Với các thầy cô giáo và các em sinh viên, học sinh tại học viện, cơ hội được nghệ sĩ dương cầm tài năng thế giới chỉ bảo kinh nghiệm, truyền dạy kiến thức là vô cùng quý báu, không dễ gì có được. Vì thế, căn phòng diễn ra buổi học của NSND Đặng Thái Sơn dành cho các sinh viên hệ cao học chật kín các thầy cô, các em học sinh ở mọi lứa tuổi, có em còn rất nhỏ. Dưới hàng ghế, NSND Thái Thị Liên cũng đến tham dự buổi dạy của con trai. Tất cả thầy cô, các em học sinh lặng yên, lắng nghe từng lời nhận xét của nghệ sĩ về những điểm yếu, điểm mạnh của từng sinh viên, những lời chỉ dạy về kỹ thuật chơi, cách phân tích tác phẩm, cách liên tưởng tác phẩm âm nhạc tới hội họa… Không chỉ là những kiến thức, NSND Đặng Thái Sơn còn truyền cho mọi người niềm cảm hứng, đam mê âm nhạc với cây đàn dương cầm.
|
* Là người đã giảng dạy tại nhiều trường âm nhạc chuyên nghiệp danh tiếng trên thế giới, ông nhận thấy đâu là những điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên VN so với sinh viên các nước?
Tôi thấy ở mình có nhiều em rất có tài, học bài nhanh, kể cả với những bài khó. Tuy nhiên, mình lại đi về chiều rộng nhiều, chương trình học nhiều nhưng lại chưa xoáy vào chiều sâu. Đó là điều khác nhau giữa ta với thế giới nhưng nó lại rất quan trọng, bởi muốn tham gia các cuộc thi quốc tế, các em phải có trình độ chuyên nghiệp rất cao.
Vì thế, bây giờ chúng ta cần phải nâng độ sâu lên và cũng là nâng cao độ chuyên nghiệp cho các em.
* Theo ông, vai trò của người thầy chiếm bao nhiều phần trăm trong sự thành công của người nghệ sĩ?
Tôi lấy ví dụ để mọi người có thể hình dung. Như môn đá bóng, các cầu thủ luôn cần có huấn luyện viên trưởng, đây là người có vai trò quyết định. Nhưng trong nghệ thuật thì điều đó mang tính cá nhân nhiều hơn. Với các em có khả năng đặc biệt, cách dạy của người thầy cũng phải khác. Rất khó có thể tính ra bao nhiêu phần trăm như toán học. Nhưng người thầy nhiều khi là yếu tố quyết định cho người nghệ sĩ nếu đi đúng đường.
Tôi vẫn nói với các em, không nên răm rắp nghe theo lời dạy của thầy một cách thụ động, mà nên biết tiếp thu, nhào nặn các kiến thức có được để tạo ra cái riêng của mình. Đó mới là điều tôi luôn khuyến khích các em.
* Ông có thể cho biết kế hoạch giảng dạy trong năm nay của ông tại VN?
Tôi vừa có hai buổi gặp gỡ, trao đổi với các giảng viên Học viện m nhạc Quốc gia, tiếp đó là buổi dạy cho các em học cao học piano. Sau buổi biểu diễn tại Singapore (vào cuối tháng 3), tôi sẽ quay trở lại Hà Nội, tiếp tục dạy thêm một số buổi, mở rộng thêm cho các em ở trình độ trung cấp. Vì lịch hoạt động của tôi tại nước ngoài kín mít, khó về VN thường xuyên theo ý muốn, nên chưa thể nói cụ thể về kế hoạch giảng dạy sắp tới.
Minh Ngọc (thực hiện)
Bình luận (0)