng sẽ được huy động gần bờ biển Libya. - Mỹ: Máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của Mỹ đang đóng ở Sicily, Ý đã sẵn sàng. Ít nhất 5 tàu chiến đã đến Địa Trung Hải trong đó có 2 tàu khu trục USS Barry và USS Stout, được trang bị tên lửa Tomahawk. - Canada: 6 máy bay chiến đấu CF-18 sẽ được tăng cường cho tàu HMCS Charlottetown ở Địa Trung Hải. - Ý: Thủ tướng Silvio Berlusconi cho phép liên quân sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này nhưng để ngỏ khả năng trực tiếp tham gia. - Đan Mạch: Ngày 19.3, 6 máy bay F-16 và một máy bay vận tải quân sự lên đường đến Địa Trung Hải. - Na Uy: Hôm qua, Thủ tướng Jens Stoltenberg tuyên bố đóng góp 6 máy bay F-16 vào chiến dịch. - Các nước Ả Rập: Qatar tuyên bố tham gia nhưng không nói rõ vai trò của mình, trong khi một quan chức LHQ cho hay UAE cũng sẽ góp mặt. Trọng Kha (Theo AFP) |
Lê Loan - Trọng Kha
Bình luận (0)